Ngày 26/11, tại phiên thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác, trong đó có công tác thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trân trọng tiếp thu và báo cáo làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Về đề nghị Chính phủ nâng cao chất lượng xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) để bảo đảm thể chế hóa một số nội dung cụ thể như xác định đúng vai trò, quyền hạn của chấp hành viên về việc người được thi hành án có quyền xác minh tài sản thi hành án…, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, Bộ Tư pháp xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Theo chương trình, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025.
Về công tác thẩm định, định giá tài sản thi hành án, trong thời gian qua, qua công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn, Chính phủ nhận thấy có nhiều trường hợp quá trình tổ chức thi hành án dân sự kéo dài do việc thẩm định giá chưa sát với thực tế dẫn đến một số tổ chức tín dụng yêu cầu định giá lại vì cho rằng kết quả thẩm định thấp hơn nhiều lần so với kết quả định giá trước khi cho vay, hiện tượng này là tương đối phổ biến. Một số vụ việc định giá lại quá cao so với thực tiễn kinh tế - xã hội của địa phương dẫn đến phải giảm giá nhiều lần trong khi đấu giá tài sản thi hành án. Hiện tượng thông đồng, dìm giá, thao túng nhằm trục lợi trong thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn lớn.
Để khắc phục vấn đề này, thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp để chỉ đạo liên ngành Tài chính - Thi hành án vào cuộc quyết liệt hơn trong phòng ngừa, cảnh báo và xử lý kịp thời.
Về công tác kiểm sát thi hành án, trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VKSNDTC để chủ động kiểm soát đối với các vụ việc phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, không để xảy ra sai sót, oan sai trong quá trình tổ chức thi hành án.
Về thi hành án hành chính, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đã làm rõ thêm việc tại sao số lượng án hành chính thi hành xong tăng cao mà số án hành chính tồn đọng qua các năm vẫn tăng. Theo đó, câu trả lời là do số lượng án hành chính tăng cao nhưng số lượng án thi hành xong chưa đạt yêu cầu. Ví dụ, năm 2024 số lượng án phải thi hành là 1973 bản án, quyết định, về tỷ lệ tăng 73,7% so với năm 2023, trong số đó đã thi hành xong 896 bản án, quyết định, tăng về số tuyệt đối là 314 bản án, quyết định so với năm 2023 nhưng về tỷ lệ chỉ tăng 53,9%.
Như vậy, so sánh về tỷ lệ thì số tăng thi hành án xong là 53,9%, nhỏ hơn gần 20% do với số tăng phải thi hành án là 73%. Điều này lý giải vì sao số tuyệt đối số lượng án hành chính thi hành xong vẫn tăng cao so với năm trước nhưng số án hành chính tồn đọng qua các năm vẫn tăng, chỉ khi tỷ lệ tăng số án thi hành giải quyết xong lớn hơn tỷ lệ tăng số án phải thi hành thì số án tồn đọng mới có thể có xu thế giảm.
“Đây cũng là vấn đề rất trăn trở đối với Bộ Tư pháp, là cơ quan có nhiệm vụ theo dõi, quản lý thi hành án hành chính”, Bộ trưởng Ninh chia sẻ.
Toàn cảnh Phiên thảo luận
Trước tình hình đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với TANDTC tiến hành tổng kết Luật Tố tụng hành chính, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 chỉ thị để chỉ đạo công tác thi hành án hành chính, ban hành 7 văn bản để chỉ đạo, trong đó có 3 văn bản của Thủ tướng Chính phủ, 4 văn bản của Bộ Tư pháp; tổ chức theo dõi đối với 100% bản án quyết định về hành chính có nội dung thi hành; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về thi hành án hành chính đối với 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ đạo làm việc với UBND của 7 tỉnh về thi hành án hành chính. Trong tháng 12 tới, Bộ sẽ kiểm tra tiếp tại tỉnh Kiên Giang và Bình Thuận.
Bộ cũng đã ban hành 175 kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án hành chính, thi hành không đúng và không thi hành án hành chính. Tuy nhiên, dù Bộ Tư pháp cũng đã có rất nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, tính đến hết tháng 9/2024 tỷ lệ thi hành án hành chính xong mới đạt 45,41% và từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng hết sức nhưng có thể khẳng định rằng rất khó có thể đạt được tỷ lệ 100%.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân từ ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải thi hành án và vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong công tác thi hành án. Đồng thời với đó là nhiều nguyên nhân khách quan như có tới trên 90% các bản án quyết định của Tòa án về vụ án hành chính phải thi hành đều liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai; trách nhiệm thi hành án hành chính là của người phải thi hành, ở đây là cơ quan hành chính hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính, trong khi pháp luật hiện chưa quy định việc cưỡng chế thi hành án hành chính; việc xử lý trách nhiệm theo quy định phải chứng minh được lỗi cố ý không chấp hành; các vụ án hành chính có xu hướng tăng do người dân lựa chọn khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính ra Tòa án mà không thực hiện theo trình tự, thủ tục khiếu nại; hầu hết các vụ việc khiếu kiện hành chính được Tòa án đưa ra xét xử đều có nội dung phức tạp, không thể hòa giải thành nên khi tổ chức thi hành án cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Qua phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, Bộ Tư pháp không phải là cơ quan trực tiếp thực hiện việc thi hành án hành chính, thời gian qua đã hết sức nỗ lực cố gắng thực hiện 6 nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước quy định tại Điều 313 Luật Tố tụng hành chính; song Bộ thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong thiếu sót, hạn chế của công tác thi hành án hành chính nói chung và quản lý nhà nước thi hành án hành chính nói riêng có phần trách nhiệm của Bộ Tư pháp.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ đổi mới cách làm. Ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đã triển khai lâu nay, Bộ sẽ phối hợp với TANDTC tập trung tổng kết và đề xuất sớm sửa Luật Tố tụng hành chính và các văn bản có liên quan để khắc phục những hạn chế về mặt thể chế; tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương có nhiều án hành chính tồn đọng, kiên quyết kiến nghị và theo dõi thực hiện kiến nghị về việc xử lý trách nhiệm đối với trường hợp không thi hành hoặc chậm thi hành.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 26, trong đó có việc đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm trách nhiệm của người phải thi hành vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính thuộc thẩm quyền quản lý; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý đối với các trường hợp người phải thi hành là Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính. Các trường hợp đến mức phải xử lý, cần được xử lý nghiêm trách nhiệm để làm gương.
“Bộ Tư pháp sẽ chú trọng làm việc trực tiếp với Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án nói chung và án hành chính nói riêng tại địa bàn. Đề nghị đưa vào diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo đối với những vụ việc thi hành án hành chính trên địa bàn như tỉnh Nghệ An và Quảng Nam hiện đang làm rất tốt”, Bộ trưởng Ninh khẳng định.
T.Uyên