Dự họp có các đồng chí thành viên Ban Tổ chức, Tổ Thư ký giúp việc Cuộc thi.
Đại biểu dự họp
Báo cáo kết quả triển khai phát động Cuộc thi và dự kiến phương hướng công tác thời gian tới, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện, Ủy viên thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: Đến hết ngày 31/7/2023, Ban Tổ chức Cuộc thi đã thu nhận được 301.365 tác phẩm dự thi ở cả 5 loại hình là tạp chí, báo, phát thanh, truyền hình và video clip, gấp gần 03 lần so với năm 2022. Nhìn chung, các đơn vị/địa phương đều tổ chức sàng lọc/chấm thi ở cơ sở để lựa chọn những sản phẩm tốt nhất gửi dự thi cấp Trung ương; một số địa phương tiến hành trao giải cấp cơ sở (như Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Sơn La, Hà Giang…).
Sau khi đối chiếu các tác phẩm trùng lặp (do nộp nhiều nơi), căn cứ thể lệ Cuộc thi, Tổ Thư ký tiếp tục kiểm tra, sàng lọc để đưa vào chấm Sơ khảo 3.155 tác phẩm đáp ứng yêu cầu về thể thức, cách thức trình bày và đúng chủ đề Cuộc thi, gồm 1.412 tác phẩm thể loại tạp chí, 1.487 tác phẩm thể loại báo, 77 tác phẩm thể loại phát thanh, 124 truyền hình và 55 video clip.
Trên cơ sở giới thiệu của các cơ quan, đơn vị và nguồn lực chuyên gia, nhà khoa học của Học viện, Giám đốc Học viện, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi đã ban hành các Quyết định thành lập Hội đồng Giám khảo Vòng sơ khảo. Ngày 07/9/2023, Hội đồng Giám khảo Vòng sơ khảo đã họp để triển khai công tác chấm thi và thảo luận, cho ý kiến về tiêu chí chấm điểm các thể loại. Từ 07/9/2023 đến 20/9/0023, Hội đồng Giám khảo tiến hành chấm thi.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi dự và chủ trì.
Từ kết quả chấm sơ khảo, Giám đốc Học viện, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi đã ban hành các Quyết định thành lập Hội đồng Giám khảo Vòng chung khảo gồm 04 Ban Giám khảo theo các thể loại:
- Tạp chí: gồm 15 thành viên, được chia thành 03 tiểu ban; mỗi tiểu ban 05 thành viên; các thành viên tiến hành chấm độc lập, điểm của tác phẩm là điểm trung bình của 05 giám khảo.
- Báo: gồm 15 thành viên, được chia thành 03 tiểu ban; mỗi tiểu ban 05 thành viên tiến hành chấm độc lập, điểm của tác phẩm là điểm trung bình của 05 giám khảo.
- Phát thanh: gồm 10 thành viên, được chia thành 02 tiểu ban; mỗi tiểu ban 05 thành viên; các thành viên họp, đánh giá từng tác phẩm, điểm của tác phẩm là điểm trung bình của 05 giám khảo.
- Truyền hình/Video clip: gồm 10 thành viên, được chia thành 02 tiểu ban; mỗi tiểu ban 05 thành viên; các thành viên họp, đánh giá từng tác phẩm, điểm của tác phẩm là điểm trung bình của 05 giám khảo.
Đồng thời với quá trình chấm, Ban Tổ chức tiến hành rà quét trùng lặp các tác phẩm đưa vào chấm Chung khảo; kết quả rà quét là một trong những căn cứ để đề xuất giải thưởng.
Đại biểu tham luận ý kiến tại cuộc họp
Đại biểu tham luận ý kiến tại cuộc họp
Đại biểu tham luận ý kiến tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu đều khẳng định thành tựu, ý nghĩa và giá trị của Cuộc thi: công tác tổ chức được triển khai chu đáo, bài bản; công tác chấm thi đảm bảo khách quan, công tâm, chính xác với tiêu chí chấm thi được đánh giá là vừa có tính định tính vừa có tính định lượng… Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kế hoạch tổ chức Cuộc thi, tham luận tại cuộc họp, các đại biểu, thành viên Hội đồng Giám khảo Vòng chung khảo cho ý kiến về thang điểm, tiêu chí và phương thức chấm phù hợp với từng thể loại.
Phát biểu tổng kết, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận và đánh giá cao những phát biểu tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm đến từ các thành viên dự họp. Đồng chí nhấn mạnh: việc có nhiều tác phẩm tham gia dự thi năm nay, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng, đã cho thấy tính lan tỏa, thu hút của Cuộc thi.
Ghi nhận những ý kiến góp ý của các thành viên dự họp, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 – đơn vị thường trực của Cuộc thi cần tiếp thu để hoàn thiện Kế hoạch tổ chức cuộc thi năm 2023 đảm bảo hiệu quả, thành công; khẳng định được giá trị, ý nghĩa và tinh thần của Cuộc thi. Trong đó, công tác chuẩn bị, tổ chức cuộc thi, công tác truyền thông phải được tiến hành chu đáo; công tác sàng lọc, đánh giá bài viết dự thi phải khách quan, công tâm, chính xác, công bằng, công khai, minh bạch.