ASLOM 23 đã rà soát từng nội dung chính theo Chương trình nghị sự. Đoàn Việt Nam bày tỏ sẽ tiếp tục ủng hộ việc trao đổi các đoàn công tác, nghiên cứu, tham dự hội nghị, hội thảo, khoá đào tạo trong khuôn khổ ASEAN và tham gia các chương trình đào tạo cán bộ pháp luật ASEAN; khẳng định hoạt động tổ chức các Diễn đàn pháp luật ASEAN là một kênh quan trọng để các nước thành viên ASEAN trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng và thi hành pháp luật. Việt Nam cũng đề nghị Ban Thư ký ASEAN hỗ trợ cung cấp thông tin về Quỹ ASEAN và quy trình để các nước thành viên ASEAN được tiếp cận hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động hợp tác ASEAN nói chung, hoạt động tổ chức các Diễn đàn pháp luật ASEAN nói riêng; thông tin về việc Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng Danh mục các biện pháp không tương thích (NCM) trên cơ sở Gói cam kết dịch vụ thứ 10 của ATISA (nội dung đàm phán và thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến tự do hoá các dịch vụ pháp lý trong ASEAN của Việt Nam), đồng thời thông tin về tổ chức, hoạt động của luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng thông báo dự kiến Hội Luật gia Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị của Hội Luật gia ASEAN (ALA) vào năm 2025 tại Việt Nam. Liên quan đến Sáng kiến do Việt Nam chủ trì về tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại, Việt Nam cập nhật tình hình triển khai Sáng kiến, theo đó khuyến khích các nước ASEAN nghiên cứu và gia nhập các Công ước trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.
Ngay trước thềm ASLOM 23, đoàn công tác của các nước thành viên ASEAN đã điểm qua các Phiên họp bên lề, cụ thể: (i) Phiên họp lần thứ 11 của Nhóm công tác ASLOM về xây dựng Hiệp định ASEAN về dẫn độ (do Bộ Công an chủ trì); (ii) Phiên họp lần thứ 13 của Nhóm công tác về Hài hòa hóa pháp luật thương mại trong ASEAN, tại đây, Việt Nam đã cập nhật thông tin về pháp luật và các thực hành tốt của Việt Nam về trọng tài/phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, về hòa giải thương mại tại Việt Nam, tình hình thực hiện Nhóm Công tác về hài hòa hóa pháp luật Thương mại điện tử và đề xuất của Chủ tịch Ủy ban điều phối ASEAN về Thương mại điện tử và Kinh tế số (ACCED) về Nhóm công tác hỗ trợ ACCED thực hiện Kế hoạch hoạt động thực hiện Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử; (iii) Phiên tham vấn lần thứ 3 ASLOM- Nhật Bản, tại đây, Việt Nam đánh giá cao Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN – Nhật Bản và Phiên họp Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN – G7 đã diễn ra vào tháng 7/2023 tại Tokyo, Nhật Bản, và việc Bộ Tư pháp Nhật Bản và Ban Thư ký ASEAN đã phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn Lãnh đạo tương lai lần thứ nhất vào tháng 7/2024 tại Tokyo, Nhật Bản, đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ việc thúc đẩy hợp tác giữa cơ chế ASLOM/ALAWMM và Nhật Bản trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, hoan nghênh và ủng hộ đề xuất tổ chức Hội nghị ALAWMM và Nhật Bản vào năm 2025 của phía Bộ Tư pháp Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Đoàn công tác của Việt Nam cũng đã tham dự các sự kiện bên lề ASLOM 23, cụ thể là sự kiện của các tổ chức quốc tế về hài hòa hóa pháp luật giới thiệu về hoạt động của tổ chức Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế (HccH), Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư (UNIDROIT), Ủy ban luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL); Sự kiện bên lề của Hiệp hội các chuyên gia quốc tế về tái cơ cấu và phá sản (“INSOL”) trình bày về tầm nhìn, các chương trình hoạt động của INSOL, kế hoạch đào tạo và cải cách pháp luật tại khu vực ASEAN/Châu Á.
Cũng tại Hội nghị ASLOM 23, Trưởng đoàn ASLOM-Việt Nam đã kết hợp tổ chức các cuộc gặp song phương với Trưởng ASLOM của 06 nước thành viên ASEAN: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia với mục tiêu nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đặc biệt, triển khai có hiệu quả các văn kiện hợp tác đã được ký kết, trao đổi về các hoạt động hợp tác song phương dự kiến tổ chức trong thời gian tới giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp các nước Bạn.
Sau 03 ngày làm việc tích cực, ASLOM 23 và các hội nghị liên quan đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hy vọng rằng các nội dung được thống nhất tại Hội nghị sẽ được các nước thành viên nỗ lực thực hiện, thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp trong khối, góp phần hiện thực hoá Tầm nhìn ASEAN 2025, hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2045 và xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng đoàn kết, thịnh vượng, thống nhất trong đa dạng.
Vụ Hợp tác quốc tế