I. Nhận thức về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong quá trình đổi mới, nhận thức và thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, cơ chế thị trường với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.
1. Trong một thời gian dài trước đây, nước ta (cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác trước đây) với quan niệm chủ nghĩa xã hội sai lệch, giáo điều, đã có nhận thức không đúng về bản chất của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường và mối quan hệ với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã cho rằng kinh tế thị trường là sản phẩm đặc trưng bản chất của chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế thị trường là phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa; kinh tế thị trường không dung hợp với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Cơ chế phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa phải là cơ chế kế hoạch hoá tập trung - bao cấp cao độ.
Quá trình thực hiện đường lối Đổi mới đã mang lại cho chúng ta những nhận thức mới cả về lý luận và thực tiễn về bản chất kinh tế thị trường và mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường, với sản xuất hàng hoá, đến Đại hội VIII, Đảng ta đã nêu rõ: “Sản xuất hàng hoá không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng”[1]. Đến Đại hội IX, Đảng ta đã tiến lên một bước cao hơn, khẳng định: “Mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[2]. Đến Đại hội X, Đảng ta đã chỉ rõ hơn bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Kinh tế thị trường là sản phẩm của nền văn minh nhân loại phát triển tới trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng tự nó không đồng nghĩa với tư bản chủ nghĩa”. Chúng ta cần phải sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới góc độ thể chế, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa “Đó là nền kinh tế trong đó các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường được tự giác tạo lập và sử dụng để giải phóng triệt để sức sản xuất, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”[3]. Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng tiếp tục khảng định quan điểm này.
2. Có thể nói rằng từ chỗ coi kinh tế thị trường là sản phẩm bản chất của chủ nghĩa tư bản, không dung hợp với chủ nghĩa xã hội, tiến lên coi kinh tế thị trường không phải là sản phẩm bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể vận dụng và phát triển kinh tế thị trường, cao hơn nữa coi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là một bước ngoặt có tính lịch sử cả về lý luận và thực tiễn của Đảng ta, của đất nước ta, được thể hiện khái quát một số nội dung quan trọng sau đây:
i). Kinh tế thị trường không phải là sản phẩm bản chất - đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể và cần thiết vận dụng và phát triển kinh tế thị trường.
ii). Kinh tế thị trường có những mặt mạnh, tích cực cơ bản; đồng thời có những mặt hạn chế, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển; các mặt tích cực và tiêu cực tác động khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau; trong kinh tế khác với trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội; trong giáo dục khác với trong trong khoa học công nghệ, trong y tế… Việc vận dụng đúng đắn, có hiệu quả là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi nhà nước.
iii). Mỗi nước, mỗi thể chế kinh tế - chính trị - xã hội, tuỳ theo điều kiện cụ thể lại vận dụng, phát triển kinh tế thị trường với những nội dung, hình thức, qui mô, cấp độ khác nhau.
iv). Tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải chỉ thể hiện ở phương diện chính sách xã hội, lại càng không phải chỉ là sự bao cấp xã hội, mà tính định hướng xã hội chủ nghĩa phải được thể hiện đồng bộ ở ba phương diện: xây dựng cơ chế phát triển để giải phóng triệt để sức sản xuất nhiều thành phần; hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, dân giàu, nước mạnh; thực hiện tốt các mục tiêu về phát triển con người, các chính sách xã hội, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Như vậy, nếu thể chế không đảm bảo được sự phát triển mạnh mẽ để mang lại được lợi ích mọi mặt thiết thực ngày càng cao cho nhân dân, để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn như nêu trên, thì không thể nói là tính định hướng xã hội chủ nghĩa được hiện thực hóa, đảm bảo và phát triển cao hơn, đầy đủ hơn.
v). Mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, cơ chế thị trường và tính định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là mối quan hệ “kết hợp”, “dung hợp” một cách đơn giản, chủ quan duy ý chí, máy móc các giá trị kinh tế (thị trường) và các giá trị xã hội (định hướng XHCN) trong quá trình phát triển. Ở đây là mối quan hệ hữu cơ tạo nên một thể chế - cơ chế mới, với bản chất và động lực mới cho sự phát triển khách quan. Trong đó, những mặt mạnh, những mặt tích cực của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường có tác động cùng chiều, làm tăng thêm sức mạnh phát triển các giá trị tốt đẹp. Ngược lại, những mặt bất cập, hạn chế của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường lại có tác động tiêu cực, làm yếu đi sự phát triển các giá trị tốt đẹp, phải được hạn chế. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phải hoàn thiện thể chế - cơ chế phát huy cao những mặt mạnh, tích cực của cả thị trường và nhà nước; đồng thời hạn chế, triệt tiêu những tác động tiêu cực, những “thất bại” của cả thị trường và nhà nước phù hợp và hiệu quả đối với sự phát triển chung của cả nước cũng như đối với từng lĩnh vực. Như vậy, cả lý luận và thực tiễn cho thấy rằng không phải cứ phát triển KTTT là chệch hướng XHCN - coi đó như “tội đồ” của mọi yếu kém và tiêu cực; mà chính việc hiểu, sử dụng, vận dụng, phát triển KTTT không đúng, không phù hợp, kém hiệu quả (gắn với những nhận thức giáo điều, phi thực tế về chủ nghĩa xã hội, về thời kỳ quá độ) mới là nhân tố tác động làm chệch hướng thực hiện các mục tiêu tốt đẹp phát triển theo định hướng XHCN.
3. Trong văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng đã nêu lên những nhận thức cơ bản về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, trong đó chỉ ra: Là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhằm mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh[4]. Điều đó cho thấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là giá trị bao trùm - cốt lõi của phát triển định hướng XHCN, trong đó phát triển nền kinh tế thị trường phải vận hành theo những quy luật - giá trị khách quan của kinh tế thị trường chung của nhân loại, đồng thời “tích hợp” với những giá trị đặc thù tốt đẹp của Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển để hướng tới mục tiêu bao trùm đó.
II. Nhận thức về xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ pháp quyền
1. Cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về xây dựng thể chế chính trị dân chủ pháp quyền: Xây dựng thể chế chính trị dân chủ pháp quyền là xây dựng thể chế chính trị đồng bộ về Nhà nước dân chủ pháp quyền - xã hội dân chủ pháp quyền - và công dân (con người) dân chủ pháp quyền. Trong xây dựng thể chế chính trị dân chủ pháp quyền, xây dựng Nhà nước dân chủ pháp quyền đóng vai trò trung tâm.
2. Ở nước ta, tư tưởng về nhà nước pháp quyền được Hồ Chí Minh đề cập từ những năm 20 của thế kỷ trước, khi Người đề cập “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” trong bài “Việt Nam yêu cầu ca”[5]. Tuy nhiên, đến Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng ta, lần đầu tiên thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân” mới chính thức được đưa vào Văn kiện. Đến Hiến pháp 2013 mới chính thức hiến định việc xây dựng Nhà nước PQXHCN Việt Nam.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vừa thể hiện các giá trị phổ quát của nhà nước pháp quyền - thành tựu của nhân loại, vừa thể hiện bản sắc, đặc điểm riêng của Việt Nam được xác định đây là một trong tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng. Trong Nhà nước pháp quyền, cơ quan công quyền và công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, quan hệ đồng trách nhiệm; các quyền tự do, dân chủ và lợi ích chính đáng của con người được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng pháp luật. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”.
3. Đã xác định rõ hơn bản chất của NNPQXHCN Việt Nam là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật”, “được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng lãnh đạo”.
4. Đại hội XI của Đảng đã xác định: “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Đồng thời đã nhận thức rõ hơn một chức năng quan trọng của Nhà nước pháp quyền là phải kiểm soát được quyền lực nhà nước. Những nội dung về xây dựng nhà nước được hiến định trong Hiến pháp 2013 đã thể hiện những bước tiến quan trọng của Đảng về quan điểm, nhận thức về xây dựng NNPQXHCN. Các nghị quyết Trung ương khóa XI, XII, XIII đã nhận thức và xác định rõ hơn các nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền:
i) - Xây dựng, hoàn thiện NNPQXHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới HTCT; phải tiến hành xây dựng đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp; đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả;
ii) - Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp 2013, đáp ứng đòi hỏi sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
iii) - Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước. Quản lý đất nước theo pháp luật, “sống và làm việc theo pháp luật”;
iv) - Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền. Đồng thời quy định rõ hơn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền. Tiếp tục phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương;
v) - Phân định rõ hơn vai trò và hoàn thiện cơ chế giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững;
vi) - Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.
Đã nhận thức rõ hơn các đặc trưng của nhà nước pháp quyền của nước ta:
(1) Nhà nước pháp quyền dựa trên nền tảng nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể của quyền lực nhà nước.
(2) Hiến pháp và luật có vị trí và hiệu lực tối thượng không chỉ đối với xã hội mà còn đối với cả Nhà nước. Pháp luật là cơ sở tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận và được áp dụng công bằng, nhất quán.
(3) Quyền lực nhà nước được tổ chức thực hiện theo nguyên tắc thống nhất và có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tòa án - cơ quan thực hiện quyền tư pháp độc lập, nghiêm cấm mọi sự can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án.
(4) Nhà nước tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. (5) Nhà nước tôn trọng và tuân thủ các cam kết quốc tế mà mình là thành viên.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sự khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, là bước chuyển căn bản trong nhận thức, chuyển sang Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
5. Xác định rõ mục tiêu trực tiếp xây dựng Nhà nước pháp quyền là xây dựng một Quốc hội thực quyền, một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả, một nền tư pháp độc lập, công minh, bảo đảm mối quan hệ thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, năng động - sáng tạo giữa chính quyền trung ương và địa phương. Nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân thể hiện tập trung ở Nhà nước, được thực hiện chủ yếu thông qua hoạt động của Nhà nước và Nhà nước pháp quyền giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị.
6. Đã nhận thức rõ hơn các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng NN PQXHCN VN, như nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất song các sự phân công và phối hợp giữa các nhánh quyền lực, nguyên tắc tập trung dân chủ…; trong đó “nguyên tắc pháp quyền” cũng đã được nhấn mạnh. Nguyên tắc này được chính thức khẳng định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW (2005) của Đảng với khái niệm là “Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Đây là bước tiến quan trọng về nhận thức so với quan niệm Nhà nước “quản lý đất nước bằng pháp luật”. Trong Hiến pháp 2013 đã chế định tinh thần “thượng tôn pháp luật”, theo đó Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp, pháp luật; Hiến pháp là luật cơ bản của nước ta, có hiệu lực pháp lý cao nhất; mọi người dân, mọi chủ thể trong xã hội phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý; Nhà nước và nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật…Đại hội XII nhấn mạnh rằng: “Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn”[6]. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “phải nâng cao năng lực kiến tạo sự phát triển của Nhà nước”[7].
Nhận thức về vấn đề kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền cũng đã có bước phát triển quan trọng. Đại hội XI của Đảng và sau đó Hiến pháp 2013 đã chính thức đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”[8]. Đảng cũng đã có nhận thức mới về vấn đề quyền lực và kiềm soát quyền lực trong đảng; đề cao vai trò kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng; ban hành quy định cơ bản và toàn diện về kiểm tra, giám sát của Đảng[9] (Quy định số 30-QĐ/TW, năm2016), ban hành quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (Quy định của Bộ chính trị số 205-QĐ/TW Ngày 23/9/2019). Đồng thời, đã nhận thức rõ hơn vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức đảng và các cơ quan công quyền, đề ra nhiệm vụ : “xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”[10].
Trong Nghị quyết số 27-NQ/TW[11] của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, đã tiếp tục nhấn mạnh: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; Thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân. Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước, Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế; Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển.
Tuy nhiên, nhận thức và thực tiễn về xây dựng NNPQ XHCN VN vẫn còn những bất cập. Trong báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, cũng như trong Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng đã chỉ ra những hạn chế chủ yếu, như: chưa xác định rõ và đầy đủ về bản chất, đặc trưng, cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; hiệu lực và hiệu quả của nhà nước pháp quyền chưa cao… Đặc biệt, trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đã đánh giá tổng quát: Nhận thức, lý luận về NNPQXHCN Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn. Hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp có bước đột phá trên một số lĩnh vực. Quyền con người, quyền công dân theo Hiến định tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế; dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được tăng cường. Mô hình NNPQXHN Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được luận giải một cách đầy đủ, thuyết phục; tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền công dân có mặt chưa được phát huy đầy đủ; cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước...Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên chủ yếu là do: Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vấn đề lớn, phức tạp, lâu dài; công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, hoàn thiện lý luận chưa được quan tâm đúng mức; quyết tâm chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
(Còn tiếp)
PGS.TS Trần Quốc Toản
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, NXB CTQG, HN 2005, trang 481.
[3] Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng khoá X, NXB CTQG, HN, 2008, trang 139.
[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng CSVN, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016
[5] Trong bản “Việt Nam yêu cầu ca” (năm 1922), yêu cầu thứ bảy là: “Bảy xin hiến pháp ban hành, Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.175.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr.125.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.85.
[9] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr.97-190.
[10] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.124, 126.
[11] Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.