Sign In

Xây dựng niềm tự hào là học viên của Học viện Chính trị mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh

13:30 06/09/2023
(ĐCSVN) - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần quan tâm hàng đầu xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Các học viên cần xây dựng niềm tự hào là học viên của Học viện Chính trị hàng đầu mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; tự giác, nghiêm túc trong hoạt động; xây dựng cho mình động cơ học tập đúng đắn.

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai tại lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại 5 học viện trực thuộc và trường chính trị ở các tỉnh, thành phố trong cả nước vào ngày 6/9. 

leftcenterrightdel
 Lễ khai giảng năm học 2023-2024 tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, năm học 2022 - 2023, công tác đào tạo hệ cao cấp lý luận chính trị của Học viện diễn ra trong giai đoạn cả nước đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước. Cùng với toàn hệ thống chính trị, Học viện nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Học viện tăng cường kỷ cương, kỷ luật học tập, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo vừa ở khâu truyền thụ tri thức, vừa ở khâu rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và tác phong lãnh đạo, quản lý cho người học.

Học viện đã chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan triển khai nghiên cứu xây dựng các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các Ủy viên và Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Cùng với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, Học viện đẩy mạnh triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, nổi bật là các hệ đề tài cấp bộ trọng điểm, hệ đề tài cấp bộ và chương trình khoa học đặc biệt cấp quốc gia: “Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới”, phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại lễ khai giảng.

Học viện tiếp tục phát huy vai trò là một trong những cơ quan đi đầu thực hiện rất hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Học viện đã tổ chức phát động cuộc thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch” lần thứ III, hoàn thiện nội dung và phổ biến cuốn sách “Sổ tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng”; chủ động, sáng tạo lồng ghép, cập nhật các nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng…

Năm học mới 2023 - 2024 là thời điểm cả nước bước vào giai đoạn bản lề hoàn thành các chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Học viện xác định đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm “Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Nêu gương - Chất lượng - Hiệu quả”, coi đây là tư tưởng chỉ đạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Học viện tiếp tục kiện toàn, đổi mới quản lý đào tạo theo hướng sáng tạo, chất lượng và hiệu quả; đầu tư, nâng cao chất lượng hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục chính trị và tư vấn chính sách.

Khẳng định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố căn cốt, quyết định thành công của việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm học, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, Học viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, kết hợp chặt chẽ việc phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học có kinh nghiệm và uy tín với việc tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ có năng lực, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trình độ cao về chuyên môn, sâu sắc về lý luận chính trị, am tường thực tiễn phong phú, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, tư duy sáng tạo; thúc đẩy, mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học; chú trọng xây dựng chương trình chia sẻ tri thức quốc tế; đặc biệt quan tâm đến xây dựng, phát triển các chương trình hợp tác, đào tạo cán bộ.

leftcenterrightdel
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 

Biểu dương những nỗ lực, kết quả mà cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đạt được trong năm học vừa qua, phát biểu chỉ đạo tại lễ khai giảng, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng một đội ngũ cán bộ có lập trường quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng giải quyết vấn đề phức tạp xảy ra, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ là yêu cầu rất quan trọng.

Trong năm học 2023 - 2024, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Học viện quan tâm thực hiện có hiệu quả chủ trương của Trung ương liên quan đến hoạt động của Học viện gắn với Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.

Đồng chí cũng yêu cầu Học viện cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp cấp độ khác nhau, đối tượng cán bộ khác nhau trong hệ thống chính trị. Khắc phục sự trùng lắp, khép kín, chưa liên thông giữa các chương trình, cấp học; đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng hiện đại, phù hợp với đối tượng học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đang công tác ở các ngành, lĩnh vực khác nhau. 

Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chú trọng nâng cao trình độ, rèn luyện phong cách, trau dồi bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ giảng viên và học viên. “Dạy tốt, học tốt và rèn luyện tốt” là yêu cầu rất khác biệt của Học viện Chính trị quốc gia Chí Minh.

Học viện cần tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu, trong đó quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng theo hướng đưa vào nội dung chương trình giảng dạy một cách thiết thực, cụ thể; Tích cực, chủ động giao nhiệm vụ để ngày càng nhiều hơn cán bộ, giảng viên, học viên tham gia nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Để thực hiện có hiệu quả trọng trách được giao, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, Học viện cần quan tâm hàng đầu xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Các học viên  cần xây dựng niềm tự hào là học viên của Học viện Chính trị hàng đầu mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; tự giác nghiêm túc trong hoạt động; xây dựng cho mình động cơ học tập đúng đắn.../.

Minh Châu

Tag:

File đính kèm