Sign In

Xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động theo hướng tập trung, thiết thực, đúng tầm

15:21 20/06/2024
Đây là đề nghị của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng tại phiên họp thẩm định dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động theo hướng tập trung, thiết thực, đúng tầm

 

Mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Luật Việc làm năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015) là văn bản luật đầu tiên của nước ta quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết và không có giao kết hợp đồng lao động). Đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức; hỗ trợ lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp thông qua phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, chính sách việc làm công; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề; hỗ trợ đảm bảo một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
 


Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

 

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, bất cập như: các chính sách về việc làm bền vững không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội; mức độ đáp ứng của hệ thống thông tin thị trường lao động, sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn;…

Vì vậy, việc xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Bổ sung thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao việc dự thảo Luật đã bổ sung chính sách hỗ trợ đối với người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đồng chí đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tới cả các doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ để vừa khuyến khích việc sử dụng lao động nữ, vừa đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
 


Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

 

Đồng chí Vũ Hồng Quang, Phó Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất một số chính sách cho người lao động như: hỗ trợ cho thân nhân của người lao động khi họ gặp rủi ro về việc làm; cho người lao động hưởng một phần số tiền đã đóng bảo hiểm theo tỷ lệ nhất định... Về lâu dài, để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người lao động, theo đồng chí, cần nghiên cứu việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả người lao động trong xã hội. Đây cũng là giải pháp để tăng quỹ quản trị thị trường lao động và phát huy tối đa vai trò an sinh xã hội của bảo hiểm thất nghiệp.

Về việc phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung này với các luật chuyên ngành liên quan. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì cũng cần làm rõ những lợi ích có được nếu người lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, ví dụ như được ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công; từ đó tạo động lực cho người lao động nâng cao kỹ năng, tay nghề.
 


Đồng chí Vũ Hồng Quang, Phó Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 

Cùng với đó, đồng chí cũng đề xuất nghiên cứu kết hợp Chương III (Đăng ký lao động) và Chương IV (Hệ thống thông tin thị trường lao động) thành một chương chung quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm để đảm bảo đúng tinh thần của Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

Rà soát các quy định để tránh chồng lấn trong hệ thống pháp luật

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ kỹ càng của cơ quan chủ trì soạn thảo và đề nghị Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế tiếp thu đầy đủ ý kiến của Hội đồng thẩm định để sớm hoàn thiện Báo cáo thẩm định.

Về sự phù hợp với đề nghị xây dựng Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì thể chế hoá đầy đủ các chính sách đã được thông qua; trong đó, làm rõ nét hơn nữa chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đề xây dựng nguồn lao động chất lượng cao nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
 


Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp.

 

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước, cơ quan chủ trì cũng cần rà soát các quy định của dự thảo Luật để bám sát các nội dung của Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, hiện dự thảo Luật có liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Lao động, Luật Cư trú, Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Thống kê, Luật Thanh niên, Luật Bảo hiểm y tế... . Vì vậy, cơ quan chủ trì cần tính toán, tránh chồng lấn về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng giữa các luật; đồng thời lưu ý rà soát các quy định về vay vốn trong dự thảo Luật do nội dung này đã được quy định tại nhiều Luật, Nghị định, Nghị quyết, Chương trình mục tiêu quốc gia khác nhau và đánh giá kỹ tính khả thi, hợp lý của các quy định.

Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì làm rõ hơn các thủ tục hành chính được quy định trong dự thảo Luật; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền đảm bảo đúng theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về một số nội dung khác như: việc tích hợp các hệ thống thông tin dữ liệu hiện có; thời gian lao động của học sinh, sinh viên; xây dựng các điều khoản hỗ trợ người lao động theo hướng tập trung, thiết thực, đúng tầm; cụ thể, chi tiết các quy định về mức chi…

Anh Thư - Trung tâm Thông tin
 


Tag:

File đính kèm