PV: Xin Thứ trưởng cho biết bối cảnh triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh, thống nhất phương án đơn giản hóa, lộ trình xử lý văn bản QPPL có quy định về TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2018?
Thứ trưởng:
Năm 2017 và 2018, Chính phủ đã ban hành 19 Nghị quyết thông qua các phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của 19 bộ, ngành. Cho đến nay, còn nhiều phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân tại 13/19 Nghị quyết chưa được thực thi do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Hiện trạng kết nối, quản lý, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được đồng bộ; nội dung của một số Nghị quyết có sự khác biệt so với thực tế hiện nay của Đề án của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); một số phương án không thể thực thi được hoặc do các bộ, ngành triển khai còn chậm... Trong bối cảnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức thực hiện Đề án 06 thì việc sớm hoàn thành việc thực thi các phương án này là rất quan trọng. Do vậy, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo giao Tổ công tác về rà soát văn bản chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan thực hiện nhiệm vụ rà soát, thống nhất phương án, lộ trình xử lý văn bản QPPL có quy định về TTHC chưa hoàn thành thực thi, bảo đảm phù hợp với hiện trạng kết nối, quản lý, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2024.
PV: Được biết, việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc triển khai Đề án 06 là rất khó và phải thực hiện trong thời gian ngắn. Vậy, việc triển khai nhiệm vụ rà soát soát, điều chỉnh, thống nhất phương án đơn giản hóa, lộ trình xử lý văn bản QPPL có quy định về TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư chưa hoàn thành thực thi đã giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2018 đã gặp những khó khăn gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng:
Thách thức rất lớn đối với Tổ công tác về rà soát văn bản, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ là chỉ có 03 tháng để triển khai thực hiện nhiệm vụ khó khăn, phức tạp này. Quá trình triển khai rà soát văn bản QPPL phục vụ triển khai Đề án 06 được Tổ công tác về rà soát văn bản tổ chức thực hiện năm 2023, đến việc thực hiện rà soát, điều chỉnh, thống nhất phương án đơn giản hóa, lộ trình xử lý văn bản QPPL có quy định về TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư chưa hoàn thành thực thi đã giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2018 để phục vụ triển khai Đề án 06 cho thấy việc triển khai các nhiệm vụ rà soát gặp một số khó khăn, cụ thể:
Thứ nhất, Đề án 06 có mục tiêu bao trùm, mang tính định hướng nên cách tiếp cận thiếu cụ thể, dẫn đến việc các bộ, ngành, địa phương lúng túng khi xem xét, đánh giá căn cứ rà soát với văn bản là đối tượng rà soát.
Thứ hai, việc rà soát văn bản có thời gian thực hiện ngắn, khối lượng công việc các cơ quan phải thực hiện là tương đối lớn, trong khi cùng một lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ rà soát văn bản khác nhau.
Thứ ba, các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC và giấy tờ công dân được ban hành từ giai đoạn năm 2017 - 2018, phạm vi điều chỉnh của các Nghị quyết của Chính phủ cũng không hoàn toàn trùng khớp với mục tiêu, phạm vi triển khai của Đề án 06 và nhận thức của các cơ quan chưa thống nhất, dẫn đến việc xác định nội dung cần rà soát và đề xuất phương án xử lý văn bản còn lúng túng.
Thứ tư, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật bảo đảm triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành chưa được đầu tư, triển khai đồng bộ, hoàn thiện, trong khi cơ sở để xác định trường thông tin bắt buộc phải kê khai chưa được quy phạm hoá; quy trình, cách thức thực hiện các TTHC theo 03 phương thức (trực tuyến, trực tiếp, qua bưu chính) chưa được chuẩn hóa nên đã dẫn đến khó khăn trong việc xác định phương án, lộ trình xử lý văn bản.
PV: Với các khó khăn như vậy, Tổ công tác về rà soát văn bản đã làm gì để hoàn thành nhiệm vụ được giao, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng:
Mặc dù có những khó khăn như đã nêu, Tổ công tác về rà soát văn bản đã chủ động, sáng tạo, quyết tâm trong việc triển khai nhiệm vụ. Theo đó, ngay sau khi nhận được các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Tổ công tác về rà soát văn bản và Bộ Tư pháp (Cơ quan thường trực Tổ Công tác) đã khẩn trương ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn và đôn đốc các bộ, cơ quan thực hiện. Trong quá trình thực hiện, Tổ công tác về rà soát văn bản QPPL, Cơ quan thường trực Tổ công tác đã tổ chức các cuộc họp, hội thảo nắm bắt tình hình triển khai để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trao đổi, thảo luận về kết quả rà soát văn bản. Tổ công tác về rà soát văn bản cũng thường xuyên cập nhật, đôn đốc, hướng dẫn và phối hợp với Tổ công tác triển khai Đề án 06 để đôn đốc các bộ, cơ quan thực hiện nhiệm vụ; đồng thời kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện phương án xử lý đối với việc thực thi các Nghị quyết đơn giản hóa TTHC để có chỉ đạo kịp thời.
PV: Được biết, Tổ công tác về rà soát văn bản đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực nhiệm vụ. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể kết quả rà soát văn bản?
Thứ trưởng:
Với tinh thần khẩn trương, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngày 29/3/2024, Tổ công tác về rà soát văn bản đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết quả rà soát, điều chỉnh phương án đơn giản hóa, lộ trình xử lý văn bản QPPL có quy định về TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư đã giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giải đoạn 2017 - 2018, phục vụ triển khai Đề án 06 (Báo cáo số 155/BC-TCT).
Theo đó, các bộ, cơ quan đã đề xuất phương án, lộ trình xử lý văn bản QPPL bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu thực hiện Đề án 06; bảo đảm sự phù hợp, thống nhất, khả thi của các văn bản QPPL liên quan đến triển khai Đề án 06; phương án đơn giản hóa và việc xử lý văn bản QPPL có quy định về TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư phù hợp với hiện trạng kết nối, quản lý, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; phù hợp với thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của các cơ quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Kết quả rà soát, đề xuất phương án của 13 bộ, cơ quan ngang bộ cho thấy: Theo phương án tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2018: Tính đến nay, còn 336 TTHC được quy định tại 77 văn bản QPPL chưa được thực hiện phương án thực thi hoặc mới thực thi một phần (gồm: 04 luật, 20 nghị định, 10 thông tư liên tịch, 43 thông tư). Qua rà soát, các bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất tiếp tục thực thi phương án đơn giản hóa đối với 317 TTHC được quy định tại 65 văn bản QPPL (gồm: 01 luật, 26 nghị định, 08 thông tư liên tịch, 30 thông tư); không tiếp tục thực thi phương án đối với 19 TTHC. Trong đó, phương án đề xuất xử lý hiện nay của các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung vào các vấn đề sau:
- Đề xuất thay đổi phương án đơn giản hóa đối với TTHC có liên quan đến giấy tờ công dân, các thông tin của công dân có trong các mẫu đơn, tờ khai... để bảo đảm phù hợp với hiện trạng kết nối, quản lý, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Đề xuất lộ trình xử lý văn bản QPPL tập trung trong năm 2024, một số văn bản trong năm 2025 và căn cứ vào chương trình xây dựng văn bản của cấp trên (đối với luật, nghị định).
- Cập nhật văn bản QPPL có chứa TTHC cần xử lý để thực thi phương án đơn giản hóa so với thời điểm các Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, do trong thời gian vừa qua, một số văn bản QPPL quy định TTHC đã thay đổi (văn bản QPPL đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hết hiệu lực nhưng văn bản được ban hành sau chưa thực thi phương án đơn giản hóa theo yêu cầu tại các Nghị quyết).
- Cập nhật một số TTHC đã bị bãi bỏ, không còn được thực hiện hoặc có phương án thực thi không chính xác tại các Nghị quyết.
PV: Với kết quả rà soát như trên, Tổ công tác về rà soát văn bản đã kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ những giải pháp trọng tâm gì để xử lý kết quả rà soát trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng:
Trên cơ sở kết quả rà soát, Tổ công tác về rà soát văn bản đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xử lý kết quả rà soát phù hợp với tình hình, bối cảnh triển khai Đề án 06 hiện nay như sau:
Thứ nhất, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động, khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL theo phương án và lộ trình đã được Tổ công tác về rà soát văn bản QPPL thống nhất, cho ý kiến, bảo đảm phù hợp với hiện trạng kết nối, quản lý, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại thời điểm hiện nay; tuân thủ quy trình xây dựng văn bản QPPL theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL; bám sát tiến độ triển khai Đề án 06 để xử lý hiệu quả, kịp thời các văn bản QPPL được rà soát.
Thứ hai, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tiếp nhận kết quả rà soát văn bản QPPL phục vụ triển khai Đề án 06 tại Báo cáo này để chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình xử lý các văn bản cùng với việc triển khai tổng thể các nhiệm vụ triển khai Đề án 06; nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn về quy trình, cách thức thực hiện TTHC theo 03 phương thức (trực tuyến, trực tiếp, qua bưu chính) bảo đảm việc thực hiện thống nhất tại các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc yêu cầu người dân cung cấp, kê khai thông tin tại các biểu mẫu, tờ khai phù hợp với từng phương thức thực hiện và hiện trạng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ ba, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thiện văn bản QPPL có liên quan để bảo đảm cơ sở pháp lý, thống nhất cách thức thực hiện khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ tư, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, cơ quan trong việc đề xuất văn bản cần xử lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xây dựng Chương trình công tác của Chính phủ và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện bảo đảm đúng Chương trình công tác đề ra.
Thứ năm, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan trong việc đề xuất văn bản đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lưu ý các vấn đề cần xử lý tại các văn bản QPPL phục vụ triển khai Đề án 06 trong quá trình tổ chức thẩm định các dự thảo văn bản QPPL theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL.
Trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng./.