Ảnh minh họa
Chính sách xã hội là lĩnh vực nghiên cứu khoa học, xây dựng và thực thi chính sách nhằm đảm bảo phúc lợi xã hội, bảo trợ xã hội, phát triển xã hội và phát triển con người. Mục tiêu cơ bản của chính sách xã hội là bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân. Chính sách xã hội bao trùm trên mọi mặt của đời sống con người, như: điều kiện lao động, sinh hoạt, giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe… và luôn gắn chặt, phụ thuộc rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế, bản chất chính trị - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Đảng ta khẳng định: “Chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước” (1) Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội”.
1. Một số kinh nghiệm huy động nguồn lực tài chính trong thực hiện chính sách xã hội ở một số nước trên thế giới
Việc thực hiện các chính sách xã hội là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi một công dân. Để thực hiện chính sách xã hội việc huy động các nguồn lực trong đó có nguồn lực tài chính là đặc biệt quan trọng, đóng vai trò quyết định. Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có phương pháp huy động nguồn lực tài chính riêng. Sự huy động tài chính đến từ nhiều nguồn khác nhau. Chính phủ các quốc gia có thể hỗ trợ bảo trợ xã hội thông qua chính sách kinh tế vĩ mô, chi tiêu, chính sách thuế và quy định riêng biệt. Thông qua việc phân tích các bài viết quốc tế về các chủ đề “tài chính và chính sách xã hội”; “Huy động nguồn lực tài chính trong xây dựng chính sách xã hội” cho thấy: Kinh nghiệm huy động vốn từ các nước trên thế giới rất đa dạng không theo bất kỳ mô hình nào. Tuy vậy, các nước thành công trong chính sách này đều tuân thủ những quy luật kinh tế cơ bản, tận dụng tối đa các lợi thế so sánh của mỗi nước và tính đến một cách cặn kẽ điều kiện tự nhiên, địa lý, các nguồn lực tự nhiên cũng như các phong tục tập quán riêng. Sau đây là một số phương pháp huy động nguồn lực tài chính trong việc xây dựng và thực hiện chính sách xã hội từ các nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc:
Thứ nhất, nguồn phân bổ từ thuế theo luật pháp và theo kế hoạch là nguồn lực tài chính quan trọng trong thực hiện chính sách xã hội
Thuế là một khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và các cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung. So với các nước đang phát triển, các nước phát triển Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật đã xây dựng được hệ thống thuế khá ổn định và minh bạch. Các nước phát triển trên thế giới đều sử dụng thuế như một công cụ để thực hiện chính sách xã hội bởi lẽ: Thứ nhất, thuế cung cấp nền tảng tài chính dài hạn cho sự phát triển bền vững. Thuế là huyết mạch của các dịch vụ nhà nước. Thứ hai, thuế quan quan trọng đối với việc xây dựng nhà nước hiệu quả thông qua việc trao đổi, thương lượng giữa Chính phủ và người nộp thuế một cách dân chủ, thông qua việc nộp thuế, người dân muốn Chính phủ phải phản ứng nhanh, cam kết thực hiện các chính sách xã hội mang lại quyền lợi, lợi ích cho nhân dân và nhà nước cũng phải có trách nhiệm giải trình với những chính sách xã hội thực hiện chưa tốt với nhân dân. Tại các nước phát triển, việc tăng thuế cũng là hoạt động rất phổ biến. Chúng ta không nên tranh luận việc tăng thuế là tốt hay không tốt trong quá trình thực hiện chính sách xã hội song điều chúng ta cần quan tâm là tăng thuế như thế nào? Tăng từ ai và sự minh bạch trong việc tăng thuế. Sự minh bạch trong việc thu thuế, tăng thuế tại các nước phát triển là điều kiện kiên quyết để tạo ra việc thực hiện chính sách xã hội hiệu quả. Thứ ba, thuế kết hợp với tăng trưởng kinh tế là liều thuốc “giải độc” cho sự phụ thuộc lâu dài vào các khoản tài trợ, viện trợ. Khi nguồn thu từ thuế tương đối ổn định, các nước phát triển sẽ không còn phải phụ thuộc nhiều vào các khoản viện trợ từ bên ngoài trong quá trình thực hiện chính sách xã hội. Họ sẽ hoàn toàn chủ động trong tài chính và tránh phụ thuộc, ảnh hưởng từ các tổ chức cung cấp tài chính trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách xã hội. Hiện nay, các nước đang phát triển đang trong quá trình điều chỉnh thuế, phúc lợi để thực hiện các chinh sách xã hội. Trong quá trình điều chỉnh này, các nước đang phát triển phải đối mặt với thách thức lớn như họ phải đối mặt với sự khác biệt lớn giữa phương tiện và mục đích; đầu tư và chuyển giao. Cụ thể hơn là nguồn thu thuế hạn chế và năng lực quản lý thuế trong thực hiện chính sách xã hội còn rất hạn chế.
Ortiz và cộng sự (2015) khuyến nghị đánh thuế các giao dịch trong lĩnh vực tài chính vì nó có tính lũy tiến cao. Các ưu điểm khác là tương đối dễ giám sát vì các tổ chức đã lưu giữ hồ sơ và nó cho phép kiểm tra chéo để kiểm soát tài khóa (ibid). Asher và Bali (2014) đề xuất xem xét kiều hối như một nguồn cho đầu tư xã hội. Ở Bôlivia, doanh thu dầu khí nhận được từ chính phủ đã thay đổi từ 18% thành 50% vào năm 2006 (Ortiz và cộng sự, 2015). Doanh thu tăng cho phép mở rộng xã hội các chính sách như lương hưu không đóng góp (UNDP, 2011) và hỗ trợ tiền mặt cho trẻ em đi học. Các tổ chức xã hội dân sự thực hiện giám sát các khoản nộp của công ty cho Nhà nước và quản lý nguồn thu liên quan ở cấp quốc gia và địa phương (Thành thị, 2016a).
Thứ hai, gắn nguồn lực tài chính Nhà nước đảm bảo cho việc thực hiện chính sách xã hội với chính sách phát triển kinh tế, coi đầu tư vào một số lĩnh vực xã hội là đầu tư ổn định và phát triển kinh tế
Các quốc gia ban hành các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ việc thực hiện chính sách xã hội. Chính sách kinh tế vĩ mô đảm bảo tăng trưởng bền vững và ổn định tài chính giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện chính sách xã hội. Việc thực hiện chính sách xã hội hiệu quả cũng có thể giúp đạt được mục tiêu kinh tế vĩ mô bằng cách đóng góp cho một nền kinh tế thích ứng với bối cảnh trong và ngoài nước. Chính sách kinh tế vĩ mô ngăn ngừa khủng hoảng và giảm thiểu tác động của các khủng hoảng đối với những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. Ổn định kinh tế vĩ mô tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, giúp cho tăng trưởng hợp lý, kiểm soát lạm phát; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm; nâng cao năng lực tự chủ, tự cường và khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Việc ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc ban hành các chính sách, pháp luật. Các quốc gia phát triển đã đẩy mạnh cải cách cơ chế, thể chế tài chính, áp dụng hệ thống đấu giá thay cho bảo lãnh bắt buộc trên thị trường sơ cấp, cùng với đó phát triển thị trường trái phiếu kho bạc kỳ hạn và thị trường mua lại trái phiếu chính phủ… Chính phủ các quốc gia đã kiểm soát và đặt ra những yêu cầu pháp lý bắt buộc đối với hầu hết các tổ chức tài chính hoạt động trên thị trường vốn.
Thứ ba, Nhà nước thông qua việc huy động từ các doanh nghiệp, tập đoàn; các hộ gia đình, hệ thống ngân hàng; thị trường chứng khoán cũng là một trong những nguồn lực trong việc xây dựng và thực hiện chính sách xã hội ở các nước phát triển
Thông qua việc huy động các nguồn lực này, Nhà nước có một khoản kinh phí để xây dựng chính sách xã hội phục vụ cho lợi ích chính của các chủ thể cung cấp tài chính, tạo ra một hệ thống chính sách có lợi cho một nhóm xã hội có thế mạnh trong xã hội.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, hiện nay trên thế giới các nguồn vốn chủ yếu để đáp ứng việc thực hiện chính sách xã hội như đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn huy động trong nước qua hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp, phát hành trái phiếu…; và vốn huy động nước ngoài như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các khoản vay quốc tế, phát hành trái phiếu quốc tế... Chính phủ chỉ đóng vai trò ban hành các cơ chế, chính sách để duy trì môi trường đầu tư thuận lợi, tạo điều kiện và khuyến khích nhiều thành phần trong xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Thứ tư, huy động vốn trên thị trường chứng khoán là một nguồn lực tài chính trong việc thực hiện chính sách xã hội
Thị trường chứng khoán ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong sự phát triển của nền kinh tế và xã hội ở mỗi quốc gia. Đây là nơi giúp Chính phủ và các doanh nghiệp thu hút luồng vốn lớn dài hạn cho nền kinh tế quốc dân, đồng thời giúp công chúng có thêm cơ hội đầu tư. Một trong những ví dụ nổi bật là Hàn Quốc với những thành công thu được từ việc thành lập thị trường chứng khoán trong nước trong thập niên 1950, để huy động vốn phục vụ công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Đến nay, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã trở thành một trong những thị trường chứng khoán hàng đầu châu Á và thế giới. Để đạt được những thành tựu như trên, Hàn Quốc đã thực hiện cải cách thị trường vốn mạnh mẽ thông qua việc ban hành Luật các thị trường vốn và dịch vụ đầu tư tài chính (FSCMA) để hợp nhất các văn bản luật điều chỉnh thị trường vào năm 2007, có hiệu lực năm 2009; bảo hộ nhà đầu tư; tăng cường giám sát thị trường vốn. Năm 2007, thị trường vốn của Hàn Quốc mất cân bằng nghiêm trọng, do chức năng môi giới tài chính kém phát triển. Sự tăng trưởng thiếu bền vững và hoàn thiện của ngành Tài chính trong thị trường vốn đã ngày càng làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng giữa ngành đầu tư tài chính trực tiếp và gián tiếp. Ngoài ra, hệ thống quản lý khác nhau đã tách rời kiểm soát các hoạt động chứng khoán, quyền chọn và kinh doanh quản lý tài sản đã tạo ra các rào cản cho sự cải tiến dịch vụ và sản phẩm. Trước tình hình trên, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật FSCMA năm 2007, có hiệu lực năm 2009, nhằm đẩy mạnh hơn nữa thị trường vốn của Hàn Quốc. Việc ban hành luật này được coi là mang tính cách mạng của quá trình cải cách nhằm phát triển hơn nữa thị trường vốn của Hàn Quốc. Nhờ có sự hoàn thiện trong hệ thống quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính này, thị trường vốn Hàn Quốc đã có những chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành công.
Thứ năm, huy động từ các khoản tài trợ, viện trợ là nguồn lực tài chính quan trọng trong việc thực hiện chính sách xã hội
Trong quá trình thực hiện chính sách xã hội, các khoản tài trợ, viện trợ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chính sách xã hội bao gồm có việc chi trả cho bảo trợ xã hội và thiết lập các ưu tiên cho chính sách (Smith và Subbarao, 2003). Các tập đoàn, hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế… là những đơn vị cung cấp các khoản tài trợ, viện trợ cho Nhà nước thực hiện các chính sách xã hội. Các tổ chức tài trợ, viện trợ trong việc xây dựng chính sách xã hội thông qua hoạt động “vận động hành lang”. Các tổ chức trên khi tham gia thực hiện chính sách xã hội là các tổ chức tự quản, độc lập và minh bạch, không bị phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và các nhóm lợi ích khác; là tổ chức đa phương toàn cầu nên dễ dàng huy động và kết nối mạng lưới các chuyên gia ở nhiều quốc gia trên thế giới trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội. Vận động hành lang là một trong những hoạt động cần chi trả rất lớn, thường rất tốn kém vì phải chi trả cho hoạt động điều tra, thu thập thông tin và các hoạt động gây ảnh hưởng. Như ở Hoa Kỳ, chi phí vận động hành lang chính quyền bang New York trung bình hằng năm lên tới 200 triệu USD. Trong số các cá nhân, tổ chức đăng ký vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ, có khoảng 72% là đại diện cho các tổ chức hiệp hội kinh tế, 8% đại diện cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, 5% đại diện cho các nhóm bảo vệ quyền dân sự, phúc lợi xã hội, 2% đại diện cho người nghèo và 1% đại diện cho những nhóm yếu thế trong xã hội như người già, người khuyết tật. Rõ ràng, với số lượng áp đảo, những người đại diện cho quyền lợi của các tổ chức làm kinh tế sẽ dễ dàng đạt được kết quả có lợi cho họ trong quá trình vận động hành lang - hay còn gọi là nhóm lợi ích thân hữu (state capture). Ở Canada, giới doanh nhân nước này cũng đã dành thời gian và tiền bạc rất lớn cho việc vận động thông qua các chính sách có lợi cho mình.
Việc kêu gọi sự ủng hộ của các chính phủ và tổ chức quốc tế hỗ trợ xây dựng và thực hiện chính sách cũng là hoạt động phổ biến thông qua hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Tuy nhiên, đây là biện pháp huy động tài chính cần phải được kiểm duyệt chặt chẽ trước những âm mưu, động cơ chính trị không tốt.
2. Giải pháp huy động nguồn lực tài chính trong việc thực hiện chính sách xã hội cho Việt Nam
Thứ nhất, về huy động nguồn lực tài chính nhà nước: Tập trung hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí; phát triển thị trường trái phiếu chính phủ; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ODA; nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực từ tài sản công, từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, qua đó góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách xã hội.
Thứ hai, về huy động nguồn lực tài chính ngoài nhà nước: Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách “xã hội hóa” đầu tư trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao; hoàn thiện và điều chỉnh chính sách thu hút vốn FDI vào khu vực công nghiệp chế biến, lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực có khả năng tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế trên cơ sở đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường; rà soát và tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính để khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công và trong đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thứ ba, về phân bổ nguồn lực tài chính nhà nước: Để đảm bảo hiệu quả tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và đảm bảo các mục tiêu của Chiến lược tài chính, tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước trong thời gian tới cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp: Nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước; thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công gắn với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, đảm bảo bổ nguồn lực tài chính nhà nước đúng hướng, đúng mục tiêu.
Thứ tư, về phân bổ nguồn lực tài chính ngoài nhà nước: Để phân bổ nguồn lực tài chính ngoài nhà nước đạt hiệu quả cao, thì công tác hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cần được ưu tiên hàng đầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho phát triển kinh tế.
Thứ năm, cần có cơ chế chính sách giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và khuyến khích phát triển có chọn lọc kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là phát triển thị trường tài chính, đưa thị trường này sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo cho phát triển kinh tế. Các nhóm giải pháp chủ đạo gồm: Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững; nâng cao chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển đồng bộ thị trường tài chính...
Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả huy động, phân bổ và giám sát nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, cũng cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thúc đẩy sự phát triển của các yếu tố tiền đề là khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng./.
TS. Nguyễn Tiến Hoàng*
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2. Ortiz và cộng sự (2015), tài chính và chính sách xã hội, Sage publication.
3. Katja (2009), Mobilizing Resources for Social Development, https://link.springer.com/book/10.1057/9780230244337.
4. ILO (2018), Social Finance and Public Policy,
5. https://www.ilo.org/empent/areas/social-finance/WCMS_206187/lang--en/index.htm.
* Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.