Sign In

Việt Nam - Trung Quốc: Đưa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp lên tầm cao mới

13:19 19/04/2024
Sáng 19/4, hai Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam - Trung Quốc đã tiến hành hội đàm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 18 - 21/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc và Đoàn công tác theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Việt Nam - Trung Quốc: Đưa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp lên tầm cao mới

 

Triển khai nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc thể hiện trong các Tuyên bố chung (gần đây nhất là Tuyên bố chung năm 2022 nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tuyên bố chung năm 2023 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa Tập Cận Bình), thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước năm 2022 và Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước giai đoạn 2024-2025; nhận lời mời của đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam, đồng chí Hạ Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban chính pháp Trung ương, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Quản lý đất nước toàn diện theo pháp luật Trung ương, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Trung Quốc có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 18 - 21/4/2024.

 
 
Đây cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp lần đầu tiên được đề cập thành một mục riêng với nội dung khá phong phú trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc 2023 (Tuyên bố chung 2023). Cụ thể, Tuyên bố chung năm 2023 đã nêu rõ:

 

“Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các lĩnh vực; tích cực thực hiện nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên. Triển khai có hiệu quả Hiệp định giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự, Hiệp định dẫn độ giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với nước CHND Trung Hoa; thúc đẩy Hiệp định giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về chuyển giao người bị kết án tù đi vào thực hiện có hiệu quả; thúc đẩy Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước đạt kết quả thực chất, cùng nhau hoàn thiện cơ chế tương trợ về tư pháp giữa hai bên; nghiên cứu việc thiết lập các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự và thương mại biên giới; thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp địa phương có chung đường biên giới với các hình thức phù hợp”.

 
 
Nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp
Tại Hội đàm giữa hai Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long chúc mừng những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc đã đạt được, nhất là thành tựu nổi bật trong hơn 10 năm qua kể từ Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúc mừng Trung Quốc đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ hai Lưỡng hội khóa XIV để xác định các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, cũng như quyết định những vấn đề trọng đại về sự phát triển của Trung Quốc. Đồng thời, Bộ trưởng Lê Thành Long chúc mừng và đánh giá cao những đóng góp của Bộ Tư pháp Trung Quốc với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban Quản lý đất nước toàn diện theo pháp luật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong công cuộc xây dựng “Nhà nước pháp trị XHCN” của Trung Quốc. 
 
 
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thông tin sơ bộ về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam quý I/2024, giới thiệu khái quát chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo đó, xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được “Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán”, trong đó trọng tâm là “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật” với nhiệm vụ “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; Ðổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”.
 
 
Trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW đặt ra nhiều yêu cầu nhiệm vụ mới đối với Bộ, Ngành Tư pháp Việt Nam. Trong bối cảnh này, việc hợp tác, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới là nhu cầu khách quan, đặc biệt là kinh nghiệm của Trung Quốc - một quốc gia láng giềng có bề dày trong công tác pháp luật và tư pháp, có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về nền tảng tư tưởng, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
 
 

Đồng tình với Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ trưởng Hạ Vinh giới thiệu sơ bộ về chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Trung Quốc; chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý đất nước toàn diện theo pháp luật Trung ương; giới thiệu sơ bộ về một số sáng kiến ban đầu của Bộ Tư pháp Trung Quốc trong thúc đẩy hợp tác khu vực. Bộ trưởng Hạ Vinh cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và đây là tiền đề quan trọng để hai bên trao đổi, tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau.

Về quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam - Trung Quốc, hai Bộ trưởng đánh giá cao việc trong thời gian qua, Bộ Tư pháp hai nước đã nỗ lực đàm phán và ký kết được 2 văn kiện hợp tác quan trọng. Ngày 31/10/2022 nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai Bộ đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật thay thế cho văn bản hợp tác được ký trước đây là Nghị định thư hợp tác giữa Bộ Tư pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp CHND Trung Hoa năm 1997. Tại Bản ghi nhớ này, hai bên thống nhất trao đổi kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; trao đổi kinh nghiệm về: Phổ biến, giáo dục pháp luật; Hòa giải ở cơ sở; Trợ giúp pháp lý; Quản lý luật sư và công chứng viên; Xử lý vi phạm hành chính; Cải cách pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền; Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật, xây dựng và điều hành cơ sở dữ liệu pháp luật; Thúc đẩy thực hiện hiệu quả Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa ký ngày 19/10/1998 tại Bắc Kinh; Phối hợp hoạt động tại các tổ chức, diễn đàn đa phương về hợp tác pháp luật và tư pháp; Khuyến khích việc mở rộng hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các Sở Tư pháp địa phương tại khu vực biên giới của hai nước. 

 
 

Trên cơ sở Bản ghi nhớ mới, hai Bộ Tư pháp đã thống nhất và ký Chương trình hợp tác năm 2024-2025 (ký ngày 8/12/2023 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình). Cụ thể, trong năm 2024, hai bên sẽ phối hợp tổ chức 1 Đoàn cấp Bộ của Bộ Tư pháp Việt Nam sang Trung Quốc, 1 Đoàn cấp Vụ của Bộ Tư pháp Trung Quốc sang Việt Nam và 1 hội thảo trực tuyến; trong năm 2025, hai bên sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị các cơ quan tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ nhất tại Trung Quốc, 1 Đoàn cấp Vụ của Bộ Tư pháp Việt Nam sang Trung Quốc và 1 hội thảo trực tuyến.

Hai Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp hai nước tích cực phối hợp để triển khai thực hiện hiệu quả các văn kiện hợp tác này và định kỳ rà soát, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các hoạt động hợp tác để đề xuất với Lãnh đạo Bộ Tư pháp mỗi nước các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác. Về hình thức hợp tác, đề nghị hai bên cần có sự linh hoạt phù hợp với điều kiện tình hình thực tế, kết hợp giữa các hoạt động trực tiếp (trao đổi các đoàn công tác, phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm chung, cử cán bộ tham dự các hội thảo, tọa đàm do bên kia tổ chức…) với các hoạt động trực tuyến (tổ chức các buổi làm việc, tọa đàm, hội thảo trực tuyến; chia sẻ thông tin, tài liệu qua phương tiện điện tử…).

 Sẽ tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần đầu vào năm 2025

Ngay sau khi kết thúc Hội đàm, hai Bộ trưởng đã ký Thỏa thuận về việc tổ chức Hội nghị giữa các cơ quan tư pháp của các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ nhất (tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2025). Theo Thỏa thuận này, nội dung dự kiến trao đổi tại Hội nghị sẽ bao gồm: xây dựng pháp luật, quản lý luật sư, công chứng, giám định tư pháp, hòa giải, trọng tài, trợ giúp pháp lý, phổ biến và giáo dục pháp luật, tương trợ tư pháp trong các vấn đề dân sự và thương mại và đề xuất các giải pháp thúc đẩy thực hiện tốt hơn các công tác này trong thời gian tới, xây dựng lộ trình thúc đẩy hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp và giữa các cơ quan tư pháp địa phương của hai nước. Cơ chế Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ được tổ chức 2 năm/lần theo hình thức luân phiên để thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các địa phương khu vực biên giới hai nước cũng như giữa hai Bộ Tư pháp, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tốt hơn các công tác tư pháp thuộc chức năng nhiệm vụ mỗi bên.

 
 
Cùng ngày, theo chương trình của chuyến thăm, Bộ trưởng Hạ Vinh sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Công an; hội kiến Trưởng Ban Nội chính Trung ương và chào Thủ tướng Chính phủ.
Hy vọng rằng với chuyến thăm lịch sử này của Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc, quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước sẽ ngày càng được tăng cường theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, thực hiện mục tiêu “láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì Nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh và sự nghiệp cao cả hòa bình và phát triển của nhân loại” (Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc 2022) và “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc” theo Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc 2023.


Tag:

File đính kèm