Với thế hệ sinh từ năm 2000 trở lại đây, việc sử dụng điện thoại, máy tính bảng, máy tính kết nối internet ngày càng trở nên thiết yếu. Sử dụng internet hợp lý mang đến nhiều lợi ích, đặc biệt khi các em được tiếp cận với thông tin, kiến thức một cách trực quan, sinh động. Tuy nhiên, đi kèm với đó là gia tăng rủi ro và nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng. Đồng hành và trang bị kỹ năng số là giải pháp hữu hiệu cần được thực hiện đồng thời để trẻ em được hưởng lợi ích nhưng cũng chủ động phòng, tránh được rủi ro khi sử dụng internet
Internet là thiết yếu
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm 24,5% dân số, trong đó 2/3 các em có thể tiếp cận thiết bị kết nối internet. 93% trẻ trong độ tuổi từ 14-15 tuổi và 82% trẻ 12-13 tuổi dùng internet hàng ngày, đáp ứng các nhu cầu hàng ngày như học tập, giải trí, kết bạn, chia sẻ thông tin…
Tiến sỹ Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành công chia sẻ: Bước vào kỷ nguyên số, các thiết bị thông minh và internet trở thành hai yếu tố thiếu yếu với cuộc sống hàng ngày của mọi người. Với trẻ em, internet giúp tăng kết nối, tương tác và nhiều cơ hội học tập, đặc biệt với trẻ em vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, đây không chỉ là công cụ học mà còn là phương tiện giải trí được trẻ em yêu thích hơn nhiều loại đồ chơi khác. Tuy nhiên, cũng phải nói đến những hệ lụy internet mang đến cho trẻ em càng rõ nét.
Theo khảo sát nhiều cha mẹ về sự an toàn trên mạng do Google thực hiện trong năm 2022, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi, trong khi mức bình quân trên thế giới là 13. Một khảo sát khác của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nhiều trẻ em sử dụng thiết bị để vào mạng xã hội từ 5-7 giờ mỗi ngày. Chia sẻ tại Hội thảo về Môi trường internet an toàn về kết quả khảo sát sau dịch COVID-19, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho biết: Độ tuổi trẻ em sử dụng internet đang giảm xuống ở 6 - 7 tuổi và có 87% trẻ em từ 12- 17 tuổi sử dụng internet ít nhất 1 lần/ngày. Đáng lo ngại, có tới 40% trẻ em cảm thấy không an toàn và có hơn 70% trẻ em đã từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet…
Theo điều tra các hộ gia đình trong diện nghiên cứu của dự án “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam” khoảng 87% trẻ em từ 12-17 tuổi sử dụng internet hàng ngày nhưng chỉ có 36% trẻ cho biết được tiếp cận về cách đảm bảo an toàn thông tin trên mạng.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo: Việc trẻ em sử dụng thiết bị di động có kết nối internet mang đến rất nhiều lợi ích, tuy nhiên, khi tiếp xúc sớm, thời gian tiếp xúc dài sẽ khiến não bộ của trẻ bị tổn thương, trẻ mất đi nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế. Đặc biệt, từ hành vi, thói quen sử dụng internet, trẻ em bị phụ thuộc vào các thiết bị thông minh có kết nối mạng, bị nghiện những trò chơi và giải trí trên mạng, từ đó dẫn đến nhiều hậu quả mà báo chí và các phương truyền thông đã đăng tải thông tin. Làm thế nào để giúp trẻ em tận dụng được những lợi ích và tránh được các hệ lụy từ mạng internet là điều các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội quan tâm.
Trang bị kỹ năng số
Trao đổi về cách thức giúp trẻ tận dụng được thông tin hữu ích đồng thời phòng tránh được nội dung độc hại trên mạng internet, ông Bùi Lê Chí Bảo, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ giáo dục Selfomy khẳng định: Cha mẹ cần trở thành người bạn, người đồng hành cùng con trong quá trình trẻ tiếp xúc với mạng xã hội.
Khi trẻ con nhỏ, lần đầu tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng có kết nối internet, cha mẹ cần theo kèm, hướng dẫn trẻ những ứng dụng được và không được sử dụng. Cần đặt ra nguyên tắc với trẻ khi sử dụng điện thoại như tư thế ngồi, thời gian, chương trình được xem. Nếu cha mẹ ít kinh nghiệm sử dụng internet hoặc ít thời gian cùng con trên mạng có thể chọn các đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ, trang bị kỹ năng cho trẻ hoặc chọn những khóa học hợp lý với quan điểm dạy trẻ dùng mạng internet vào việc hữu ích để chống lại việc những điều xấu, độc trên mạng. “Không nên ngăn cấm trẻ sử dụng thiết bị thông minh mà nên đem đến nhiều hơn nữa những giải pháp, cách tiếp cận các thông tin hữu ích trên mạng” là lời khuyên của ông Bùi Lê Chí Bảo.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) chia sẻ: Cha mẹ cần đồng hành, giúp trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, dựa trên 6 nguyên tắc: Tôn trọng và công nhận trẻ có quyền tiếp cận và sử dụng internet; bắt đầu đồng hành cùng trẻ sử dụng internet an toàn càng sớm càng tốt; tôn trọng quyền riêng tư, quyền tham gia của trẻ; hiểu tâm lý và sự phát triển của trẻ để đồng hành cho phù hợp; hướng dẫn trẻ tiếp cận sự hỗ trợ khi cần thiết; sẵn sàng có mặt trợ giúp khi trẻ cần.
Ngoài cha mẹ, người lớn trong gia đình đồng hành, hiện nay, tại trường học và các cơ sở giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ em cũng rất chú trọng việc trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn mạng cho trẻ. Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin cho biết: Trẻ em dễ mắc vào các nguy cơ trên mạng xã hội trong khoảng thời gian 4 năm, từ lúc các em 9 đến 13 tuổi. Do đó, để giúp học sinh có thêm kỹ năng về an toàn thông tin, Cục An toàn thông tin đã phối hợp với các trường và nhiều đơn vị tổ chức cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin. Thông qua cuộc thi sẽ góp phần cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn, hiệu quả cho học sinh, phụ huynh học sinh trên cả nước. Đây cũng là một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Cục An toàn thông tin là đơn vị điều phối kết hợp với nhiều đơn vị mới đây đã ra mắt website tại địa chỉ https://vn-cop.vn với nhiều tính năng góp phần bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Trên đó, với những ô tính năng như “Tài liệu” là nơi cung cấp các ấn phẩm truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các ô tính năng như "Hỏi đáp", "Bày tỏ nguyện vọng" là nơi trẻ em và người sử dụng đặt câu hỏi, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mới đây, Cục An toàn thông tin thử nghiệm tính năng “Công cụ” và “Báo cáo xâm hại” để hỗ trợ người dùng kiểm tra các đường dẫn không an toàn. Mọi người có thể nhập đường link của trang rồi gửi yêu cầu kiểm tra website an toàn cho trẻ em hoặc báo cáo xâm hại khi phát hiện các trường hợp xâm hại trẻ, hay hành vi bạo hành, quấy rối, lừa đảo, bắt nạt trẻ em… đến cơ quan chức năng.
Để bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, trẻ em cần được học, tiếp cận công nghệ số hợp lý và phải được trang bị kỹ năng số để tạo đề kháng, tăng khả năng tự ứng phó hợp lý với những rủi ro trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, sự đồng hành của gia đình, định hướng của nhà trường, hỗ trợ công nghệ từ các tập đoàn và quản lý của các cơ quan chức năng sẽ giúp tạo ra một môi trường mạng lành mạnh hơn để trẻ em học tập và phát triển./.
Ngọc Bích (TTXVN)