Sign In

Hội thảo “Các giải pháp nông học thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu (BÐKH) ở Việt Nam”

17:26 15/12/2023
Ngày 14-12, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) cùng Liên minh các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) và các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo “Các giải pháp nông học thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu (BÐKH) ở Việt Nam”.



Hội thảo “Các giải pháp nông học thích ứng với biến đổi khí hậu” (Ảnh: NNVN)

Page Content

Hội thảo thuộc khuôn khổ sự kiện gặp mặt thường niên của các nhà nghiên cứu của Sáng kiến Xuất sắc trong Nông học – Liên minh tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR-EiA). Từ khi Sáng kiến được khởi xướng vào năm 2019, CGIAR-EiA đã vươn tới 21 quốc gia, giúp đỡ hàng nghìn nông hộ nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thông qua diễn đàn này, Bộ NN-PTNT chia sẻ kinh nghiệm với khoảng 100 nhà khoa học quốc tế, thể hiện cam kết về xây dựng chính sách thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cảm ơn các tổ chức nghiên cứu phi chính phủ, đồng thời bày tỏ: “Với nhiều giải pháp cụ thể như cải tiến, phục tráng giống lúa, phát triển hệ thống canh tác, bón phân thông minh, và gần đây nhất là nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính đã hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua”.

Thứ trưởng nói thêm, ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng châu thổ trên thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Các nông hộ ở đây dễ bị tổn thương bởi mực nước biển dâng, xâm nhập mặn. Ngành trồng trọt gặp nhiều thách thức, như diện tích đất canh tác giảm, tình trạng hạn hán, sâu bệnh. Mặt khác, canh tác lúa chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để ứng phó với biến đối khí hậu, hiện nay, ngành nông nghiệp đang tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, một số biện pháp canh tác lúa đã được triển khai như: mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp.

IRRI là một trong các viện quốc tế đảm nhiệm vai trò tổ chức thành viên của CGIAR tại Việt Nam. Viện đã đồng hành với Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) triển khai các gói đổi mới kỹ thuật nông nghiệp. Điển hình, kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ giúp đạt chỉ tiêu “1 Phải 5 Giảm” ở ĐBSCL, tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Các nhà khoa học, nhà quản lý cùng hướng dẫn 4.000 nông dân qua tổ chức trình diễn đồng ruộng, công tác khuyến nông.

Từ năm 2021, IRRI triển khai Sáng kiến Xuất Sắc trong Nông học với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, bình đẳng giới, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ điều phối hợp tác Nam - Nam trong phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, chia sẻ các đổi mới sáng tạo và giải pháp nông học, nông nghiệp thích ứng với BÐKH và giảm pháp thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo. Ðại diện nhiều tổ chức quốc tế cho biết, tới đây sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và triển khai sáng kiến về quản lý trồng trọt thích ứng và giảm thiểu BÐKH. Tích cực hỗ trợ nước ta thực hiện Ðề án.

Ra mắt Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải nhà kính trong sản xuất lúa vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Cũng nhân dịp này, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã ra mắt Sổ tay hướng dẫn “Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở ÐBSCL”. Cuốn sách là kết quả của chặng đường nghiên cứu 2 năm giữa IRRI và Cục. Đây sẽ là cẩm nang của nông dân vùng ĐBSCL những năm tiếp theo Chương trình 1 triệu ha, phục vụ cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

Quy trình gồm các hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ theo hàng hoặc theo cụm bằng máy ở đồng bằng sông Cửu Long; một số chú ý về làm đất, chuẩn bị giống, bón phân tương thích với cơ giới hoá sạ hàng và sạ cụm. Tùy theo biện pháp cơ giới hóa, áp dụng mật độ sạ không quá 80 kg/ha; đối với sạ hàng hoặc sạ cụm không quá 60 kg/ha. 

Cũng tại hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho các tổ chức, đơn vị đã có những thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

 

IRRI, CGIAR và EiA nhận bằng khen của Bộ NN-PTNT (Ảnh: NNVN)

BBT tổng hợp

Tag:

File đính kèm