Ngày 29.3.2024, Báo Lao Động tổ chức Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường 2023”. Đây là cơ hội để các quản lý, các doanh nghiệp, đông đảo người lao động gặp gỡ để cùng bàn luận và đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi không dùng khay, cốc, bát, đũa, thìa nhựa khi ăn uống”
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thành - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động - cho biết, tại Hội nghị COP 26, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm.
Do vậy, diễn đàn được tổ chức với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường; đồng thời nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.
TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết, nhiều năm qua, Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động đã có những đóng góp tích cực, khẳng định vai trò của Tổng LĐLĐVN trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc ở nước ta.
“
Các đề tài nghiên cứu thực hiện trong các giai đoạn 2013-2023 đều bám sát phương hướng và nhiệm vụ được Tổng LĐLĐVN giao cho Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động trong định hướng hoạt động giai đoạn 2010 - 2015, 2016 - 2020, 2021-2030”, TS Nguyễn Anh Thơ cho hay.
Theo ông, hầu hết các đề tài nghiên cứu đều cho kết quả có tính ứng dụng, có giá trị thực tiễn, được các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tìm cách áp dụng. Các sản phẩm của những công trình nghiên cứu giai đoạn 2013-2023 đáp ứng được nhu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường.
Theo ông Dương Trung Thành - Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường đang được triển khai trong công nhân, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường.
“Chúng tôi không dùng túi nilon tại siêu thị, chợ dân sinh; không dùng khay, cốc, bát, đũa, thìa nhựa khi ăn uống và sử dụng dịch vụ tiêu dùng tại cơ quan và các cơ sở dịch vụ; đồng thời phân loại nhựa tại gia đình và chuyển cho các cơ sở, cá nhân thu gom để không hòa lẫn vào rác thải hộ gia đình…
Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều văn bản phát động và tổ chức thí điểm mô hình chống rác thải nhựa theo chủ trương chung và có đánh giá tổng kết hàng năm...”, ông Thành nói.
Bảo vệ môi trường không phải trách nhiệm của riêng ai
Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường 2023” cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo công nhân, người lao động đang làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy.
Là công nhân đang làm việc tại Công ty Cổ phần Dệt Công nghiệp Hà Nội, ông Hồ Hữu Hiền cho biết, bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe và đời sống của công nhân.
“Môi trường xanh - sạch - đẹp từ trong và ngoài xưởng sản xuất sẽ giúp sức khỏe của người lao động được nâng cao, yên tâm làm việc và mang lại năng suất cao” - ông Hiền chia sẻ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường không khí, giảm thiểu phát thải khí thải trong sản xuất, ông Lý Văn Khoa - công nhân Tổng Công ty Đức Giang cho rằng, làm việc trong môi trường trong lành, an toàn thì năng suất lao động sẽ cao.
“Công ty tôi luôn chú trọng đến môi trường làm việc. Nhằm giảm thiểu khí thải ra môi trường trong quá trình sản xuất, các thiết bị ở nhà máy sản xuất được đảm bảo tiêu chuẩn, sửa chữa và thay mới theo lộ trình”.
Ông Khoa cũng cho rằng, để nâng cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, công tác tuyên truyền rất quan trọng.
Luôn đồng hành cùng cán bộ công nhân viên trong công tác bảo vệ môi trường
“Với định hướng trở thành doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, “sản xuất an toàn và xanh, sạch”, thời gian qua, Công đoàn Điện lực Việt Nam rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.
Trong quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất, truyền tải điện năng, để giảm sự tác động xấu đến môi trường sinh thái, đòi hỏi các nhà đầu tư, nhà quản lý, cán bộ công nhân viên trong ngành phải có ý thức bảo vệ môi trường. Công đoàn Điện lực Việt Nam luôn đồng hành cùng cán bộ công nhân viên trong công tác bảo vệ môi trường” - ông Vũ Văn Minh - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - Công đoàn Điện lực Việt Nam cho hay.
Phân loại rác thải tại nguồn đã hình thành thói quen tốt cho người lao động
“Những quy định của doanh nghiệp về phân loại rác thải, chất thải tại nguồn đã hình thành thói quen tốt cho người lao động không chỉ tại nơi sản xuất mà còn được NLĐ áp dụng tại nơi cư trú, trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày” - ông Nguyễn Thái Dương - đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam nói.
https://laodong.vn/cong-doan/bao-ve-moi-truong-chinh-la-bao-ve-nguoi-lao-dong-1321059.ldo
NHÓM PV (báo lao động)