PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (phải) chủ trì buổi tiếp và làm việc
Dự buổi tiếp và làm việc có bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; Ông Shin Umezu, Trưởng phòng Điều phối, Văn phòng Liên hợp quốc tại Việt Nam. Về phía Học viện, dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng Học viện, Vụ Quản lý đào tạo, Vụ Quản lý khoa học, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Quan hệ quốc tế, Viện Chính trị học, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công.
Thay mặt lãnh đạo Học viện, PGS,TS Dương Trung Ý chào mừng Giám đốc điều hành Viện Đào tạo và Nghiên cứu Liên hợp quốc Nikhil Seth thăm và làm việc tại Học viện.
Giới thiệu về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS,TS Dương Trung Ý cho biết, Học viện là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội Việt Nam; là trung tâm quốc gia nghiên cứu, tham mưu, tư vấn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Đại biểu dự buổi tiếp và làm việc
Thông tin về định hướng, sứ mệnh, tầm nhìn phát triển của Học viện, PGS,TS Dương Trung Ý cho biết, trong nỗ lực góp phần đóng góp vào mục tiêu “phát triển đất nước nhanh, bền vững” để đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Học viện mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc tế để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế cũng như thực tiễn phát triển của các nước để góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu tư vấn chủ trương, chính sách, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ lãnh đạo trung và cao cấp của Việt Nam.
Nhấn mạnh vị trí, vai trò, tiềm năng và những đóng góp, kinh nghiệm của UNITAR trong các hoạt động chung của Liên hợp quốc thời gian qua, PGS,TS Dương Trung Ý bày tỏ mong muốn được tăng cường hợp tác giữa Học viện và UNITAR trong thời gian tới, nhất là trong việc trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm về các chủ đề hai bên cùng quan tâm, thúc đẩy hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng năng lực quản trị, tầm nhìn chiến lược cũng như các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, trao đổi chuyên gia giữa hai bên, v.v..
Trân trọng cảm ơn PGS,TS Dương Trung Ý và cán bộ Học viện đã dành thời gian tiếp đoàn, Giám đốc điều hành UNITAR Nikhil Seth đánh giá cao vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ quản lý trung cao cấp của Việt Nam cũng như tầm nhìn thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam với thế giới của Học viện và mong muốn hai bên sớm phối hợp tổ chức các hoạt động đối thoại chung, phù hợp với đặc điểm, tình hình, bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đại biểu chụp ảnh chung
Nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa UNITAR và Học viện, Giám đốc điều hành UNITAR Nikhil Seth hoàn toàn đồng ý với những đề xuất hợp tác mà đồng chí Phó Giám đốc Học viện trao đổi, đề xuất tại buổi làm việc, những cơ hội hợp tác mà Việt Nam kỳ vọng; khẳng định UNITAR sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam nói chung và Học viện nói riêng, trên cơ sở nhu cầu của mỗi bên và trong những lĩnh vực mà UNITAR có thế mạnh, để đóng góp vì sự phát triển của Việt Nam.
Giám đốc điều hành UNITAR Nikhil Seth khẳng định, cá nhân ông rất tôn trọng việc Việt Nam sẽ đứng ra đăng cai tổ chức Diễn đàn ASEAN vì tương lai và cho biết trong tháng 9/2024, UN sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh vì tương lai nhằm thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Giám đốc điều hành UNITAR Nikhil Seth mong muốn bên cạnh những nội dung hợp tác dài hạn, hai bên cũng đẩy mạnh hơn nữa các nội dung hợp tác cụ thể và thiết thực trong ngắn hạn, trên các lĩnh vực như chuyển đổi số, phát triển bền vững.
Tại buổi tiếp và làm việc, hai bên cũng trao đổi về khả năng xây dựng Bản ghi nhớ (MOU) về các nội dung cùng quan tâm giữa hai bên; trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực trao đổi, chia sẻ tri thức, tổ chức các nghiên cứu chung mà các bên cùng quan tâm, như: sự phát triển của khoa học – công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và những tác động đến việc làm, quyền con người; bối cảnh thế giới và những tác động đến Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng tầm nhìn, năng lực quản trị, tư duy, phát triển các kỹ năng như hoạch định và thực thi chính sách, v.v..