Trong nhiều năm qua, với tư cách là một thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu. Việt Nam luôn thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, sẵn sàng đưa ra các sáng kiến, trao đổi, hợp tác cùng các cơ quan nhân quyền trực thuộc Liên hợp quốc để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất.
Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Liên hợp quốc
Theo Hiến chương của Liên hợp quốc, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà cả sáu cơ quan chính của tổ chức liên chính phủ này đều phải đảm nhận. Trong đó, ủy ban chuyên môn của Liên hợp quốc về vấn đề này chính là Hội đồng Nhân quyền (UNHRC), tiền thân là Ủy ban Liên hợp quốc về nhân quyền (UNCHR).
UNCHR được thành lập năm 1946. Trong quá trình hoạt động, UNCHR đã có những đóng góp to lớn trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, tuy nhiên cũng bộc lộ một số hạn chế. Do đó, ngày 3/4/2006, trên cơ sở các cuộc thảo luận tại Đại hội đồng, nghị quyết về việc thành lập UNHRC (thay thế cho UNCHR) đã được thông qua.
Theo Nghị quyết của Đại hội đồng, UNHRC có những chức năng, nhiệm vụ sau: Thúc đẩy những hoạt động giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, trợ giúp kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền con người ở các quốc gia; Thúc đẩy việc thực thi đầy đủ những nghĩa vụ về quyền con người ở các quốc gia; Đóng vai trò là một diễn đàn để đối thoại về những chủ đề cụ thể về quyền con người; Thực hiện đánh giá định kỳ toàn thể việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của các quốc gia. Thông qua đối thoại và hợp tác để góp phần phòng ngừa những vi phạm quyền con người và phản ứng kịp thời với những tình huống khẩn cấp về quyền con người; Hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, các tổ chức khu vực, các cơ quan quyền con người quốc gia, các tổ chức dân sự trong những hoạt động về quyền con người; Báo cáo công tác hằng năm với Đại hội đồng.
Đến nay, UNHRC ngày một chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Để trúng cử vào UNHRC, mỗi quốc gia phải đạt những tiến bộ vượt bậc trong hoạt động bảo vệ quyền con người trong nước, đồng thời phải đóng góp, đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu.
Việt Nam đã hai lần vinh dự trúng cử, trở thành một trong 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025. Đây là kết quả cho những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người xuyên suốt nhiều năm qua; đồng thời khẳng định niềm tin, sự coi trọng của bạn bè quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy, bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong thúc đẩy quyền con người
Trên thực tế, kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc vào năm 1977, Việt Nam đã luôn chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm với công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong cộng đồng quốc tế, thông qua việc tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Cụ thể là: Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người... Tính đến năm 2022, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản.
Từ cơ sở này, Việt Nam đã từng bước tiến hành nội luật hóa và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người nhằm bảo đảm sự tương thích, phù hợp với điều kiện đặc thù của đất nước. Quốc hội đã soạn thảo, ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý về quyền con người. Trong đó, nổi bật nhất là Quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp 2013. Trong 10 năm qua, Việt Nam cũng đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người. Trong đó có một số đạo luật quan trọng như: Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật trưng cầu ý dân 2015, Luật trẻ em 2016, Luật trợ giúp pháp lý 2017, Luật an ninh mạng 2018, Bộ luật Lao động sửa đổi 2019… Đây là hành lang pháp lý quan trọng giúp Nhà nước ta nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn, chuyên trách về quyền con người cũng đã được thành lập, như Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ và các địa phương… Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách mới, quan trọng với mục tiêu để mọi người được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, đặc biệt là nỗ lực xây dựng và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền phát triển, quyền cho nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động.
Về những đóng góp cụ thể trong việc thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em, thông qua tuyên bố Nhân quyền ASEAN. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Tại hai Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 26 (ngày 31/10 đến 12/11/2021) và COP 27 (ngày 6 đến 18/11/2022) Việt Nam đã phát đi nhiều thông điệp, sáng kiến, cam kết mạnh mẽ nhằm tăng cường tính hợp tác quốc tế để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP 26, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050; không xây dựng nhà máy điện than mới từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than vào năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia Liên minh thích ứng ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020. Cam kết đó được Việt Nam tái khẳng định tại COP 27 bằng việc xây dựng, thông qua hàng loạt biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Ngày 13/9/2022, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tại Phiên họp thứ 91 của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) với những thành tựu vượt bậc trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách cũng như các biện pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao quyền trẻ em theo tinh thần của Công ước Liên hợp quốc.
Trước thảm họa động đất diễn ra ngày 6/2/2023 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Việt Nam đã ngay lập tức hỗ trợ sức người, sức của cho 2 quốc gia này. 100 chiến sĩ của Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an đã tham gia tìm kiếm các nạn nhân của vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam cũng đã hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, mỗi nước 100.000 USD cùng hàng chục tấn hàng hóa y tế và lương thực.
Đặc biệt, trong Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của UNHRC - khóa họp đầu tiên của Việt Nam trên cương vị thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025 (từ ngày 27/2 đến 4/4/2023), Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng. Cụ thể, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna. Triển khai sáng kiến này, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng Nhóm nòng cốt với thành phần đa dạng đại diện cho tất cả các khu vực trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh thương lượng, đàm phán liên quan đến dự thảo Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna. Nghị quyết đã được UNHRC thông qua ngày 3/4. Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam còn tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, thảo luận về đảm bảo các quyền cụ thể như quyền nhà ở; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền phát triển; quyền trẻ em; quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng, kịp thời, với giá cả hợp lý đối với vaccine ngừa COVID-19...
Sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam tại Khóa họp 52 của UNHRC thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị là thành viên của UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025; đồng thời truyển tải thông điệp mạnh mẽ về quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của ASEAN trong công tác thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người; qua đó góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của UNHRC phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, các công ước quốc tế về quyền con người.
Việt Nam đạt nhiều thành tựu đảm bảo quyền con người
Với hệ thống pháp luật và các thiết chế về quyền con người đồng bộ, từng bước hoàn thiện, việc thực hiện quyền con người tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực.
Về quyền dân sự, chính trị, các quyền con người đã được bảo đảm một cách chủ động trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Chẳng hạn, bảo đảm quyền sống, được quy định tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013. Pháp luật quy định trừng phạt nghiêm khắc các hành vi tước đoạt mạng sống của con người một cách tùy tiện, chỉ áp dụng án tử hình với các loại tội đặc biệt nghiêm trọng nhất. Việc bảo đảm quyền sống còn được quan tâm về khía cạnh kinh tế, xã hội thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh; thực hiện các biện pháp cứu trợ khẩn cấp đối với những vùng chịu thiệt hại nặng do thiên tai...
Về quyền kinh tế-xã hội và văn hóa, thể hiện rõ qua các chương trình, chính sách quốc gia giúp thúc đẩy việc làm, tăng thu nhập; chăm sóc y tế, sức khỏe; tham gia học tập, giáo dục; tham gia các hoạt động văn hóa. So với trước đổi mới, đặc biệt trong khoảng 20 năm trở lại đây, đời sống của nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện rõ rệt.
Về bảo đảm quyền cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, như: phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS... đã đạt được nhiều kết quả tích cực xét theo các tiêu chí: Tăng cường mức độ sẵn có của các dịch vụ; khả năng tiếp cận bình đẳng và chất lượng các dịch vụ, cơ hội; mức độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội; chi phí phù hợp... Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), số lượng nữ đại biểu Quốc hội là 151 người, chiếm 30,26% (đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay); tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội khóa XV là 89 người, chiếm 17,84%. Từ năm học 2017-2018, đã có 22 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số (715 trường); 8 ngôn ngữ của dân tộc thiểu số được đưa thành môn học...
Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến các thành tựu phát triển về con người của Việt Nam, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong số đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền tối thượng là quyền được sống của người dân. Ngoài việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam cũng rất coi trọng, chủ trương bảo đảm tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho người dân. Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính phủ đã ban hành 2 gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (năm 2021) dành cho người dân khó khăn vì đại dịch COVID-19, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho lao động bị mất việc, lao động tự do, hộ nghèo, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, các đối tượng chính sách… Trang The Diplomat đánh giá “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu”. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định: đặt sức khỏe của người dân vào trung tâm của việc ứng phó với COVID-19 là cách tiếp cận đúng đắn.
Hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đưa đất nước vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ quan điểm phát triển: "Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững"./.
Theo TTXVN