Sign In

Huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

09:28 11/04/2023



1. Quan điểm của Đảng ta về tầm quan trọng của chính sách xã hội ở Việt Nam

 

Giải quyết vấn đề xã hội luôn là một trong những quan tâm hàng đầu của chủ nghĩa Mác - Lênin. Mục tiêu và xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại, theo C.Mác và Ph.Ăng-ghen, là hướng tới một xã hội không còn bất công, bất bình đẳng, “trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[1]. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn tất yếu của dân tộc với mục đích “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”[2]. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, cùng với nghiên cứu tổng kết các mô hình phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề xã hội trong phát triển bền vững trên thế giới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng chính sách xã hội trong xây dựng và phát triển đất nước, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị có tầm quan trọng đặc biệt qua các kỳ Đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới.


Trong bối cảnh đất nước đang vô cùng khó khăn, với tư duy đổi mới mà trọng tâm là đổi mới chính sách kinh tế, Đại hội VI vẫn khẳng định cần phải “Thực hiện công bằng xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta”[3]. Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 nhấn mạnh: “Chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”[4]. Các nhiệm kỳ Đại hội tiếp theo tiếp tục khẳng định phải thực hiện công bằng xã hội ngày một tốt hơn, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; phát triển hài hoà đời sống vật chất và đời sống tinh thần, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước; tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc[5]. Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ phải “Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội... trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội”[6]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”[7].



2. Thực trạng huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội: kết quả, hạn chế và nguyên nhân

 

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực thực hiện các chính sách xã hội. Trên cơ sở các quan điểm chủ trương của Đảng, đặc biệt những định hướng chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 trong Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách xã hội nhằm giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc và nổi bật nhất; thực hiện việc phát triển  kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách và suốt quá trình phát triển. Nhà nước ta đã cố gắng thường xuyên quan tâm và tăng cường phân bổ nguồn vốn ngân sách cho thực hiện chính sách xã hội, đồng thời chú trọng huy động từ các nguồn lực khác từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm và mọi tầng lớp nhân dân trong nước và các nguồn lực ngoài nước.


Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội[8], việc huy động nguồn tài chính trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đạt được nhiều kết quả tích cực:


Thứ nhất, Việc huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách ưu đãi người có công được triển khai tích cực theo tinh thần xã hội hóa, trong đó nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Kết quả huy động từ ngân sách nhà nước cho thực hiện chính sách ưu đãi người có công trong giai đoạn 2012-2022 đạt mức 340.165 tỷ đồng, trong đó số dự toán bố trí cho giai đoạn 2021-2022 là 66.620 tỷ đồng; kinh phí từ ngân sách nhà nước cho thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2013-2022 là 3.998,7 tỷ đồng. Huy động nguồn tài chính xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân… qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt gần 7.370 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương đạt gần 45 tỷ đồng, quỹ địa phương đạt hơn 7.320 tỷ đồng.


Kết quả huy động nguồn lực tài chính đã đảm bảo điều kiện cần thiết cho thực hiện ngày càng hiệu quả chính sách xã hội của Đảng đối với người có công: (1) đảm bảo thực hiện trợ cấp hàng tháng cho người có công và thân nhân (tính đến năm 2022 đã có trên 1,2 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng; trên 280.000 thân nhân người có công được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng với mức trợ cấp tăng dần, khoảng 40% so với năm 2012, đạt mức 1.624.000 đồng từ năm 2019). (2) đảm bảo nguồn lực tài chính cho thực hiện chế độ điều dưỡng luân phiên, hỗ trợ giáo dục, bảo hiểm y tế, nhà ở… cho người có công và thân nhân. (3) thực hiện tốt công tác tu bổ nghĩa trang, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ… (4) đảm bảo cho hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình (năm 2022 đạt mức 98,6%).


Thứ hai, huy động nguồn lực tài chính bảo đảm an sinh xã hội đã được thực hiện từ nhiều nguồn khác nhau: (1) Từ nguồn ngân sách nhà nước phân cấp giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách Trung ương là chủ yếu, ngân sách địa phương là bổ sung tùy vào điều kiện khả năng của từng địa phương. Kết quả huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012-2022 đạt khoảng 1.770.778 tỷ đồng. Trong những năm 2020-2022, nhằm kịp thời ứng phó với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đã chú trọng thực hiện nâng mức huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tỷ lệ huy động đạt mức 20% của cả giai đoạn 2012-2022, trong đó huy động nguồn lực tài chính cho chi trả lương hưu và trợ cấp hàng tháng đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước năm 1995 đạt khoảng 479.288 tỷ đồng; hỗ trợ y tế cho các nhóm đối tượng đạt mức 181.582 tỷ đồng; trợ giúp xã hội thường xuyên - 165.479 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững - 67.451 tỷ đồng. (2) Từ nguồn tín dụng đảm bảo an sinh xã hội. Trong giai đoạn 2012-2022 Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động từ ngân sách nhà nước 37.599 tỷ đồng, trong đó cho tín dụng chính sách là 7.779,2 tỷ đồng. Với hơn 20 chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phục vụ được trên 63 triệu khách hàng với tổng dư nợ đạt trên 265.000 tỷ đồng. (3) Từ nguồn tài chính xã hội hóa cho an sinh xã hội. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2021 thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, đã đã huy động được từ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nguồn lực tài chính đáng kể cho an sinh xã hội, đạt 57.318 tỷ đồng, trong đó huy động qua các hoạt động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo) các cấp từ cấp Trung ương đến cấp xã đạt trên 12.394 tỷ đồng; từ các hoạt động ủng hộ trực tiếp chương trình an sinh xã hội tại các địa phương đạt trên 44.923 tỷ đồng.


Kết quả huy động nguồn lực tài chính đã góp phần thúc đẩy thực hiện các chính sách an sinh xã hội tốt hơn trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: (1) Về thực hiện chính sách việc làm, thu nhập: trong giai đoạn 2012-2019 bình quân hàng năm giải quyết việc làm trong nước với thu nhập ổn định cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động. Trong giai đoạn 2012-2021 hỗ trợ tạo việc làm cho 1.485.155 lao động. (2) Về thực hiện chính sách giảm nghèo: tỷ lệ giảm nghèo bình quân khoảng 2%/năm; thu nhập bình quân hộ nghèo không ngừng tăng lên. (3) Về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, trong giai đoạn 2012-2020 ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho  trên 1.300 nghìn người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trên 76 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản… (4) Về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội: đã không ngừng mở rộng mức bao phủ về đối tượng và mức độ thụ hưởng …

Như vậy, việc huy động nguồn lực tài chính trong những năm qua đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện các chính sách xã hội ở Việt Nam, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh. “Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố”[9]. Những thành tựu đó đã chứng minh tính ưu việt của chính sách xã hội trong phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. “Những kết quả, thành tích đặc biệt đạt được của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”[10].


Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu kể trên, cho đến nay việc huy động các nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Trong điều kiện Việt Nam đang trong trình độ của nước thu nhập trung bình, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng bằng khoảng 3% GDP[11]; tỷ lệ đầu tư hàng năm cho an sinh xã hội mới đạt mức khoảng 4% GDP[12], trong khi trên thế giới, mức đầu tư hàng năm cho an sinh xã hội tại các nước thu nhập cao đạt khoảng 16,4%; các nước có thu nhập trung bình cao - 8% GDP [13]. Những hạn chế trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội đang cản trở việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xã hội trong phát triển bền vững đất nước. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong huy động các nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội có thể chia thành hai nhóm: thứ nhất, do trình độ phát triển kinh tế chưa cao, thứ hai, do những hạn chế về nhận thức về chính sách xã hội trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những điểm nghẽn, rào cản về thể chế, cơ chế và tổ chức thực hiện huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội.


Về nhận thức, mặc dù Đảng đã có chủ trương phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển, tuy nhiên, trong thực tiễn việc nhận thức về tầm quan trọng của chính sách xã hội vẫn chưa ngang tầm với so với đổi mới tư duy về phát triển kinh tế. Từ đó, chưa hình thành nhận thức phổ biến về trách nhiệm của toàn xã hội trong triển khai thực hiện chính sách xã hội nói chung và huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội nói riêng. Nhiều chủ thể vẫn chủ yếu theo đuổi mục tiêu kinh tế, chưa chủ động tích cực tham gia đóng góp nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội, coi đó là việc riêng của nhà nước. 


Thể chế, cơ chế về chính sách xã hội nói chung và về huy động lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội nói riêng được ban hành nhiều, được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, nhưng chưa có sự thống nhất và gắn kết với nhau, gây khó cho triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, chính sách ưu đãi đối với người có công được quy định trong  66 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 3 pháp lệnh của Quốc hội, 1 chỉ thị của Bộ Chính trị, 1 chỉ thị của Ban Bí thư, 2 nghị quyết của Chính phủ, 11 nghị định của Chính phủ, 8 quyết định của Chủ tịch nước, 2 chỉ thị và 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 28 thông tư và thông tư liên tịch của các bộ, ngành. Chính sách về việc làm, thu nhập được quy định trong 5 Luật, Bộ Luật; 82 văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.  đã ban hành gồm 10 nghị định của Chính phủ, 21 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 51 thông tư và thông tư liên tịch. Chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và 88 văn bản quy phạm pháp luật khác… Việc tổ chức thực hiện chính sách xã hội nói chung và về huy động lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội nói riêng, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong tình hình mới.


3. Định hướng giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội trong bối cảnh mới

 

Bối cảnh mới của thế giới, khu vực dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường không những do tác động của đại dịch, mà còn do những yếu tố bất ổn mới từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị, đặc biệt là xung đột Nga - Ucraina, diễn biến mới của biến đổi khí hậu, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… đang tạo ra những cơ hội, đồng thời đặt ra thách thức rất lớn đối với từng quốc gia trong phát triển kinh tế và huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội. Ở trong nước qua hơn 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của quốc gia ngày càng được nâng cao, đang tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội trong thời gian tới cũng đang gặp phải những thách thức không nhỏ từ những khó khăn đối với phát triển kinh tế, từ xu thế phát triển mới nhu cầu của xã hội, tác động của xu hướng già hóa dân số…, bên cạnh những bất cập chưa kịp khắc phục, đang nảy sinh thêm nhiều vấn đề xã hội mới, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để giải quyết.


Để đảm bảo huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội thời gian tới, ngoài nỗ lực phát triển kinh tế để gia tăng nguồn lực, cần tập trung thực hiện các giải pháp:


Thứ nhất, tiếp tục thống nhất và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của chính sách xã hội trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở khoa học cho hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội. Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chủ trương của Đảng, tiếp tục nghiên cứu làm rõ căn cứ khoa học của việc huy động hợp lý nguồn lực tài chính từ tổng thu nhập xã hội cho thực hiện các chính sách xã hội. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của chính sách xã hội, yêu cầu về nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội, đặc biệt về trách nhiệm của từng nhóm chủ thể, trước hết là các cập Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội trên phạm vi quốc gia, từng địa phương, đơn vị.


Thứ hai, Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội theo hướng đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu đảm bảo nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội toàn diện, bao trùm bền vững. Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các hình thức, phương thức huy động nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho thực hiện các chính sách xã hội, trong đó nguồn lực trong nước là quyết định. Bên cạnh việc phải tiếp tục phát huy vai trò của nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cần tăng cường thu hút hợp lý các nguồn lực từ các chủ thể khác như cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, những nhà hảo tâm và toàn dân, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội trong phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, chính quyền, sự tham gia rộng rãi, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân; tăng cường tính công khai, minh bạch và các hoạt động kiểm tra, giám sát, nêu gương trong tổ chức thực hiện huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội.


Tóm lại, huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xã hội từng bước khẳng định ưu việt của phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, cần tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các giải pháp về nâng cao nhận thức cũng như hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo tốt nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội thời gian tới./.


PGS.TS Đoàn Xuân Thủy*



* Thư ký khoa học Hội đồng lý luận Trung ương.

[1] C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Toàn tập. Nxb CTGQ-ST, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 628.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTGQ-ST, Hà Nội, 2011, Tập 13, tr.30.

[3] Đảng công sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb ST, H., tr. 45

[4] Đảng công sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H., 2007, tập 51 (6-12.1991), tr.139.

[5] Xem: Đảng công sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG, H., tr.113; (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, H., tr.102; (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H., tr.79; (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H., tr. 30.

[6] Đảng công sản Việt Nam (2021) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., tr.147-148

[7] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG ST, Hà Nội, tr.26-27

[8] Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của BCH TW Khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

[9] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG ST, Hà Nội, tr.33.

[10] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG ST, Hà Nội, tr.33.

[11] Lê Tấn Dũng (2021), Việt Nam hướng đến xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/viet-nam-huong-den-xay-dung-mot-he-thong-an-sinh-xa-hoi-ben-vung (11/3/2023)

[12] Lý Hà (2022), “Khoảng trống” an sinh xã hội: Cần nhanh chóng lấp đầy, https://vneconomy.vn/khoang-trong-an-sinh-xa-hoi-can-nhanh-chong-lap-day.htm (11/3/2023)

Tag:

File đính kèm