Tham dự Diễn đàn có: ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn; ông Đỗ Ngọc Huỳnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Võ Văn SInh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Hồ Anh Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; ông Hoàng Minh Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; ông Mai Xuân Thành, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính.
Tại điểm cầu địa phương, có sự tham gia của gần 3.700 đại biểu, là đại diện lãnh đạo của UBND, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL các địa phương, đại diện các Sở ngành, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.
Đây là lần thứ 2 Diễn đàn được tổ chức, là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 (ban hành tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ), góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (ban hành tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời, chủ đề, nội dung của Diễn đàn đã bám sát tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII: “thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.
Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương
Nội dung Diễn đàn tập trung thảo luận hai vấn đề lớn: (i) Cùng giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất.
Trong đó, nhận diện những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và vướng mắc trong các quy định cũng như tổ chức thực hiện; về trình tự, thời gian chuẩn bị đối với các dự án đầu tư; thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép thực tế hiện nay kéo dài làm chậm quá trình đầu tư, gây ảnh hưởng, khó khăn cho doanh nghiệp.
(ii) Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh đó, khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng cũng cần được sửa đổi, bổ sung quy định trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng để bảo đảm minh bạch chính sách, bảo đảm việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp theo đúng thời gian quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng cần sửa đổi trong bối cảnh các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời với yêu cầu đặt ra về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì quy định doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế riêng đối với lãi từ chuyển nhượng bất động sản đang bộc lộ hạn chế, bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp.
Diễn đàn đang được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Đây cũng là sự kiện thiết thực hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2024) và Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11/2024). |
Phóng viên đang tiếp tục cập nhật tin tức từ Diễn đàn (Trung tâm Thông tin thực hiện).