Sign In

Học tập và làm theo tư tưởng “dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương

15:35 16/05/2023

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của nhân dân. Trong tác phẩm "Dân vận" năm 1949, Bác một lần nữa khẳng định tầm quan trọng mang tính quyết định của công tác dân vận đối với thành bại của sự nghiệp cách mạng: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1]. Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên nhiệm vụ cực kỳ trọng yếu của cả hệ thống chính trị là công tác dân vận và chỉ rõ, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều do dân vận khéo mà có. Những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm "Dân vận" đã là cơ sở, kim chỉ nam cho công tác dân vận của Đảng và của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thời đại nào, trong điều kiện hoàn cảnh nào, với bất kỳ giai cấp nào - Nhân Dân luôn là chủ thể sáng tạo của lịch sử, là người làm nên lịch sử. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng cách mạng có thành công hay không thì vấn đề là phải tập hợp được quần chúng nhân dân thành một lực lượng có tổ chức, thành một khối đoàn kết mới tạo nên được sức mạnh, để làm nên thành công cho cách mạng,  93 năm qua, kể từ khi ra đời, Đảng ta đã lấy lợi ích của nhân dân, của dân tộc làm mục đích phấn đấu. Đảng đã lãnh đạo, tập hợp, vận động nhân dân ta làm cách mạng bằng công tác dân vận. Song dân vận không phải là áp đặt, không phải là mệnh lệnh hành chính, mà là giải thích để mọi người hiểu và thấy việc mình làm là tất yếu, là lo cho ngay bản thân mình, để người dân tự thôi thúc mình hành động. Công tác dân vận có vai trò to lớn như vậy, cho nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân “đều phải phụ trách công tác dân vận”. Những người phụ trách công tác dân vận phải có “óc nghĩ, mắt trông tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Để thực hiện công tác dân vận đòi hỏi cán bộ phải biết nhìn xa, trông rộng, phải sâu sát cơ sở để nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người ngân, phải nói đi đôi với làm, phải luôn luôn gương mẫu trong cả lời nói và hành động. Khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, xa dân, không tôn trọng dân, không quan tâm giải quyết những bức xúc, đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Theo Người, trong quan hệ với Nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác dân vận phải sâu sát, tìm hiểu kỹ càng: “Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân... Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân”. Để có thể: “Nói dân tin, ở dân quý, làm dân theo”, người cán bộ dân vận phải khiêm tốn học hỏi Nhân dân, thành thực lắng nghe sự góp ý, phê bình của Nhân dân; khi nói “Dân vận khéo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, trong từng thời kỳ cách mạng cũng như trong từng thời gian cụ thể nhất định, việc xác định mục tiêu, nội dung dân vận đúng hay không đúng sẽ quyết định đến việc thành công hay không thành công của mọi công tác cách mạng. Ngày nay, vấn đề này càng quan trọng hơn. Lời căn dặn của Người với cán bộ, đảng viên trong bản Di chúc thiêng liêng: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân".

Trong Văn kiện  Đại hội XIII của Đảng, các nội dung  về công tác dân vận tiếp tục được đề cập một cách toàn diện, sâu sắc, với nhiều điểm mới nổi bật, trong đó Đảng ta khẳng định sâu sắc hơn tầm quan trọng và yêu cầu cao hơn về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; về vai trò của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng, xác định: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”[2]

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Dân vận", "Dân vận khéo", xác định công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, từ nhiều năm nay, công tác dân vận và Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Đảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc luôn quan tâm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và được triển khai thực hiện khá đồng bộ, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng bộ Khối. Chú trọng việc quán triệt triển khai các văn bản của Đảng về công tác Dân vận, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị Khóa XIII về việc ban hành Quy chế công tác Dân vận của hệ thống chính trị, Quyết định 503-QC/ĐUK ngày 30/12/2021 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về việc ban hành Quy chế công tác Dân vận của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và lần đầu tiên, một kỳ đại hội của Đảng đã đưa Phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào Văn kiện đại hội: “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận”[3]. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được coi là phương thức quan trọng để tuyên truyền, vận động, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Đảng bộ Khối nâng cao đạo đức công vụ, tham mưu cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan Trung ương.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đưa thành nhiệm vụ, giải pháp, là phương thức để các cấp ủy đảng lãnh đạo tổ chức, thực hiện công tác dân vận; việc nhận thức rõ và khẳng định ý nghĩa, tác dụng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Đảng bộ Khối thể hiện trong việc triển khai tổ chức thực hiện các hoạt động an sinh, đền ơn, đáp nghĩa, các hoạt động vì người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 và Kế hoạch số 32-KH/ĐUK đến các tổ chức đảng trực thuộc và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong đảng bộ. Trong đó, tập trung tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị ban hành chính sách, hoàn thiện các chế độ chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, các chính sách bảo trợ xã hội cho người nghèo, hỗ trợ các mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với người nghèo...xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 32-KH/ĐUK của Đảng ủy Khối phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời chỉ đạo việc cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 05 của Ban Bí thư, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phối hợp thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững bảo đảm đồng bộ, toàn diện và khả thi, phù hợp với tình hình thực tế. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí thường vụ cấp ủy, cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên thường xuyên theo dõi và tổ chức thực hiện. Trên trang thông tin điện tử của Đảng ủy Khối và các cơ quan báo chí, truyền thông thuộc Khối mở chuyên mục và thường xuyên đăng tin, bài, phóng sự về giảm nghèo, phổ biến chính sách giảm nghèo, khuyến khích thoát nghèo bền vững... để toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động theo dõi, hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối trao quà tặng công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty cổ phần sản xuất hàng thể thao Tân Đệ

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (11/4/2007 - 11/4/2022), Đảng ủy Khối đã triển khai vận động kinh phí ủng hộ xây dựng nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo tại ba miền Bắc, Trung, Nam từ các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Ở cơ sở, các đảng ủy đã phối hợp với lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức các hội nghị đối thoại về chính sách giảm nghèo; tuyên truyền, giới thiệu những chính sách ưu đãi, an sinh xã hội của nhà nước đối với người nghèo, nâng cao mức sống cho gia đình người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội là hộ nghèo, cận nghèo; hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề… được lồng ghép triển khai đồng bộ, có hiệu quả, trao sinh kế, góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Trong công tác xóa đói giảm nghèo đã tập trung vào thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể như: Xây dựng các mô hình tạo công ăn việc làm cho người nghèo, sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm tại các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn trong phạm vi cả nước, trao sinh kế giảm nghèo, đồng hành hỗ trợ hộ gia đình chính sách thoát nghèo… năm 2023, tổng kinh phí của Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc xây dựng nhà cho 430 gia đình chính sách, hộ nghèo và ủng hộ cơ sở vật chất tại các tỉnh trong cả nước đạt gần 30 tỷ đồng, 45/61 đảng ủy trực thuộc đăng ký mô hình và có các hoạt động an sinh xã hội cụ thể để hỗ trợ các xã, huyện nghèo.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều cấp ủy đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả như: Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương hỗ trợ xây dựng 50 căn nhà chính sách là hộ nghèo trị giá 50 triệu đồng/01 căn và ký biên bản ghi nhớ 5 tỷ đồng hỗ trợ các hạng mục công trình y tế, giáo dục tại một số xã nghèo thuộc huyện nghèo Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ xây 10 căn nhà tình nghĩa tổng trị giá 500 triệu đồng tại xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 10 căn nhà trị giá mỗi căn 50 triệu đồng tổng trị giá 500 triệu đồng tại tỉnh Bến Tre; Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hỗ trợ 02 căn nhà tổng trị giá 100 triệu đồng tại xã Định Hóa, Thái Nguyên; Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ 100 xuất quà tặng hộ nghèo tại 02 tỉnh Gia Lai và Kon Tum tổng trị giá 100 triệu đồng; Đảng ủy Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng 03 căn nhà cho Phụ nữ nghèo tại huyện Yên Bình, tỉnh Cao Bằng tổng trị giá 150 triệu đồng; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp hỗ trợ 500 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại tỉnh Cao Bằng; Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam hỗ trợ xây 02 nhà văn hóa trị giá 1.9 tỷ đồng, tặng trang thiết bị cho trường học, làm đường, tặng bò giống tạo sinh kế cho hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 3.5 tỷ đồng tại 2 thôn Bình Dân và Tân Yên, xã Bình Yên, Tỉnh Tuyên Quang; Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ 300 triệu đồng, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng 30 xuất quà cho hộ nghèo tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu…

Các đảng ủy trực thuộc triển khai "Chương trình kết nối các đảng bộ trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương với các huyện nghèo, xã nghèo, thực hiện giảm nghèo bền vững" với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và hiệu quả nên đã kịp thời động viên, giúp đỡ người nghèo nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác giảm nghèo bền vững được nâng lên... Kết quả bước đầu đã được nhân dân và chính quyền các địa phương kết nối giúp đỡ ghi nhận và đánh giá cao.

Từ kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian qua tại Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo” phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Tiếp tục tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Đảng bộ Khối thấm nhuần sâu sắc tư tưởng về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài báo "Dân vận" và lời dạy của Bác Hồ "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", cán bộ phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, luôn vì lợi ích của nhân dân; luôn đi đầu trong các phong trào, trong đó có phong trào thi đua "Dân vận khéo”.  

 Thứ hai, phong trào thi đua "Dân vận khéo” phải đứng trên quan điểm, lợi ích của nhân dân nói chung và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng, đó là yếu tố quan trọng để phát huy nội lực trong cán bộ, đảng viên và làm nên sức sống bền vững của phong trào.

Thứ ba, chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; phối hợp có hiệu quả giữa Đảng ủy với Ban cán sự, Đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong quá trình phát động và tổ chức thực hiện phong trào,  huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị, có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện ở từng cơ quan, đơn vị. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng trong phong trào thi đua "Dân vận khéo”.

Thứ tư, vận dụng phong cách dân vận của Bác vào việc đổi mới cách thức tuyên truyền về công tác dân vận của đảng bộ và trong các cơ quan nhà nước, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tuyên truyền, lan tỏa những gương tập thể và cá nhân trong phong trào thi đua “ Dân vận khéo” trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương./.

    Ths Hà Thị Trang

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Khối

 


[1] Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 6, tr.234

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 191.

[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 178 - 179, 193

 

Tag:

File đính kèm