Sign In

Nhận thức và giải quyết mối quan hệ mang tính quy luật trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc

21:35 06/04/2023

Quân đội diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. Ảnh: Ngọc Thọ

 

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam. Điều đó được khẳng định và phản ánh sâu sắc trong tư duy lý luận chính trị - quân sự về cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự kế thừa và vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của ông cha ta được đúc kết, chắt lọc qua chiều dài lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Và chính nó cần được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện lịch sử mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là nhận diện nhanh với tính chính xác cao trong giải quyết mối quan hệ mang tính quy luật trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

Chúng ta đều biết rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội là phát triển bền vững, đồng bộ, toàn diện tất cả các yếu tố cấu thành hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa để thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sử dụng hiệu quả các chủ thể, lực lượng, phương tiện và tổng thể các điều kiện, biện pháp nhằm chống lại sự xâm phạm lãnh thổ, phá hoại độc lập, chủ quyền quốc gia dưới mọi hình thức để giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1982, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa được Đảng ta xác định là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, bao gồm sự thống nhất giữa bảo vệ mặt tự nhiên - lịch sử và bảo vệ mặt chính trị - xã hội, là đảm bảo cả an ninh sinh tồn và an ninh phát triển của đất nước và lợi ích quốc gia - dân tộc trong một chỉnh thể thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

 

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là mối quan hệ biện chứng khách quan, tất yếu, thống nhất, gắn bó chặt chẽ hai lĩnh vực, hai nhiệm vụ với nhau, tạo tiền đề, điều kiện cho nhau, cùng hướng tới một mục tiêu chung là bảo đảm độc lập, tự do, hạnh phúc và phát triển vỉ tiến bộ xã hội. Vì vậy, xây dựng và bảo vệ là hai thành tố, hai mặt thống nhất của một quá trình phát triển; hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, một trong các mối quan hệ lớn được Đại hội XII và XIII của Đảng khẳng định. Việc đối lập, tách rời hoặc tuyệt đối hóa một mặt nào đó trong mối quan hệ này để xem nhẹ mặt kia là dẫn đến sai lầm về nhận thức và hoạt động thực tiễn, đều phải trả giá đắt. Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu từ những năm 90 của thế kỷ XX đã chứng minh điều đó.

 

Ở Việt Nam, từ sau năm 1975 đến nay, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được Đảng ta xác định là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, quy định và ràng buộc lẫn nhau. Tuy nhiên, tùy theo bối cảnh lịch sử cụ thể và diễn biến tình hình của thời cuộc mà Đảng ta nhấn mạnh sự ưu tiên mặt này hoặc nhấn mạnh mặt kia, đặt mặt này lên trước so với mặt kia nhưng không bao giờ lơi lỏng, coi thường mặt còn lại. Trong những năm phục hồi và phát triển kinh tế sau chiến tranh, bên cạnh nhiệm vụ to lớn, mang ý nghĩa quyết định đưa nước ta vượt qua đói nghèo, lạc hậu, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, là việc Đảng ta nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, làm cho nhân dân và bộ đội có đủ cái ăn, cái mặc, nơi ở, làm việc để vừa vững tâm kiến thiết đất nước, vừa nâng cao tầm vóc, giá trị và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Và nó chỉ có được thực hiện thắng lợi khi nào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được coi trọng, đề cao và thực hiện song hành. Vì lẽ đó, Đảng ta xác định quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Quân đội và hệ thống chính trị ở nước ta. Điều đó phản ánh đúng quy luật sinh tồn, vận động, phát triển khách quan của đời sống xã hội hiện thực Việt Nam hiện đại và là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, được đúc kết, khái quát từ lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trên tinh thần vận dụng sáng tạo phép biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp thu và vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm của cha ông vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã đúc kết, khái quát thành mối quan hệ cơ bản, một quan điểm lớn và khẳng định rõ đây hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam - một trong những mối quan hệ phổ cập, phổ quát, phổ biến của cách mạng cần tiếp tục kế thừa, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc thêm nội dung và tiếp tục phát triển, đưa nó lên tầm cao mới cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

 

Nhận thức đúng và giải quyết hiệu quả mối quan hệ mang tính quy luật trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc thể hiện sinh động trong các văn kiện, tài liệu của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các bộ luật, pháp lệnh, nghị định có liên quan đến vấn đề xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và hiện thực đất nước hiện nay.

 

Dấu mốc quan trọng của sự xuất hiện mối quan hệ này là lần đầu tiên, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, Đại hội đã xác định tính phổ quát và sự cần thiết phải bảo vệ thành quả cách mạng; khôi phục và phát triển kinh tế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng chủ nghĩa xã hội và nó phải gắn với xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Điều này được rút ra từ thực tiễn phát triển đất nước sau chiến tranh, trước sự bao vây, cấm vận, phong tỏa của các thế lực thù địch đã bị cách mạng đánh đổ nhưng chưa bị tiêu diệt hẳn, vẫn còn âm mưu, thủ đoạn và lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam với hy vọng phục thù; khôi phục lại những gì chúng đã có nhưng bị cách mạng tước đoạt. Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ V, Đảng ta xác định: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với quan điểm này, từ Đại hội V, năm 1982, Đảng chính thức khẳng định chủ trương, đường lối về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong phát triển tư duy lý luận chính trị - quân sự của Đảng, được các chuyên gia gọi là Đại hội V là đại hội của hai nhiệm vụ chiến lược “xây” và “chống”, thống nhất biện chứng của quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, trên cơ sở giữ vững ổn định chính trị, từng bước thận trọng đổi mới chính trị đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh lịch sử mới. Nhất quán với chủ trương, đường lối của Đảng mà Đại hội V đã vạch ra, quân và dân ta luôn coi trọng cả hai nhiệm vụ chiến lược nhưng bắt đầu có sự phân cấp, xác định rõ hơn mức độ ưu tiên cho từng nhiệm vụ chiến lược. Theo đó, Đảng đã đã có sự điều chỉnh nhất định việc triển khai thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược để phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Điều này được thể hiện rõ nhất và hoàn toàn phù hợp, nhất quán với quan điểm của Đảng đã xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), đó là: Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, làm cho dân no, dân yên, dân tin vào Đảng, quân và dân ta không lúc nào lơi lỏng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xác định rõ bạn, thù; sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng; từng bước phá bỏ bao vây, cấm vận, phong tỏa của chủ nghĩa đế quốc; phát huy mạnh mẽ tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường; lấy sức ta để tự thân phát triển. Cùng với đó, quân đội được huy động tham gia sản xuất, phát triển kinh tế trong khuôn khổ, điều kiện cho phép, đúng pháp luật để tận dụng sức mạnh vốn có của bộ đội, góp phần tạo ra các sản phẩm hàng hóa cần thiết cho đơn vị; giảm bớt sự đóng góp của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và quân đội, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; nâng cao sức mạnh chiến đấu.

Nắm chắc xu thế vận động, phát triển của thời cuộc và điều kiện đất nước có hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta kịp thời có sự chuyển hướng chiến lược để thích ứng với điều kiện mới. Tại Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đất nước, ra sức phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và nhân dân nhưng tuyệt đối không lơi lỏng, coi thường nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Quyết định chuyển hướng này là hoàn toàn đúng đắn vì nó dựa chắc vào sự phân tích, đánh giá khách quan tình tình thế giới, khu vực, trong nước và yêu cầu đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì thế, Đảng ta xác định sự cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ tư duy kinh tế, kiên quyết phá bỏ mọi xiềng xích, các lực cản kìm hãm sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, làm cho các tiềm lực quốc gia mạnh dần lên; sớm đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu; khắc phục nạn đói “kinh niên” và lối làm ăn nhỏ, manh mún.

 

Viettel là tập đoàn viễn thông mạnh, hiệu quả trực thuộc quân đội. Ảnh: Viettel


Vì vậy, yêu cầu bức thiết, khách quan là phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, đặt sự ưu tiên giải quyết từng nhiệm vụ và cả hai nhiệm vụ như thế nào cho hiệu quả, hợp lý, phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể. Với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giữ vai trò nền tảng, quyết định đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, sự ổn định về chính trị, phát triển bền vững mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là sự tăng trưởng bền vững, kiềm chế lạm phát có ý nghĩa quyết định đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Việc xác định này có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng, đã góp phần “cởi trói”, mở đường cho lĩnh vực kinh tế phát triển nhanh hơn, nhất là việc tạo ra động lực mới để kích thích, thúc đẩy công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển, đem lại luồng sinh khí và sức sống mới cho tăng trưởng kinh tế, sự hồi sinh các doanh nghiệp và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, chế độ sở hữu.

 

Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta khẳng định: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ phát triển văn hoá với kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo ra luồng sinh khí mới đầy sức sống, lành mạnh hơn, đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là cơ sở khách quan để Đảng ta khẳng định: Trong bối cảnh tình hình mới, có nhận thức đúng và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh, chúng ta mới giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời cuộc; tránh nguy cơ tụt hậu về kinh tế và chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Ý nghĩa của luận điểm kinh tế quyết định chính trị và “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội” thể hiện khá rõ ở chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn này. Rõ ràng, phát triển kinh tế, đẩy mạnh xây dựng đất nước là điều kiện tiên quyết để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tầm quan trọng và ý nghĩa hiện thời của việc giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới luôn đặt ra yêu cầu cấp bách, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, sáng tạo. Bởi lẽ, đất nước dù có hòa bình, độc lập, tự do; mục tiêu, phương hướng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được xác định rõ ràng; mục tiêu, phương hướng, giải pháp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa đã xác định phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và bước đầu đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhưng nguy cơ đe dọa độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc vẫn còn tiềm ẩn, nhất là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Biển Tây, biên giới đất liền; đặc biệt là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cùng với âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, khủng bố từ bên ngoài, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang luôn đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, không thể xem thường.

Vì vậy, để thích ứng với yêu cầu, nhiệm vụ chuyển hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam sang giai đoạn mới, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải xác định lại cách tiếp cận, nhận thức; xây dựng, bổ sung, phát triển hệ quan điểm, làm rõ nội dung, nội hàm các khái niệm, xác định rõ hơn các phạm trù, quy luật, nguyên lý, nguyên tắc, phương châm, phương hướng giải quyết mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho phù hợp với tình hình mới. Nghĩa là, khi bài toán đã đặt lại đề thì cách giải bài toán phải khác trước đó; không thể bê nguyên xi công thức và cách giải bài toán mới như cũ, không được rập khuôn máy móc hoặc chuyển tư duy chính trị, lãnh đạo, chỉ huy về chiến tranh và bộ máy chống quân xâm lược sang phát triển kinh tế, xây dựng đất nước nếu không có sự làm mới, thay đổi căn bản. Cho nên, vấn đề nhận thức đúng quy luật xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; càng không thể xem thường, tuyệt đối không được để “sai một ly, đi một dặm”. Vì lẽ đó, Đảng ta xác định bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá của các thế lực đế quốc, phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta có ý nghĩa quyết định đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đó là lý do đầy thuyết phục đối với việc cần thiết phải phát triển nhận thức, tư duy lý luận về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là tư duy về đối tác, đối tượng; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa xét về mặt tự nhiên - lịch sử; tức là bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo, thềm lục địa, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, lịch sử quốc gia, dân tộc, mà còn phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xét về mặt chính trị - xã hội; tức là bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng; các giá trị của nền văn hóa, phẩm giá con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, v.v..

Điều này đã được Đảng ta xác định ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn trong các văn kiện, tài liệu của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX “về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” với 6 nội dung cụ thể, đó là: (1). Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; (2). Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; (3). Bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; (4). Bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc; (5). Bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; (6). Giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điểm mới về nhận thức lý luận ở đây là Đảng đã gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc một cách nhuần nhuyễn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong đó, các nội dung xây dựng đã bao hàm các nội dung bảo vệ; xây dựng cũng là bảo vệ và ngược lại; các nội dung bảo vệ đồng thời bao hàm các nội dung của xây dựng. Việc gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nội dung nhiệm vụ trong một và lấy mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng đất nước làm căn cứ để xây dựng nội dung, nội hàm các khái niệm, phương châm, phương hướng, giải pháp thực hiện hóa cả hai nhiệm vụ chiến lược là bước phát triển mới, mang tính đột phá của tư duy lý luận chính trị - quân sự, nhận thức mới của Đảng ta về mối quan hệ nêu trên.

Xuất phát từ luận điểm nền tảng này, các văn kiện của các kỳ đại hội Đảng lần thứ X và XI, đặc biệt là Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nâng cao tầm nhận thức, phát triển tư duy lý luận về giải quyết mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam theo quan điểm cơ bản nêu trên. Luận điểm: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là sự cụ thể hóa quan điểm Đại hội lần thứ IX của Đảng. Đây là cơ sở lý luận, thực tiễn sinh động để Đại hội lần thứ XII của Đảng bổ sung, cập nhật thêm yếu tố văn hoá trong sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Kết quả nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã dựa chắc vào quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận, hình thành hệ thống quan điểm đồng bộ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm của cách mạng Việt Nam; đặc biệt là qua thực tiễn Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước. Nhờ đó, nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 37 năm thực hiện hóa đường lối đổi mới đất nước của Đảng, là tiền đề rất quan trọng để xây dựng quốc gia hùng cường, thịnh vượng; phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào năm 2045, khi nhân dân ta chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Nước (1945-2045).

Từ sự phân tích trên có thể thấy rằng nội dung và phương pháp giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa không phải là nhất thành bất biến, mà có tính lịch sử, cụ thể và được xác định một cách khách quan, phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể của cách mạng, gắn với từng nhiệm vụ cụ thể mà Đảng đã xác định. Cùng với đó, giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhất thiết phải đặt trong tổng thể và không tách rời các mối quan hệ lớn khác: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Cùng với đó, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sát với diễn biến của tình hình thế giới, khu vực và trong nước với các sự kiện chính trị, quân sự phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó dự báo, có thể tác động, ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina và sự chi phối của nó đối với các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam; gắn với yêu cầu, nhiệm vụ giải quyết kịp thời, hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa phát triển bền vững trong xây dựng chủ nghĩa xã hội với bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xagiải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ về quốc phòng, an ninh với chủ động tham gia toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế và hội nhập về quốc phòng, an ninh; gắn liền với việc nhận thức đúng và xử lý hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa đối tác và đối tượng, giữa hợp tác và đấu tranh, giữa chiến tranh và hòa bình trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina đang đặt ra cho Việt Nam hiện nay.

 

Rõ ràng là, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong những mối quan hệ cơ bản, lớn nhất và có tính chất bao trùm, xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Đồng thời, là sự biểu hiện sâu sắc tư duy mới của Đảng ta về quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Đó là mối quan hệ chiến lược, chi phối mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cần nhận thức đúng và giải quyết hiệu quả trong tình hình mới; là cơ sở lý luận và thực tiễn phong phú, sinh động để khẳng định con đường tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; lấy phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

 

Vì lẽ đó, trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đồng thời, phải tiến hành đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thời cuộc hiện nay. Có thể khẳng định rằng, bất kỳ ở đâu và lĩnh vực nào của đời sống xã hội nếu có hoạt động xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội thì ở đó có hoạt động bảo vệ và ngược lại, nếu ở đâu và lĩnh vực nào có hoạt động bảo vệ thì ở đó có hoạt động xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề có tính quy luật, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc và vận dụng sao cho hiệu quả, hợp lý, nhất là trong bối cảnh tình hình nước ta và thế giới đa dạng, phức tạp hiện nay.

 

Thiếu tướng NGUYỄN BÁ DƯƠNG

Nguyên Viện trưởng Viện KHXHNVQS Bộ Quốc phòng

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Học viện Chính trị: Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới, Đề tài khoa học cấp nhà nước, GS Trần Xuân Trường làm Chủ nhiệm đề tài; Lưu trữ TV/HVCT-1992.

- Bế Xuân Trường, Nguyễn Bá Dương: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nxb CTQG, Hà Nội, 2013.

- Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Văn Quang: Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2014.

- Nguyễn Bá Dương (Chủ biên): Mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Từ lý luận đến thực tiễn, Nxb QĐND, Hà Nội, 2017.

Tag:

File đính kèm