Ảnh: Đoàn công tác Trường Sa chụp ảnh lưu niệm tại Đài tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma
Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo, để đóng góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, công chức Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương bằng tình yêu thương và những việc làm thiết thực luôn hướng lòng mình về Biển, đảo thân yêu.
Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) và 68 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng (07/5/1955-07/5/2023), vừa qua Đoàn công tác của Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương do đồng chí Đinh Xuân Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh văn phòng Đảng ủy phụ trách đoàn đã cùng Đoàn công tác số 8 của Quân chủng Hải quân và các địa phương do Chuẩn đô đốc Phan Tuấn Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK-I.
Đi cùng đoàn công tác có các đồng chí: Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang; PGS, TS, Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông; thành viên các đoàn: Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; tỉnh Khánh Hòa, Đăk Nông, Sơn La, Ninh Thuận; Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel; Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản; Trung tâm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên; các văn, nghệ sĩ; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cùng thân nhân liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và đang công tác trên các đảo…Qua chuyến đi này, mỗi thành viên trong đoàn công tác thêm tự hào, biết ơn các anh hùng, liệt sĩ, các thế hệ cha ông đã chiến đấu vì độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Ảnh: Đoàn công tác thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa
Trước khi hải trình ra thăm quần đảo Trường sa, đoàn công tác đã đến thắp hương và tri ân các liệt sĩ tại Tượng đài tưởng niệm liệt sĩ Tù chính trị tại Cam Ranh và Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma nằm trong khuôn viên khu tượng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Tượng đài được xây dựng lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sĩ “những người nằm lại phía chân trời” nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Biển, đảo; đồng thời thăm khu trưng bày ngầm là nơi bảo quản, lưu giữ hơn 50 hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Sự hi sinh kiên cường của 64 chiến sĩ mãi mãi là bản hùng ca bất tử, truyền ngọn lửa yêu nước, tình yêu biển đảo thiêng liêng cho các thế hệ hôm nay. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, ở lứa tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của cuộc đời, trở thành những tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim người Việt Nam.
Sau lễ tri ân tại đây, đoàn hải trình ra thăm Đảo Song Tử Tây. Ở đây, đoàn đã được dự buổi lễ chào cờ Tổ quốc cùng quân và dân trên đảo trang nghiêm và nhiều cảm xúc lạ thường. Sau lễ chào cờ, đoàn đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo; rồi lên đường đến thăm các Đảo Đá Nam, Đảo Cô Lin, Đảo Sinh Tồn, Đảo Đá Tây A, Đảo Trường Sa...
Trước khi lên thăm đảo Cô Lin, Tàu Trường Sa chở đoàn công tác thả neo ở vùng biển Gạc Ma, làm lễ tượng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Vòng hoa đỏ kết hình ngôi sao vàng năm cánh và những con hạc giấy được các chiến sĩ Hải quân cùng các thành viên trong đoàn thả xuống biển như một sự tri ân công lao to lớn của “những người nằm lại phía chân trời”, một biểu tượng hòa bình, một quyết tâm tiếp bước truyền thống cha anh giữ gìn biển, đảo Tổ quốc của những người đang được sống hạnh phúc trong hòa bình hôm nay.
Một trong những hoạt động được tổ chức trên đảo Cô Lin là giao lưu văn nghệ. Thật xúc động trong buổi giao lưu này khi Đại úy Trần Thị Thủy, cán bộ văn thư bảo mật của Lữ đoàn 146, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cất tiếng hát...Cha ơi... sao Cha chưa về...Chị Thủy là con gái duy nhất của Liệt sĩ- Thiếu úy Trần Văn Phương, ông là một trong 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại quần Đảo Trường Sa trong sự kiện ngày 14/3/1988. Trước khi hy sinh, Thiếu úy Phương đã nói với đồng đội rằng: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống Quân chủng Hải quân Việt Nam Anh hùng". Tiếng hát của con gái Liệt sỹ Trần Văn Phương giữa biển trời mênh mông như tiếng lòng thổn thức, nhớ thương của người con gái đã mất cha từ thửa bé. Dẫu tuổi thơ của chị Thủy không được lớn lên trong vòng tay của cha, vì người cha đang phải thực hiện nhiệm vụ ngoài đảo xa, nhưng tình thương mà Cha giành cho chị là vô cùng to lớn. Khi nhắc đến cha, chị Thủy rất đỗi tự hào về những gì mà cha mình đã đóng góp cho biển, đảo Tổ quốc thân yêu.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Đinh Xuân Tùng đã ghi lại những dòng lưu bút đầy cảm xúc vào sổ lưu niệm trên đảo: “Thật tự hào và xúc động, Đoàn Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương được đến thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Đảo Cô Lin đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền, Biển đảo đất nước. Kính chúc các anh mạnh khỏe, chân cứng, đá mềm, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió vì Biển, đảo quê hương”.
Tiếp tục hải trình, đoàn công tác đến thăm Đảo Trường Sa, thăm Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ trên đảo Trường Sa, thắp hương các chùa trên đảo, tổ chức Lễ tưởng niệm và dâng hương các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại vùng biển Len Đao và trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Các buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, đầy xúc động, thành kính. Gặp gỡ quân và dân trên đảo, ai nấy đều vui tươi, thăm hỏi, động viên nhau như người thân của mình lâu ngày gặp lại.
Chia sẻ với đoàn công tác, Thượng tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết: Khi mới giải phóng, các đảo trên quần đảo Trường Sa về cơ sở vật chất còn rất đơn sơ, thiếu thốn. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông đất nước nối liền một dải, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cũng như nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, chú trọng đến xây dựng và củng cố quần đảo Trường Sa. Hiện nay, chúng ta đã đóng giữ trên 21 đảo và 33 điểm đóng quân. Hơn 40 năm qua kể từ ngày giải phóng, quần đảo Trường Sa đã và đang đổi mới từng ngày trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, lớn lên cùng với sự phát triển của đất nước.
Chia tay cán bộ, chiến sĩ trên Đảo Trường sa lúc 21h đêm, đoàn công tác rời cảng Trường Sa. Hình ảnh quân và dân, có cả những em học sinh tại đảo ra cầu tàu tiễn đoàn, trong giây phút ấy đã có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Dẫu rằng thời gian đoàn lưu lại trên đảo không lâu, nhưng hơi ấm từ đất liền ra với đảo còn vương vấn mãi trong lòng quân, dân.
Sau khi chia tay Đảo Trường Sa, đoàn công tác đến thăm nhà dàn DK1/7. Nhà dàn DK1 được ví như bức thành đồng trên Biển Đông, được thành lập ngày 5-7-1989, những nhà giàn của DK1 trên thềm lục địa đã đương đầu cùng bão biển suốt 34 năm qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì nhà dàn bị bão quật đổ hay tàu trực bị bão đánh chìm. Hiện nay toàn bộ hệ thống nhà dàn của DK1 đã được nâng cấp lên thế hệ mới, trang bị các phương tiện, thiết bị hiện đại, bảo đảm sinh hoạt và chiến đấu. Mỗi nhà dàn là một pháo đài liên kết cùng nhau tạo thành bức thành đồng vững chãi trên thềm lục địa, đủ sức đương đầu với sóng gió bão dông. Thành đồng DK1 là minh chứng hùng hồn, mạnh mẽ của con dân nước Việt trong giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Khi Tàu Trường Sa chở đoàn chúng tôi đến gần nhà dàn DK 1/7 thì cũng là lúc sóng biển nổi lên, vỗ mạnh vào mạn tàu vì ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới, do đó, đoàn không thể dùng ca nô để lên thăm cán bộ, chiến sĩ trên nhà dàn.
Để bảo đảm an toàn, đồng chí Phó tư lệnh Hải quân- Trưởng đoàn quyết định cho Tàu thả neo và thông qua hệ thống máy bộ đàm và loa trên Tàu nhắn nhủ, động viên cán bộ, chiến sĩ. Có giọng hát nghẹn ngào giữa biển khơi của một chị trong đoàn công tác vang lên... “Có một không gian nào đo chiều dài nỗi nhớ...có khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình yêu...ở đầu này nỗi nhớ...em mơ về bên anh...”. Bất chợt cả đoàn công tác đứng lặng im, nghe rõ nhịp đập của trái tim, những cặp mắt đổ hướng về các anh chiến sĩ đang đứng trên nhà dàn. Ở đây, lúc này chỉ cách nhau có vài trăm bước chân mà không thể đến gần các anh, những chiến sĩ nhà dàn kiên trung nơi đầu sóng, ngọn gió, dẫu không đặt được bước chân lên nhà dàn, không có cái nắm tay hay cái ôm thân thiết, thắm tình, nhưng tình cảm mà các thành viên đoàn công tác giành cho các anh là vô bờ bến.
Trong chuyến đi này, dẫu rằng phải vượt đại dương hơn 1000 hải lý, các thành viên của đoàn công tác có cả nam và nữ, có những người trẻ và cả những người sắp đến tuổi nghỉ hưu, có những người đến từ quê hương Tây Bắc, Tây Nguyên, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa một lần đi đảo, chưa quen với sóng, gió biển khơi, mặc cho biển động, những cơn say sóng biển có cồn cào, đứng, ngồi không yên...song bằng tất cả tình yêu hướng về biển, đảo, về chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển, trời của Tổ quốc, các thành viên trong đoàn đã đến tận nơi, được“mắt thấy, tai nghe, tay sờ, chân bước” cùng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đang công tác và sinh sống trên đảo, nhà dàn DK1/7. Được chứng kiến sự khó khăn, khốc liệt của thời tiết trên biển, đảo, sự kiên cường, bất khuất của quân và dân trên đảo, trong lòng mỗi người đều dâng lên cảm xúc tự hào, khâm phục và xúc động rưng rưng.
Còn rất nhiều cảm xúc, kỷ niệm muốn viết và nói về quần Đảo Trường Sa, về nhà dàn DK1, về tình cảm quân và dân trên biển, đảo quê hương...Người dân Việt Nam luôn hướng về các anh, trong tim chúng tôi luôn có tình cảm và hình bóng của các anh cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Ai đó đã viết rằng không xa đâu Trường Sa ơi - vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...Xin mượn vần thơ của một tác giả đã từng đến với biển, đảo để nói hộ lòng mình khi trở về đất liền:
“ Cho tôi xin một nụ hôn
Và cho tôi xin một lạy
Rồi trở về đất liền
Gửi lại tình yêu cho
Người
Cỏ cây
Trời biển
Ở chốn này. Đảo thiêng”./.
( Trường Sa, tháng 5-2023)
Dương Huy Đức (ghi chép)
Cơ quan TT miền Nam, Tạp Chí Cộng sản.