Mở đầu các hoạt động Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, trong sáng ngày 17/6/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã tới thăm và chúc mừng Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội.
Đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo
Đến thăm và chúc mừng Báo Đại biểu Nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng độc giả. Do vậy, đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo.
Theo Bộ trưởng, cả nước hiện có hơn 800 cơ quan Báo và Tạp chí, vì vậy, nếu không có sự khác biệt thì sẽ bị hòa chung. Bộ trưởng mong muốn Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và "sự khác biệt" của mình, thông qua đó hướng tới tiếp cận rộng rãi hơn với nhiều độc giả.
Truyền thông là chức năng, là nhiệm vụ, là việc của chính quyền các cấp
Chia sẻ với tập thể cán bộ, nhân viên Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một trong điểm mới thuận lợi cho công tác báo chí, truyền thông, đó là hiện nay đã có mục chi riêng dành cho công tác truyền thông. Theo đó, hằng năm các cơ quan từ Bộ, ngành đến các địa phương sẽ có một khoản ngân sách "đặt hàng" các cơ quan báo chí.
Bộ trưởng nhấn mạnh, "Truyền thông là chức năng, là nhiệm vụ, là việc của chính quyền các cấp. Chính quyền các cấp phải có bộ máy chuyên biệt và có ngân sách thường xuyên hằng năm để chi cho việc đó thông qua đặt hàng".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, ngày 14/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 05/2024/TT-BTTTT hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giá ngang với thị trường.
Bộ trưởng đề nghị Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội sớm hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành để có thêm nguồn thu nhập, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Cần coi công nghệ số là lực lượng làm báo
Bộ trưởng mong muốn Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số. Đặc biệt, đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải có kiến thức về công nghệ, sử dụng công nghệ để làm báo.
Bộ trưởng chỉ rõ, báo chí cần coi công nghệ số là lực lượng làm báo chứ không phải để hỗ trợ như công nghệ thông tin. Theo Bộ trưởng, "Một cơ quan báo chí được gọi là chuyển đổi số, thì không dưới 30% nguồn lực (nhân lực và tiền) chi cho chuyển đổi số".
Thay mặt cán bộ, phóng viên và người lao động Báo Đại biểu Nhân dân, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, sự quan tâm, động viên của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là động lực để báo tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, không ngừng nỗ lực, đổi mới, nâng cao chất lượng.
Chia sẻ về một số kết quả báo đã đạt được trong thời gian vừa qua, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Báo Đại biểu Nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chuyển đổi số báo chí, song thực tiễn quá trình phát triển còn không ít khó khăn.
Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền mong muốn, Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục dành nhiều sự quan tâm cho tờ báo trong thời gian tới, trong đó có việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong báo chí.
Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh cho biết, những định hướng, gợi ý của Bộ trưởng liên quan đến Thông tư 05 hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật báo chí là "điểm tháo gỡ rất lớn" cho những khó khăn, vướng mắc về cơ chế đặt hàng của các cơ quan Nhà nước đối với báo chí./.