Nhà nước pháp quyền là một giá trị nhân văn, cao quý của nhân loại, là biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ với mục tiêu xây dựng và thực thi một nền dân chủ, bảo đảm quyền lực chính trị thuộc về nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiều lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (1). Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam – Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã được khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và năm 2013. Trong thời kỳ mới, Đảng ta xác định:“ Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”(2). Đây là vấn đề rất quan trọng, cơ bản, bao trùm thể hiện sâu sắc bản chất dân chủ nhân dân, vì nhân dân của Nhà nước ta . Để đảm bảo thực hiện phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Trong xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện ở những nội dung chủ yếu: + Nhân dân tham gia bầu cử các đại biểu của mình vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia các công việc quản lý nhà nước ở địa phương và cơ sở.
+ Nhân dân tham gia xây dựng, đánh giá chủ trương, chính sách của Nhà nước Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương, góp ý kiến điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
+ Nhân dân có quyền giám sát, chất vấn về hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước, các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phát hiện và đề nghị thanh tra, xử lý các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, các vụ việc vi phạm chính sách, luật pháp, đạo đức của cán bộ, công chức.
+ Nhân dân có quyền đòi hỏi các cơ quan, tổ chức nhà nước và cán bộ, công chức có thẩm quyền phải công khai, minh bạch mọi hoạt động của mình, cung cấp thông tin kịp thời theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Trong lĩnh vực xây dựng nhà nước, quyền dân chủ và làm chủ của nhân dân được thực hiện bằng phương thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; phát huy các hoạt động tự quản trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng xã hội.
- Nhân dân tham gia quản lý xã hội bằng phương thức tự nguyện, dựa vào những thể chế đã được ban hành, kết hợp với Nhà nước; đồng thời, Nhà nước dựa vào dân để cùng nhau huy động và phối hợp các nguồn lực nhằm giải quyết các vấn đề trong đời sống xã hội, gắn với lợi ích, nhu cầu của nhân dân. Đây là cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã được thể hiện sinh động và có hiệu quả, thiết thực trong thực tiễn cuộc sống đổi mới của đất nước.
Hai là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quyền dân chủ của công dân.
- Cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”, gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và tổ chức chính trị- xã hội các cấp. Vận động nhân dân thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; chú trọng vai trò chủ thể của nhân dân trong thực hiện giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
- Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khi xây dựng các quyết sách cần bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Thực hiện xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
- Các quyền dân chủ của công dân cần được thể chế hóa một cách đầy đủ và đồng bộ, quy định cách thức, hướng dẫn cụ thể để người dân có ý thức, có năng lực, có trách nhiệm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt ở cấp cơ sở để phát huy quyền làm chủ thật sự của nhân dân
- Để nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm thực hiện tốt quyền dân chủ của người dân, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đổi mới tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, đảm bảo quản lý hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt là các vấn đề phát sinh ở địa phương, cơ sở.
- Thực hiện hiệu quả pháp luật bầu cử để Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thực sự là cơ quan đại diện của nhân dân, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Tinh gọn, sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước từ Chính phủ đến Uỷ ban nhân dân các cấp; phân công chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức để đảm bảo trên thực tế các quyền dân chủ của công dân. Chú ý xây dựng và nâng cao năng lực hoạt động của cấp xã, phường, đây là cấp cơ sở, cấp cuối cùng trong hệ thống các cấp chính quyền ở nước ta, nhưng lại là cấp gần dân nhất, sát dân nhất, trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân, cũng là cấp có thể bảo đảm quyền dân chủ của người dân một cách trực tiếp nhất.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ; tạo đồng thuận trong xã hội, sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tham gia vào quá trình hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân; đồng thời, thực hiện tốt hơn, chất lượng hơn nữa việc giám sát và phản biện xã hội; tham gia kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở ngay tại mỗi địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Bốn là, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ nhân dân, tạo niền tin và sự hài lòng của người dân đối với nhà nước và chính quyền các cấp.
- Cần xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức tinh gọn, với cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt và đủ năng lực thi hành nhiệm vụ công vụ, tận tụy phục vụ sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
- Thực hiện nghiêm chế độ tuyển dụng cán bộ, công chức theo quy định pháp luật, căn cứ vào nhu cầu, vị trí, cơ cấu và tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức. Cơ chế thi tuyển phải bảo đảm tính dân chủ, công khai, chọn đúng người đủ tiêu chuẩn vào bộ máy chính quyền. Thực hiện nghiêm quy chế đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức để nâng cao chất lượng hoạt động công vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân.
- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Coi trọng công tác giáo dục đạo đức và phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao lòng yêu nước, yêu chế độ, niềm tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công cuộc đổi mới
- Cần phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, của công luận trong công tác kiểm tra, giám sát, chủ động đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng vi phạm đến quyền làm chủ của nhân dân. Phải làm cho người dân hiểu rõ mục đích của việc thực hiện dân chủ là phát huy quyền làm chủ trực tiếp của chính mình trong cộng động và trong xã hội.
- Chú trọng cách tổ chức và cơ chế thích hợp để người dân thể hiện được quyền làm chủ trực tiếp của mình, trong đó có yêu cầu lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Ý kiến của nhân dân là những đóng góp, phát hiện từ thực tế sinh động của cuộc sống để xây dựng, thực thi đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Tiếp tục nghiên cứu việc cụ thể hóa các quy định pháp luật dân chủ bằng những qui định cụ thể, những điều dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình với tư cách là chủ thể của xã hội. Tạo mọi điều kiện cho người dân có quyền dân chủ bàn bạc, quyết định những công việc thiết thực trong thực tiễn cuộc sống.
- Thông qua kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những vi phạm trong thực thi dân chủ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ trong thực tiễn, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Nhà nước.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội
- Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.
- Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội, kỷ cương, phép nước.
- Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Phát huy tính tích cực chính trị- xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ công chức; động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế; góp phần quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các hoạt động tự quản cộng đồng; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hoá văn minh, nhân văn, hiện đại.
- Phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân.
- Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị- xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân trong cuộc sống cộng đồng và xã hội.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nhân dân làm chủ, trước hết được xác định ở địa vị chủ thể quyền lưc nhà nước. Chỉ nhân dân mới có chủ quyền đối với quyền lực nhà nước. Nhưng nhân dân uỷ quyên cho các đại biểu của mình và giám sát đại biểu đó trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước. Mục tiêu của quản lý nhà nước là phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm cho nhân dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, nhằm phát triển nhanh, mạnh mẽ lực lực sản xuất, tạo cho đất nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
TS. Nguyễn Văn Hùng,
Hội đồng Lý luận Trung ương
Tài liệu tham khảo:
(1). Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, năm 2000, tập 5, trang 689
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội năm 2021, tập 1, trang 174.
(3) Hiến pháp năm 2023.
(4) Luật Mặt trận năm 2015
(5) Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.