|
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. Ảnh minh họa: VGP |
Khái quát về vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách là thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách
Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Quy định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật. Phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp”. Trong thời gian qua, với tư cách là thành viên Chính phủ, các vị Bộ trưởng đã đóng vai trò quan trọng trong quản lý vĩ mô đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, đồng thời hoạch định chính sách góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước.
Khoản 2 Điều 33, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định, Bộ trưởng với tư cách là thành viên Chính phủ có thẩm quyền “Đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách, cơ chế, văn bản pháp luật cần thiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về công việc của Chính phủ và công việc khác có liên quan; chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.
Khoản 4 Điều 33 của Luật Tổ chức Chính phủ năm 20215 quy định, Bộ trưởng có trách nhiệm “Thực hiện các công việc cụ thể theo ngành, lĩnh vực được phân công hoặc ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật, việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ngành, lĩnh vực được phân công”.
Bộ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ; thực hiện báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.
Điều 3 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ cũng khẳng định: “Bộ trưởng là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi toàn quốc”.
Với tư cách là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trình Chính phủ có ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ…
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, Bộ trưởng trình Chính phủ quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ban hành thông tư và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó; chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ…
Có thể thấy, với tư cách là thành viên của Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Bộ trưởng đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách và quản lý vĩ mô đối ngành, lĩnh vực mà bộ được giao phụ trách ở phạm vi toàn quốc. Hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng đối với ngành, lĩnh vực có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả phát triển của ngành, lĩnh vực đó. Nói cách khác, sự phát triển ngành, lĩnh vực thể hiện dấu ấn, vai trò chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng trong hoạch định chính sách cũng như quản lý vĩ mô.
Theo Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 04 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật trong 04 tháng đầu năm 2023, lũy kế lên 16 phiên tính từ đầu nhiệm kỳ; chỉ đạo chuẩn bị 20 dự án luật, pháp lệnh phục vụ Kỳ họp bất thường thứ 2, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ, Chính phủ đã ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 19 nghị định và 12 quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ(1). Có thể thấy, với số lượng khá lớn các văn bản quy phạm pháp luật Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian ngắn đã thể hiện rõ vai trò của các thành viên Chính phủ, cụ thể là Bộ trưởng, trong chỉ đạo hoạch định chính sách, xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết…
Trong hoạt động quản lý vĩ mô ngành, lĩnh vực, sự ổn định và phát triển về kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội… qua các báo cáo hàng năm của Chính phủ cũng cho thấy vai trò quản lý vĩ mô của Bộ trưởng đối với ngành, lĩnh vực được giao phụ trách. Theo Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (đạt 8,02% so với kế hoạch là khoảng 6 - 6,5%); GDP bình quân đầu người (đạt 4.109 USD so với kế hoạch là 3.900 USD); số bác sĩ trên 10.000 dân (đạt 11,1 bác sĩ so với kế hoạch là 9,4 bác sĩ); số giường bệnh trên 10.000 dân (đạt 31 giường so với kế hoạch là 29,5 giường); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (đạt 92,03% so với kế hoạch là 92%); tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 73,06% so với kế hoạch là 73%). Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm. Xếp hạng về Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 77 năm 2022 lên thứ 65 năm 2023 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên hợp quốc(2). Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực đã thể hiện vai trò quan trọng của các bộ trong quản lý ngành, lĩnh vực, trong đó cũng thể hiện rất rõ vai trò của Bộ trưởng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hoạch định chính sách và quản lý vĩ mô ngành, lĩnh vực trong chỉ đạo, điều hành ở một số bộ còn gặp phải không ít khó khăn, thách thức như: chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; chưa đưa ra được những chính sách mang tính đột phá cho sự phát triển ngành, lĩnh vực; năng lực của công chức tham mưu, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển ngành, lĩnh vực ở một số bộ còn hạn chế, thiếu tính sáng tạo… dẫn đến hiệu quả chỉ đạo, điều hành chưa cao; cơ chế phối hợp giữa các bộ chưa hiệu quả, dẫn đến tiến độ triển khai công việc quản lý có liên quan đến nhiều bộ bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực…
Giải pháp tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách trong thời gian tới
Một là, hoàn thiện các quy định pháp luật trong việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách, gắn quyền hạn với trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng, trong đó đặc biệt đề cao trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ. Bộ trưởng với tư cách là thành viên Chính phủ và người đứng đầu bộ phải chịu trách nhiệm đối với ngành, lĩnh vực được giao phụ trách, giải trình trước đại biểu Quốc hội, trước Nhân dân về các vấn đề đặt ra đối với ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng với trách nhiệm tập thể lãnh đạo bộ, ban cán sự đảng bộ, đảng ủy bộ để phát huy tốt trí tuệ tập thể và tăng khả năng trao quyền cho người đứng đầu trong việc ra quyết định và chỉ đạo thực hiện quyết định. Cần quy định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn nào thuộc về cấp ủy; những nhiệm vụ, quyền hạn nào thuộc về người đứng đầu cấp ủy, thuộc về Bộ trưởng để thực hiện và phát huy tốt hơn vai trò lãnh đạo, quản lý.
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của Bộ trưởng với tư cách là thành viên Chính phủ và người đứng đầu bộ trong chỉ đạo, điều hành phát triển ngành, lĩnh vực. Quan điểm này đã được Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thật sự tiên phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền”.
Trong bối cảnh phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, đòi hỏi mỗi Bộ trưởng cần phát huy tính chủ động, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa ra được những chính sách mang tính đột phá cho sự phát triển ngành, lĩnh vực. Bộ trưởng cần phát huy tốt những tố chất của một thủ lĩnh chính trị để dẫn dắt tập thể cùng đồng lòng hành động đạt được những mục tiêu đã đề ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ trước Đảng, trước Nhân dân. Sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của Bộ trưởng không chỉ dựa vào quyền uy mà còn phải dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa nền tảng tri thức khoa học về chuyên môn với nghệ thuật, nguyên tắc lãnh đạo, quản lý; dựa trên năng lực thuyết phục tập thể đồng thuận với những quyết định của mình.
Khuyến khích, trọng dụng những cá nhân có tinh thần đổi mới, sáng tạo và có cơ chế bảo vệ khi xảy ra những sai sót, rủi ro ngoài ý muốn; có những đột phá trong phương thức lãnh đạo, điều hành để đạt hiệu quả cao trong công việc, đồng thời biết tạo điều kiện, môi trường, khuyến khích cho cấp dưới đổi mới, sáng tạo. Tiếp tục đổi mới, cải cách chính sách tiền lương tương xứng với giá trị sức lao động của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, trong đó có người đứng đầu bộ, coi trọng việc dựa trên hiệu quả, chất lượng công việc gắn với tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Ba là, Bộ trưởng cần thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị. Việc rèn luyện bản lĩnh chính trị phải được tiến hành đồng bộ thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, phương pháp làm việc, năng lực công tác… gắn liền với việc tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị của mỗi người. Cần đánh giá bản lĩnh chính trị của Bộ trưởng theo hướng chú trọng đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả chính trị và hiệu quả xã hội từ việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý đối với ngành, lĩnh vực; quy định thống nhất giữa đánh giá bản lĩnh chính trị với kết quả thực thi nhiệm vụ và đạo đức công vụ của Bộ trưởng.
Bốn là, với tư cách là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng phải sâu sát, nắm vững thực tiễn, kịp thời giải quyết các khó khăn và vấn đề nảy sinh trong thực tiễn quản lý ngành, lĩnh vực. Yêu cầu này không chỉ là trách nhiệm, là tác phong công tác Bộ trưởng cần có mà đồng thời cũng là một tiêu chuẩn, thang đo năng lực, phẩm chất của người đứng đầu bộ. Để có phong cách lãnh đạo sâu sát, Bộ trưởng cần dành thời gian đi cơ sở, trực tiếp trao đổi, đối thoại với người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức; thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông, qua mạng xã hội, qua trao đổi ý kiến với cấp dưới, đồng chí, đồng nghiệp… từ đó tránh được bệnh quan liêu, hạn chế tình trạng ban hành các quyết định, chủ trương thiếu tính thực tiễn, duy ý chí. Mặt khác, cần xem phong cách sâu sát thực tiễn địa phương là một tiêu chí, một yêu cầu cần thiết trong quy hoạch, đề bạt chức danh Bộ trưởng.
Năm là, tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát của Nhân dân, các phương tiện truyền thông đối với hoạt động của các bộ nói chung và của Bộ trưởng nói riêng trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự bùng nổ của hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, vai trò giám sát của Nhân dân thông qua hệ thống báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí cả mạng xã hội, cũng được thể hiện rõ nét. Vì vậy, mỗi Bộ trưởng cần luôn nâng cao trách nhiệm công tác, đạo đức trong thực thi công vụ, hoàn thành tốt chức trách của thành viên Chính phủ cũng như với cương vị là người đứng đầu bộ, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới./.
-------------
Ghi chú:
(1), (2) Chính phủ, Báo cáo tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 - https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-bao-cao-ktxh-va-nsnn-cua-chinh-phu-trinh-bay-tai-ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv-119230522065033796.htm.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Cổng thông tin điện tử Chính phủ - https://chinhphu.vn/
2. Phạm Thị Thanh Trà, Tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 4/2021, tr.3-7.
3. Trần Văn Phòng, Tính tất yếu của việc xây dựng nền công vụ liên thông, thống nhất, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài ở Việt Nam, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 4/2022, tr.3-7.
4. Nguyễn Văn Đáng, Tầm nhìn lãnh đạo đến năm 2045 và nhu cầu hiện đại hóa nền quản trị quốc gia, Tạp chí Lý luận chính trị, số 525 (tháng 11/2021).
5. Nguyễn Thị Thu Hà, Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền nhằm bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, hiệu quả, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 12/2022, tr.62-67.
6. Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Thị Thu Hằng, Quản trị và xây dựng nền quản trị quốc gia theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Lý luận chính trị, số 540 (tháng 02/2023).
7. Huỳnh Văn Thới, Nguyễn Đặng Phương Truyền, Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 10/2022.
8. Hồng Thế Vinh, Nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Lý luận chính trị, số 535 (tháng 9/2022).
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà - Học viện Hành chính Quốc gia
tcnn.vn