Sign In

Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay

17:07 10/04/2024
Chú trọng xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, đơn vị tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời âm mưu, thủ đoạn, hành động chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đoàn kết là một trong các truyền thống quí báu của dân tộc ta đã được hun đúc trên nền tảng lòng yêu nước nồng nàn của các thế hệ người Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết là sự kế thừa truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc Việt Nam; là một hệ thống quan điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng nhằm đoàn kết rộng rãi các giai tầng trong xã hội, phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc của quốc tế, đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Trong 94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong tiến trình lãnh đạo cách mạng. Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến lược nhất quán và xuyên suốt để tập hợp lực lượng cách mạng và là nhân tố quyết định sự thành công.

Đoàn kết là vấn đề sống còn cho nên trước lúc đi xa, trong Di chúc Người cẩn thận nhắn nhủ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”([1]). Đảng Cộng sản là người tổ chức, hướng dẫn, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân, do vậy, Đảng phải là một đảng trí tuệ, cách mạng, thống nhất, phải luôn giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng. Trong Đảng, từ Trung ương đến cơ sở nếu không đoàn kết nhất trí trên dưới một lòng thì ví như một đoàn người đang đi mà không còn khả năng nhìn rõ vạn vật, đến một lúc nào đó việc vấp ngã bởi chướng ngại vật trên hành trình là một tất nhiên và thậm chí sẽ lạc lối, mất phương hướng vì rơi vào tăm tối. Người chỉ rõ, Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, nhưng cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì vậy, đoàn kết phải là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta. Phải thực hiện đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và đoàn kết quốc tế. Đoàn kết phải thực sự tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, giá trị văn hóa bất diệt trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trước những biến cố của thiên tai, địch họa, tinh thần đại đoàn kết, truyền thống “cố kết dân tộc” càng được bồi đắp và phát huy qua nhiều thế hệ. Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là từ khi Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ra đời, đã có nhiều chủ trương mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc được ban hành, với những nguyên tắc nhất quán:

1. Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn phải được coi là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong đường lối, chiến lược của Đảng; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để quy tụ mọi lực lượng, giai cấp, tầng lớp, đội ngũ vào lợi ích chung, tối cao của toàn dân tộc.

2. Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh vô tận, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Ở đâu và khi nào trên đất nước ta nếu mất đoàn kết thì ở đó, khi đó cách mạng sẽ bị tổn thất. “Đoàn kết hay là chết!” - đó là khẩu hiệu cách mạng làm cho hành động của mỗi người Việt Nam yêu nước thêm mạnh, bền bỉ và có hiệu quả.

3. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải là sự đoàn kết thật sự vững chắc giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, thể hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dựa trên nền tảng vững chắc từ liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

4. Đại đoàn kết toàn dân tộc trước hết và tập trung nhất phải thể hiện ở mối quan hệ bền chặt, máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, ở niềm tin thật sự của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các chủ trương và giải pháp chủ yếu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo điều kiện cho mọi giai cấp, tầng lớp xã hội phát triển vững mạnh. Cùng với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng được Đảng ta xác định là cơ sở để tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, bảo đảm lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách xã hội, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội nước ta. Thực hiện tốt chính sách xã hội không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là một trong những yếu tố quyết định sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Khi “lòng Dân” và “ý Đảng” hội tụ thì đó thực sự là động lực và sức mạnh để cả dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách và tiếp tục kiến tạo các kỳ tích mới trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Nhờ quán triệt, thực hiện quan điểm đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cường, tạo sức mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, thành phần dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, phát huy, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”([2]).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động chưa thực sự gương mẫu, gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe dân, chưa kịp thời giải quyết những kiến nghị, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân gắn với những việc, những lĩnh vực cụ thể. Việc vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” có mặt còn hạn chế. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chưa tích cực đổi mới; vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu...

Hiện nay, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra cho công cuộc đổi mới đất nước ta những cơ hội, thuận lợi cơ bản nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có những nhân tố tác động trực tiếp đến xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, “tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”[3] vừa là mục tiêu, yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài được xác định trong Nghị quyết số 43-NQ/TW, cần được quán triệt, thực hiện tốt. Theo đó, ngày 15/01/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong toàn Đảng bộ.

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc; về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về củng cố, tăng cường và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền; đổi mới và đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, giáo dục về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông, các loại hình văn hoá, nghệ thuật; phối hợp đồng bộ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc với tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu phát triển, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị góp phần tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng và cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Chú trọng xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, đơn vị tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời âm mưu, thủ đoạn, hành động chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện các chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước

Các cấp ủy phối hợp với ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan Trung ương tiếp tục lãnh đạo việc xây dựng cơ chế, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”; gương mẫu, tận tụy với công việc; “nói đi đôi với làm”; thực sự là công bộc của Nhân dân; bồi đắp, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phát huy quyền làm chủ, phát triển tài năng, sức sáng tạo, đóng góp trí tuệ, công sức góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Coi trọng vai trò tư vấn, giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nghiên cứu khoa học trong Đảng bộ Khối trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... của đất nước.

Chăm lo bồi dưỡng, phát huy vai trò của thế hệ trẻ, các cá nhân tiêu biểu, đội ngũ trí thức và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững và chủ động hội nhập quốc tế.

Ba là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Kiên trì thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh theo các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; sâu sát cơ sở, nêu cao ý thức phục vụ và gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn hành động vì lợi ích và hạnh phúc của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để giám sát và đánh giá cán bộ.

Tiếp tục cụ thể hoá cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" gắn với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Thực hành và phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm chế độ người đứng đầu cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị định kỳ tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; lắng nghe và kịp thời giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng mà cán bộ, đảng viên quan tâm.

Bốn là, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Khối nhằm phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ trong công tác chuyên môn, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò nêu gương của người đứng đầu; đề cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý, điều hành; nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, tham mưu chính sách hợp lòng dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của người dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Củng cố, kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hướng về cơ sở; phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tạo thành các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ của cơ quan. Có cơ chế phối hợp và bảo đảm các điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia quản lý nhà nước, góp ý xây dựng Đảng, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân; tăng cường ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị; tổ chức thực hiện tốt các chính sách xã hội, an sinh, giảm nghèo bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, đối tượng yếu thế trong xã hội...

Năm là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của cán bộ, công chức và người lao động

Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; xây dựng cơ chế phù hợp để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, quyết định những vấn đề lớn và quan trọng của cơ quan, đơn vị, nhất những vấn đề có liên quan mật thiết đến cuộc sống của người lao động. Nêu cao tinh thần cầu thị, tham vấn rộng rãi, đầy đủ ý kiến của những người thụ hưởng hoặc chịu tác động của cơ chế, chính sách; trách nhiệm thông tin, giải trình của các cơ quan chức năng ở mọi cấp độ và mọi khâu của quá trình xây dựng, ban hành, thực thi cơ chế, chính sách, quyết định liên quan đến cán bộ, công chức và người dân.

Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tăng cường sự đồng thuận gắn với đề cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quy định cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị.

Sáu là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước

Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động, đoàn kết đoàn viên, hội viên, trọng tâm là đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo”, các cuộc vận động, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng với các cơ quan, đơn vị trong việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; trong giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt hoạt động giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu và đảng viên trong rèn luyện đạo đức, lối sống, thực thi công vụ. Cán bộ, đảng viên của đảng bộ: Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam kịp thời tuyên truyền, vận động đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có năng lực lãnh đạo, có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm và kinh nghiệm công tác. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng, thông qua đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.

Bẩy là, tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả

Đổi mới việc tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở để đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên tham gia với vai trò thực sự là chủ thể trong lao động sản xuất, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, được áp dụng hiệu quả vào nhiệm vụ chuyên môn.

Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị; thắng lợi của cách mạng Việt Nam chỉ có thể giành được khi khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và trong toàn xã hội. Chúng ta tin tưởng khi vận hành tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ được phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

ThS. LẠI XUÂN LÂM

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối 

 

([1]) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQGST, Hà Nội 2019, tr47

([2]) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 25.

([3]) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 139.

 

Nguồn tin: Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Tag:

File đính kèm