Sign In

Đổi mới phương thức thực hiện công tác dân vận trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương giai đoạn hiện nay

09:23 22/02/2024

Công tác dân vận là một lĩnh vực rộng lớn, cơ bản, quan trọng trong quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng ta, toàn bộ hoạt động của Đảng, phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”([1]),  dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, công tác dân vận lại càng quan trọng và phải làm tốt hơn nữa để góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong toàn bộ nhiệm kỳ 2021 - 2026 mà cả hệ thống chính trị phải tập trung thực hiện, mà ngay nhiệm vụ đầu tiên, Đại hội đã khẳng định: "Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh… Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa". Công tác dân vận của hệ thống chính trị có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức thực hiện. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được mở rộng và tăng cường. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục thực hiện tốt quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của công tác dân vận.

Hiện nay, Đảng bộ Khối có 61 đảng ủy trực thuộc, trong đó có 6.523 chi bộ, hơn 78.617 đảng viên và trên 10 vạn quần chúng sinh hoạt, công tác trong các cơ quan Trung ương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nhiều đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước; tổ chức đảng và đảng viên thực hiện nhiệm vụ tham mưu chiến lược, cơ mật cho Đảng, Nhà nước. Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác dân vận, ngay từ khi thành lập, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác dân vận. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, nghị quyết để triển khai công tác dân vận trong toàn Đảng bộ Khối. Theo đó, công tác dân vận của Đảng bộ Khối đã có những chuyển biến quan trọng, cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong Đảng bộ Khối đã hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã có nhiều chuyển biến tích cực về phương thức và phong cách làm việc, về tinh thần và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, về thái độ ứng xử trong giao tiếp, trao đổi, giải quyết công việc của nhân dân. Việc tham mưu xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật ngày càng sát với thực tiễn, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể và một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động còn xem nhẹ vai trò, vị trí công tác dân vận; còn lúng túng trong việc xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với công tác dân vận cũng như xác định nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn lúng túng trong việc vận dụng kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nên chất lượng tham mưu còn có mặt hạn chế. Việc thực hiện công khai, dân chủ, thực hiện các nội quy, quy chế, quy định trong nội bộ cơ quan có nơi, có lúc còn hình thức; việc thực hiện cải cách hành chính còn chậm, hiệu quả thấp. Một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có việc chưa kịp thời, gây mất lòng tin của cán bộ, công chức và quần chúng. Ý thức, trách nhiệm của một số người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị chưa cao, đội ngũ cán bộ dân vận của các đảng bộ trực thuộc đều làm kiêm nhiệm, năng lực, nghiệp vụ chuyên môn còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới. Một số cán bộ, đảng viên quan liêu, hách dịch, tham ô, hối lộ, xa dân, không lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; thiếu khả năng tuyên truyền, thuyết phục nhân dân…

Trong bối cảnh tình hình đất nước và quốc tế giai đoạn hiện nay có những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức vẫn là chủ yếu, tình hình kinh tế, chính trị tại một số quốc gia trên thế giới có nhiều bất ổn, trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm... Trong nước, xảy ra hoạt động của các thế lực thù địch và phản động tập trung vào chống phá đất nước; việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa làm cho nền kinh tế chậm phục hồi. Những yếu tố trên đã có tác động không nhỏ đến công tác dân vận nói chung và công tác dân vận trong Đảng bộ Khối nói riêng.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối và đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương trao Bằng khen và tặng hoa các tập thể có thành tích xuất sắctrong thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2013 - 2023

Để thực hiện tốt công tác dân vận trong Đảng bộ Khối nói chung thì việc đổi mới phương thức thực hiện công tác dân vận trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhất là thủ trưởng cơ quan, đơn vị về công tác dân vận. Đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp, đưa công tác dân vận trở thành nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, hành động và trách nhiệm của mỗi cấp ủy, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới.

Thứ hai: Tiếp tục thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, bảo đảm nguyên tắc mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Đổi mới nội dung và hình thức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phù hợp chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân; giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng liên quan trực tiếp đến nhân dân. Tập trung giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để vụ việc phức tạp kéo dài, khiếu kiện đông người.

Thứ ba: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, giảm các thủ tục hành chính dễ gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Tiếp tục rà soát và phân công, bố trí cán bộ phụ trách công tác dân vận. Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử. Xây dựng và thực hiện phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dân vận cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo và cán bộ thường xuyên tiếp xúc với nhân dân. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên có hành vi quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền và năng lực, phẩm chất kém. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đi cơ sở, gần gũi, sâu sát với nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để có những chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, dự báo trước tình hình để chủ động giải quyết kịp thời. Xây dựng phong cách làm việc của cán bộ dân vận phải học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Thứ tư: Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận, đặc biệt là việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác dân vận, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Phát huy vai trò của công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân cơ quan trong thực hiện dân chủ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và các hoạt động của cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đồng thời mở rộng tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan.

Thứ năm: Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dân vận.

HÀ THỊ TRANG

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối

 

([1]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.234

 

Nguồn tin: Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Tag:

File đính kèm