Sign In

Tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khu vực phía Nam

09:20 01/06/2024
Chiều 31/5, tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 khu vực phía Nam, với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng.

Tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khu vực phía Nam

 

Điều hành hội nghị còn có các ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Trần Anh Đức - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, ông Lê Văn Toàn - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lâm Hải Giang cho biết, sau hơn 8 năm thi hành, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, qua đó tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Các quy định của Luật đã phát huy hiệu quả, làm tăng tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ và kịp thời của hệ thống pháp luật đối với những yêu cầu của thực tiễn; kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề trong công tác ban hành văn bản; công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng có chiều sâu.

 
Ông Lâm Hải Giang phát biểu khai mạc hội nghị.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL cho thấy, Luật cần được nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, phù hợp hơn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

“Do đó, hội nghị này nhằm nhận diện, đánh giá, tổng kết một cách khách quan, toàn diện thực tiễn thi hành các quy định của Luật Ban hành VBQPPL, làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc từ các quy định của Luật và thực tiễn tổ chức thi hành. Từ đó, đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của Luật là rất cần thiết”, ông Giang cho biết.

 
Ông Trần Anh Đức báo cáo tại hội nghị.

 

Báo cáo tại hội nghị, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết, tính từ ngày 1/7/2016 - 31/12/2023, tổng số VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trình cơ quan có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền là 7.759 văn bản; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành 90.610 VBQPPL.

Chất lượng các VBQPPL ngày càng được nâng cao, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến trong công tác xây dựng, ban hành, rà soát, kiểm tra, xử lý VBQPPL. Từ đó, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị trong định hướng sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL.

 
Bà Lê Thị Phương Lan trình bày tham luận tại hội nghị.
 

 

Bà Lê Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất: “Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL thì Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút ngắn trong xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội. Để đáp ứng yêu cầu về tính cấp thiết, cấp bách đối với các dự án cần áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn, cần có quy định hợp lý về thời gian thẩm định, thẩm tra, gửi tài liệu, quy định về thành phần hồ sơ trong trường hợp này”.

“Tôi đề nghị đánh giá, rà soát các quy định pháp luật hiện hành để hướng dẫn xác định VBQPPL cụ thể, rõ ràng hơn và áp dụng thống nhất; đồng thời, bổ sung quy định về giải thích từ ngữ về “giao quy định chi tiết”, “giao thẩm quyền”, “biện pháp có tính chất đặc thù”, “tính hợp hiến”, “tính hợp pháp”, “tính thống nhất” để áp dụng thống nhất”, ông Phạm Công Hùng - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang kiến nghị.

 
Ông Phạm Công Hùng đưa ra nhiều kiến nghị tại hội nghị.

 

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đồng tình, đánh giá cao các tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu. Theo Thứ trưởng, kể từ khi được ban hành lần đầu tiên năm 1996, trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật Ban hành VBQPPL đã thể hiện sự hiệu quả, đóng góp to lớn cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khung pháp lý toàn diện cho các lĩnh vực xã hội, đảm bảo thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, giúp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, ví dụ như đại dịch COVID-19 vừa rồi, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật vẫn cần nghiên cứu, sửa đổi để kịp thời phản ứng chính sách, đáp ứng các yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng lưu ý các ngành, các địa phương tập trung nghiên cứu các định hướng nghiên cứu, xây dựng Luật Ban hành VBQPPL bám sát tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó đặt ra yêu cầu hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật là một trong các thành tố đi trước.

 
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

 

Các ngành, các địa phương cần quan tâm, lưu ý một số nội dung như: việc rút gọn hình thức, thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã; cơ chế ban hành các nghị quyết đặc thù của địa phương; quy trình xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; việc đăng tải, nguyên tắc lấy ý kiến, đánh giá tác động chính sách trong quá trình xây dựng văn bản; cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật; việc xây dựng văn bản của nhóm đại biểu Quốc hội; cơ chế để Chính phủ ban hành văn bản thí điểm nhằm đáp ứng yêu cầu phản ứng chính sách; công tác theo dõi, thi hành pháp luật; tổng rà soát VBQPPL; cơ chế huy động chuyên gia, nhà khoa học; các điều kiện bảo đảm, ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác xây dựng pháp luật…

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL trong thời gian tới. Từ đó, đảm bảo tiến độ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua dự án Luật.



Tag:

File đính kèm