Chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier; Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis; Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hữu Huyên.
Ban chủ trì Hội nghị.
Không ngừng đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trong những năm qua, hệ thống pháp luật và tư pháp của Việt Nam đã không ngừng được đổi mới và hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý và niềm tin cho sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam. Kết quả này có được không chỉ nhờ các yếu tố nội lực của Việt Nam mà còn có sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu và các cơ quan của Liên hợp quốc cũng đóng một vai trò tích cực.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Hội nghị.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và thực hiện Dự án EU JULE, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao thành công của Dự án EU JULE. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng, thiện chí hợp tác vượt qua các khó khăn, thách thức đi đến thành công của Chính phủ Việt Nam, Liên minh châu Âu và các cơ quan của Liên hợp quốc trong nhiều năm.
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng hy vọng Hội nghị sẽ là cơ hội để các bên cùng nhìn nhận, đánh giá các kết quả đạt được của Dự án EU JULE cũng như những điểm còn có thể làm tốt hơn và bài học kinh nghiệm rút ra. Thứ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp một cách xây dựng và có trách nhiệm cho sự thành công của Hội nghị.
Ngài Julien Guerrier, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, ngài Julien Guerrier, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết mục tiêu chính của Dự án EU JULE là tăng cường xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền và đây cũng là giá trị cốt lõi, nền tảng của EU.
Sau 6 năm hợp tác triển khai Dự án EU JULE, ngài Đại sứ bày tỏ vui mừng trước những kết quả và thành công mà Dự án này đem lại, đặc biệt trong việc tăng cường tính liêm chính và minh bạch trong hệ thống tư pháp của Việt Nam. Trong thời gian tới, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quán trị, xây dựng nhà nước pháp quyền cũng như tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác song phương.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá EU JULE là Dự án tiêu biểu của UN tại Việt Nam. Dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong tăng cường pháp luật và tư pháp, đặc biệt là với nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật... Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, bà Pauline Tamesis mong muốn các cơ quan, đối tác sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ; nghiên cứu, triển khai các hoạt động chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới.
Bám sát các mục tiêu, nguyên tắc và kết quả đầu ra của Dự án
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Đào Quý Lộc, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng Ban Quản lý dự án chuyên trách của Bộ Tư pháp tóm tắt một số kết quả thực hiện Dự án EU JULE. Cụ thể, Dự án được quản lý vận hành chặt chẽ, có sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng giữa các đối tác quốc tế và Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, Hiệp định tài chính và Văn kiện Dự án. Dự án EU JULE đã triển khai trên 300 đầu hoạt động bám sát mục tiêu, nguyên tắc của Dự án do các cơ quan, tổ chức Việt Nam đề xuất và Ban Chỉ đạo dự án phê duyệt.
Đồng chí Đào Quý Lộc, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng Ban Quản lý dự án chuyên trách của Bộ Tư pháp.
Các hoạt động này đã hỗ trợ tích cực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện Dự án của phía Việt Nam triển khai nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tập huấn tăng cường năng lực nhằm hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai chức năng, nhiệm vụ được giao; hỗ trợ các tổ chức đủ điều kiện theo Văn kiện Dự án thực hiện các hoạt động phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật trực tiếp cho người dân, tập trung vào các nhóm yếu thế theo các chủ đề được Ban Chỉ đạo phê duyệt.
Việc triển khai Dự án EU JULE không chỉ mang lại các hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam mà qua các hoạt động trong khuôn khổ Dự án cũng giúp các cơ quan Việt Nam có cơ hội để chuyển tải những quy định pháp luật Việt Nam đến bạn bè quốc tế đồng thời, các đối tác quốc tế cũng hiểu rõ hơn về hệ thống pháp luật Việt Nam và những thành tựu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay.
Nhìn chung, các hoạt động trong khuôn khổ Dự án EUJULE đã thu hút được gần như toàn bộ các cơ quan pháp luật và tư pháp ở Trung ương tham gia thực hiện, hầu hết các hoạt động được các cơ quan, tổ chức đề xuất và được Ban Chỉ đạo phê duyệt đã được thực hiện thành công, bám sát các mục tiêu, nguyên tắc và kết quả đầu ra của Dự án.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Toàn cảnh Hội nghị.
Một số đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Ban chủ trì chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.
Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (hay còn gọi là Dự án EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu với đóng góp tài chính từ một số cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP, UNICEF…) do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản được thực hiện từ ngày 18/08/2018 – 31/05/2024. Dự án có hai hợp phần chính là PAGODA (hỗ trợ các cơ quan nhà nước Việt Nam) và JIFF (hỗ trợ các tổ chức xã hội) với sự tham gia thực hiện của nhiều cơ quan pháp luật, tư pháp ở Trung ương, địa phương và các tổ chức đủ điều kiện. |