Ngày 31/10, tại Hà Nội, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định số 145-QĐ/TW, ngày 10/5/2024 của Bộ Chính trị bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối đến 36 điểm cầu các đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối.
|
Các đại biểu dự Hội nghị. |
Tại điểm cầu Cơ quan Đảng ủy Khối, dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối; đồng chí Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Khối; PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; các đồng chí Ủy viên BTV, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối; Ủy viên UBKT Đảng ủy Khối; lãnh đạo các ban, đơn vị và cán bộ, đảng viên Cơ quan Đảng ủy Khối.
Dự Hội nghị, tại điểm cầu các đảng ủy trực thuộc, có gần 1.200 cán bộ, lãnh đạo chủ chốt thuộc Ban Thường vụ Đảng ủy Khối quản lý.
Tại Hội nghị, PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã trình bày và làm rõ 2 chuyên đề với các nội dung: Học tập, nghiên cứu nội dung 3 bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về Chống lãng phí; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới; Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới và “Quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, những định hướng phát triển trong thời gian tới".
Về nội dung chống lãng phí: Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách; từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngày 25/5/2012, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Kết luận số 21-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); ngày 21/12/2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hiến pháp và quy định của pháp luật, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khai thác, sử dụng các nguồn lực của đất nước được nâng lên, ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập đến chấp hành dự toán và quyết toán; mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng tài sản, phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc trong các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định; công tác quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn, tài sản nhà nước có chuyển biến tích cực; việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước được triển khai; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, ý thức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại, đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai...
|
PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản truyền đạt chuyên đề tại Hội nghị. |
Về nội dung “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới,” PGS-TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm "cần thực hiện tốt một số công tác trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo thông qua hệ thống chính trị mà Đảng là hạt nhân; lãnh đạo bằng tư tưởng, đường lối, chính sách và sự tiên phong gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên; bằng thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước…
Thứ hai, tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Xây dựng các cơ quan tham mưu của cấp ủy thực sự tinh gọn; cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị, có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm và thông thạo công việc.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng. Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng. Đảng kiểm tra, giám sát để công việc được thực hiện tốt hơn, nghị quyết được thực hiện hiệu quả; bộ máy của Đảng, Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đúng chủ trương, đường lối, đúng người, đúng việc; kịp thời phát hiện nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo; uốn nắn, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc, chệch hướng hoặc ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Về chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới: Thay đổi về nhận thức, có tư duy mới về cuộc cách mạng - chuyển đổi số; có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng - chuyển đổi số; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị vào thực hiện thành công cuộc cách mạng - chuyển đổi số; tập trung xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt trong thực tiễn thể chế, cơ chế, chính sách chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội; khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực con người - nhân tố quyết định của sự nghiệp đổi mới, của cuộc cách mạng - chuyển đổi số; hiện thực hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong thực hiện cuộc cách mạng - chuyển đổi số; bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng - chuyển đổi số...
|
Quang cảnh Hội nghị. |
Trình bày các vấn đề liên quan đến: Quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò và định hướng phát triển doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới, PGS-TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh: Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giữ vị trí then chốt, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội... Định hướng phát triển doanh nghiệp nhà nước của Đảng trong thời gian tới: DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị một cách thực chất và thu hút nhà đầu tư có năng lực thực sự; tối đa hóa giá trị bán vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; DNNN đạt trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt; củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới; Nhà nước đặt hàng DNNN thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội theo cơ chế lựa chọn cạnh tranh, công khai, xác định rõ chi phí, giá thành, trách nhiệm, quyền lợi của Nhà nước và DNNN; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về DNNN, nhất là về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại DNNN.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước phải đạt trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt, đồng thời cần đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, người lao động tại doanh nghiệp nhà nước...
Thông qua học tập các chuyên đề tại Hội nghị đã bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cần thiết, góp phần nâng cao năng lực, tư duy, tầm nhìn, chất lượng hiệu quả công tác và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.
P.V