Hội thảo này nhằm trao đổi, thảo luận, đánh giá thật kỹ lưỡng việc xây dựng khung kiểm soát chi tiêu hiện đại theo mục tiêu số hóa công tác kiểm soát chi, và có sự tham vấn của các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học để đảm bảo phù hợp với xu thế chung và phù hợp với Chiến lược của ngành Tài chính đến năm 2030.
Các giải pháp thực hiện số hóa công tác kiểm soát chi đã được thảo luận sôi nổi tại hội thảo
Đổi mới các quy trình
Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam trình bày các chuyên đề đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế về kiểm soát cam kết chi NSNN, bao gồm các nội dung: (1) Báo cáo đánh giá của IMF về công tác kiểm soát cam kết chi NSNN, công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế và (2) Khuyến nghị và đề xuất của Chuyên gia IMF; Báo cáo của IMF về các nội dung tại Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2030. Đây là lĩnh vực mà KBNN rất quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030, KBNN với mục tiêu trở thành Kho bạc số, nghiệp vụ kiểm soát chi cũng chuyển đổi mạnh mẽ theo xu thế chung với 03 định hướng: Đổi mới cam kết chi; thực hiện số hóa quy trình kiểm vụ; chuyển đổi công tác kiểm soát chi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Báo cáo của Kho bạc Nhà nước cho biết, hiện nay hệ thống đang kiểm soát chi ngân sách cho hơn 120 nghìn đơn vị sử dụng ngân sách trên cả nước, với hơn 640 nghìn tài khoản giao dịch và hơn 30 triệu giao dịch phát sinh hàng năm. Đến nay, đã có hơn 99%% chứng từ chi ngân sách Nhà nước được gửi đến Kho bạc theo phương thức điện tử qua Dịch vụ công trực tuyến của ngành, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng giao dịch.
Ông Suhas Joshi - Cố vấn khu vực về KBNN của IMF, cũng đánh giá cao những kết quả đạt được của KBNN trong thực hiện kiểm soát các khoản chi ngân sách thời gian qua. Tuy nhiên, Chuyên gia của IMF đánh giá, công tác kiểm soát chi mới dừng ở mức điện tử hóa, tức là kiểm soát chứng từ chủ yếu dựa trên bản chụp – scan chứng từ gốc từ đơn vị sử dụng ngân sách.
Các chuyên gia đến từ IMF cũng đã chia sẻ tại Hội thảo kinh nghiệm về quản lý chi tiêu hiện đại tại một số quốc gia phát triển; đề xuất các khuyến nghị cho KBNN, Bộ Tài chính hoàn thiện cơ chế, chính sách về kiểm soát chi tiêu hiện đại theo thông lệ tốt của quốc tế.
Chuyển đổi để tạo thuận lợi cho các đơn vị
Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia đến IMF, các bộ, ngành trung ương và các KBNN địa phương trong việc thực hiện dự toán, kiểm soát chi dựa trên kết quả đầu ra là hết sức quý báu.
Phó Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, để số hóa được công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước,
cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các bên có liên quan
Trước mắt, KBNN sẽ hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ theo hướng điện tử hóa (như thực hiện thanh toán tự động các khoản chi có độ rủi ro thấp...), sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, tham gia kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành trung ương và địa phương trong công tác kiểm soát chi.
Trong thời gian tới, KBNN báo cáo Bộ Tài chính để kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật NSNN, Luật Kế toán và các Nghị định hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý phù hợp. Đồng thời, KBNN nâng cấp, cải tiến hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu cung cấp chuyên sâu dịch vụ công (nâng cấp hệ thống Tabmis thành hệ thống VDBAS để kết nối liên thông giữa đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương).
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm soát chi ngân sách, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết sẽ tiếp tục thực hiện số hóa công tác kiểm soát thanh toán các khoản chi ngân sách qua Kho bạc, từ đó tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng giao dịch, thực hiện chia sẻ - liên thông dữ liệu số trong toàn bộ quy trình chi ngân sách, đảm bảo hiệu quả, minh bạch, công khai trong quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước. Đi đôi với đó là kiểm soát theo rủi ro, tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Đại diện Kho bạc Nhà nước cũng nhận định, để số hóa được công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các bên có liên quan, từ các bộ ban ngành, địa phương cho đến từng đơn vị sử dụng ngân sách. Đơn cử việc các đơn vị sử dụng ngân sách cần triển khai rộng rãi hợp đồng điện tử, và liên thông - chia sẻ dữ liệu để thực hiện số hóa hồ sơ, chứng từ một cách thực chất, từ đó Kho bạc có cơ sở số hóa công tác kiểm soát chi. Về nội dung này, chuyên gia tài chính – ngân sách đề xuất Chính phủ sửa Nghị định quy định về quản lý, thanh quyết toán vốn đầu tư công theo hướng: Hồ sơ pháp lý làm căn cứ kiểm soát chi là hợp đồng điện tử (thay thế cho hợp đồng bản giấy như hiện nay), hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành là bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành điện tử…/.
Kim Chung