Sign In

Quốc hội Việt nam chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản - một luận điệu xuyên tạc lố bịch

16:41 18/06/2024

 


Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử (Ảnh tư liệu)

 

Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Qua 78 năm với 15 khóa, Quốc hội Việt Nam luôn gắn bó với nhân dân, hoàn thành những nhiệm vụ cao cả mà Hiến pháp và nhân dân trao cho. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động ra sức chống phá vai trò và hoạt động của Quốc hội bằng những luận điệu xuyên tạc hết sức lố bịch, rằng: “Quốc hội Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản”. Đấu tranh, vạch trần những mưu đồ xấu đằng sau luận điệu này, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của cử tri cả nước với Quốc hội là vấn đề cấp thiết hiện nay.

 

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tung ra nhiều luận điệu, chiêu trò để chống phá, phủ nhận vị trí, vai trò, chức năng của Quốc hội nước ta; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, chia rẽ mối quan hệ căn cốt, máu thịt giữa Đảng với Quốc hội và giữa Quốc hội với Nhân dân. Chúng cho rằng, Quốc hội Việt Nam không phải là đại diện cho quyền lực, ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam; chỉ là cơ quan hợp thức hóa ý chí, quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Theo họ, trên thực tế quyền lực của nhân dân không được thực hiện, Quốc hội Việt Nam chỉ giữ vai trò biểu quyết thông qua các quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam theo một chiều chấp thuận, vì phần lớn các đại biểu Quốc hội là đảng viên nên không thể làm trái với Đảng. Và “bầu cử Quốc hội ở Việt Nam là hình thức”, “bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, chỉ là hội nghị của Đảng mở rộng”, v.v. Cuối cùng họ kết luận: “Quốc hội Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản”! Từ đó, đòi mở rộng dân chủ trong công tác bầu cử và hoạt động của Quốc hội; đòi Quốc hội phải độc lập với Đảng, phải thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. Bởi, theo họ, Đảng lãnh đạo Quốc hội là Đảng đứng ngoài, đứng trên Hiến pháp và pháp luật, là biểu hiện mất dân chủ, chiếm quyền của dân, độc đoán”, “đảng trị”, “độc đoán thực hiện sự chuyên chính của một đảng”, v.v. Khi tìm hiểu ngọn ngành vấn đề thì không khó để “bóc mẽ” sự xuyên tạc thiếu khách quan và mưu đồ chính trị xấu xa ẩn dấu đằng sau kết luận hồ đồ đó của các thế lực thù địch. Đáng chú ý là, một số cán bộ, đảng viên do lập trường chính trị không vững vàng, mơ hồ “vào hùa” với luận điệu xuyên tạc đó.

 

Lịch sử nhân loại đã chỉ ra, vấn đề cơ bản đầu tiên của bất cứ cuộc cách mạng nào đều là chính quyền nhà nước và đều phải trả lời câu hỏi: chính quyền đó thuộc về ai, do ai lập nên? ra đời, hoạt động vì ai? Câu trả lời cho những câu hỏi đó sẽ phản ánh sự tiến bộ, bản chất ưu việt của mỗi cuộc cách mạng xã hội. Đối với Việt Nam, xuyên suốt sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bộ máy chính quyền cách mạng, Quốc hội luôn là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, v.v. Đó là thực tế không thể xuyên tạc.

 

Sự thật lịch sử không thể bác bỏ là, bộ máy chính quyền nói chung, Quốc hội nói riêng là thành quả của cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, hy sinh của toàn thể nhân dân Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhiệm vụ trước tiên và quan trọng hàng đầu của dân tộc ta là xây dựng bộ máy nhà nước mới, thực sự là “công cụ chủ yếu” để thực hiện quyền làm chủ, thực thi quyền lực chính trị - xã hội của nhân dân, tổ chức xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới. Ngay sau khi được thành lập, mặc dù còn non trẻ lại đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng đã đề ra nhiệm vụ tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Thắng lợi của Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam[1], một thiết chế dân chủ đầu tiên tại Việt Nam. “Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hòa dân chủ; nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước”2.

 

Kể từ đó, Quốc hội luôn không ngừng đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động, đóng góp vô cùng quan trọng trong việc tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho công cuộc kháng chiến - kiến quốc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực tế đó đã minh chứng cho ý chí và quyền lực của nhân dân đã được Quốc hội cụ thể hóa và thực thi; đồng thời,  bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

 

Khi cho rằng, “bầu cử Quốc hội ở Việt Nam là hình thức”, “bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn; mỗi phiên họp Quốc hội chỉ là “hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”, các thế lực thù địch cố tình bỏ qua một thực tế là: bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam tuân theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín để cử tri lựa chọn những công dân ưu tú trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội, đại diện cho các tầng lớp nhân dân và các dân tộc trên đất nước Việt Nam vào Quốc hội.

 

Đây cũng chính là quá trình mỗi công dân thực thi quyền lực chính trị - xã hội của mình, thực sự thụ hưởng giá trị của độc lập, tự do, dân chủ. Nhân dân tự do lựa chọn và bầu những người xứng đáng vào Quốc hội thay mặt cho mình, gánh vác việc nước; không có thế lực nào có thể ép buộc, mua chuộc. Theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam thể hiện sâu sắc bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở đó, mọi người dân đều được thực hiện quyền công dân, tự do bầu cử, bình đẳng trong sử dụng phiếu bầu; mỗi người ứng cử đều có quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau trong tự ứng cử, vận động bầu cử; mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử, giá trị phiếu bầu như nhau không phụ thuộc vào giới tính, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội; cử tri trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình qua lá phiếu (tự cầm lá phiếu của mình bỏ phiếu); cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu của mình không qua một cấp đại diện nào; sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với cử tri bị loại trừ, v.v. Mọi hành vi vi phạm nguyên tắc bầu cử đều sẽ bị xử lý theo pháp luật.

 

 QH khóa VI biểu quyết thông qua Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại kỳ họp thứ nhất, QH thống nhất, ngày 2/6/1976.

 Ảnh: tư liệu

 

Thực tiễn cho thấy, mỗi kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam đều là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, là ngày hội của toàn dân, là ngày nhân dân Việt Nam thực hiện quyền làm chủ của mình trong xây dựng Nhà nước của chính mình với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam, song đã có 89% cử tri tham gia bỏ phiếu trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,57%. Thật hiếm có quốc gia nào có tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử để lập ra chính quyền nhà nước của mình cao như vậy.

 

Đại biểu Quốc hội là những công dân ưu tú trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực, điều kiện theo pháp luật quy định, đại diện cho các tầng lớp nhân dân và các dân tộc trên đất nước Việt Nam do chính nhân dân (cử tri) bầu lên; sự “ưu tú” của họ là cơ sở tạo nên sự vững mạnh của Quốc hội. Điều 21, Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 quy định: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội”. Họ chịu trách nhiệm trước cử tri và Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đại biểu của mình; bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.

 

 

Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri là mối quan hệ gắn bó mật thiết, cùng chung ý chí, thể hiện trọng trách của đại biểu với cử tri. Tại Điều 27, của Luật này quy định: “Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, trí tuệ của cử tri được phát huy, quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp được bảo đảm bằng pháp luật - sự bảo đảm vững chắc nhất. Đây là minh chứng rõ nhất về quyền làm chủ của nhân dân thông qua Quốc hội được thực hiện.

 

Hơn thế nữa, quyền lực của nhân dân được khẳng định ngay trong thực tiễn tổ chức, hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Trong quá trình hình thành, phát triển và hoạt động, Quốc hội các khóa luôn kế thừa, phát huy truyền thống trọng dân của dân tộc ta và cụ thể hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta: “Dân là gốc”, “Nước lấy dân làm gốc”, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”,... nhằm làm cho giá trị mệnh đề dân là chủ không ngừng gia tăng, hoàn thiện. Đó cũng chính là “nền tảng”, “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; luôn xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình.

 

Trên lĩnh vực lập pháp. Gần 80 năm hoạt động, Quốc hội đã thông qua 05 bản Hiến pháp vào các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Đây là những đạo luật cơ bản của Nhà nước, quy định các vấn đề quan trọng nhất về quyền lực nhà nước, cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, v.v. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành các đạo luật là hệ thống quy tắc chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích, định hướng của Nhà nước; là cơ sở để đảm bảo an toàn, giải quyết tranh chấp trong xã hội; bảo đảm và bảo vệ quyền con người; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công bằng và tiến bộ, sự phát triển bền vững của xã hội. Mỗi dự án luật đều được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trách nhiệm, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân; được thảo luận, cho ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội đến chín muồi sẽ được ban hành. Quá trình thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) của Quốc hội khóa XV là một minh chứng.

 

Trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội luôn nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, xem xét khách quan, toàn diện, quyết định các vấn đề ngày càng hiệu quả, thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới và phát triển đất nước. Nổi bật là: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 1986 - 1990 đã khởi xướng cho đường lối phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới; Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1991, làm yên lòng dân trong bối cảnh đất nước và quốc tế có nhiều xáo trộn phức tạp, kiên định đường lối đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế. Cùng với đó, nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội quyết định tạo đòn bẩy cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta, như: đường dây tải điện 500KV, đường Hồ Chí Minh, thủy điện Sơn La, sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam và nhiều công trình trọng điểm khác của đất nước, v.v. Mỗi quyết định được đưa ra là kết quả của quá trình tính toán cẩn thận, thảo luận dân chủ, tranh luận cặn kẽ, lấy lợi ích nhân dân và quốc gia dân tộc làm tối thượng.

 

Thực hiện chức năng giám sát tối cao. Quốc hội đã nêu cao trách nhiệm thực hiện giám sát thông qua nhiều hình thức, phương pháp, như: xem xét các báo cáo của các cơ quan và cá nhân liên quan; giám sát theo chuyên đề, thông qua thực hiện chất vấn, giải trình tại các kỳ họp của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, v.v. Qua đó, đã giúp cho việc hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô và quyết định những vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực cụ thể, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

 

Những thành tựu của Quốc hội, của cách mạng Việt Nam đã khẳng định, Quốc hội luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, nhận sự ủy thác từ nhân dân, thực sự là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là sự thực, chân lý và là bằng chứng đanh thép bác bỏ mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động rằng: Quốc hội Việt Nam chỉ giữ vai trò biểu quyết thông qua các quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam mà không thực hiện quyền lực của nhân dân.

 

Với dã tâm chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã bất chấp thực tiễn, cố tình đánh tráo khái niệm, làm lộn sòng một cách lố bịch về bản chất và tính chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền tư sản khi cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trên Hiến pháp, pháp luật và đòi từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội Việt Nam, nhằm trực tiếp công kích, hủy hoại mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, chia rẽ Đảng với Nhân dân. Ở đây, họ hạn hẹp về nhận thức hoặc cố tình lờ đi sự khác nhau về bản chất giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền tư sản là ở sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước; ở tính chất của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

Giữa Đảng và Quốc hội thống nhất ở mục tiêu xây dựng đất nước độc lập, tự do “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đảng Cộng sản Việt Nam vì nhân dân mà ra đời, lãnh đạo cách mạng, đưa dân tộc ta thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than, vươn lên làm chủ, xây dựng cuộc đời ấm no, tự do, hạnh phúc.

 

Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn, tin yêu và trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam quyền duy nhất lãnh đạo, duy nhất cầm quyền; một lòng một dạ theo Đảng, đoàn kết dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, làm nên những kỳ tích vĩ đại và những thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn. Đó là bản chất và nội dung cốt lõi của mối quan hệ mật thiết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân. Quốc hội ra đời và tồn tại trước hết là thể hiện và thực hiện quyền lực, ý chí của nhân dân, tạo lập nền tảng chính trị - pháp lý cho sự tồn tại, hoạt động và phát triển của nhà nước và xã hội. Thông qua Quốc hội thì quyền lực và ý chí của nhân dân sẽ trở thành quyền lực và ý chí của nhà nước, thể hiện bằng các đạo luật mang tính bắt buộc toàn xã hội.

 

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội là sự lãnh đạo đối với một tổ chức trong hệ thống chính trị và Đảng là một thành tố trong hệ thống ấy, chứ Đảng không đứng trên Quốc hội và Nhà nước, như những luận điệu gán ghép, xuyên tạc.

 

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã được hiến định rõ từ bản Hiến pháp (năm 1980) và xuyên suốt trong các bản Hiến pháp sau này (năm 1992 và 2013), đó cũng chính là sự ghi nhận, sự thừa nhận của nhân dân Việt Nam.

 

Điều 4, Hiến pháp (năm 2013) quy định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”3; “Các tổ chức Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”4.

 

Sự hiến định của Hiến pháp thể hiện rõ hai vấn đề rất cơ bản, có quan hệ chặt chẽ với nhau: một là, lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội là ai; hai là, lực lượng lãnh đạo đó hoạt động và thực hiện sự lãnh đạo như thế nào. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam; nhưng đồng thời, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng, của các tổ chức đảng, đảng viên đều được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật, tuyệt nhiên không “đứng trên Hiến pháp và pháp luật” như những luận điệu xuyên tạc, kích động mà các thế lực thù địch, phản động vẫn rêu rao.

 

Đảng thực hiện phương thức lãnh đạo phù hợp, đảm bảo tính đại biểu nhân dân và luôn nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Quốc hội trong bộ máy nhà nước, đòi hỏi không những phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, mà phương thức lãnh đạo của Đảng cũng phải phù hợp, bảo đảm phát huy được vai trò cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, bảo đảm cho ý chí của Đảng và lòng dân do Quốc hội đại diện luôn được thống nhất.

 

Đảng lãnh đạo Quốc hội bằng đường lối, quan điểm, các nghị quyết, quyết định với hệ thống nguyên tắc về các vấn đề hệ trọng của đất nước; không chỉ đạo các công việc cụ thể của Quốc hội. Đảng tôn trọng và phát huy vai trò của Quốc hội với tư cách là cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, không đứng trên Quốc hội. Đảng là lực lượng hướng dẫn, định hướng nội dung và phương thức hoạt động, không làm thay Quốc hội. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội bao gồm những nội dung cơ bản quan hệ chặt chẽ và thống nhất với nhau, như: Đảng lãnh đạo, định hướng hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội; lãnh đạo việc xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ cho công tác lập pháp của Quốc hội; lãnh đạo Quốc hội ban hành các đạo luật và pháp lệnh cụ thể; lãnh đạo Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; lãnh đạo Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

 

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội càng đổi mới, dân chủ, phát huy được vai trò, chức năng của Quốc hội, thì Quốc hội càng thực quyền hơn; và do đó, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, Nhà nước và xã hội càng cao hơn. Trong thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn không ngừng đổi mới tư duy về phương thức lãnh đạo đối với Quốc hội nhằm phát huy cao nhất và tăng cường tính nhân dân trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, làm cho hoạt động của Quốc hội thực quyền và hiệu quả hơn.

 

Đảng luôn thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, trong đó, có đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tuyên truyền, giáo dục, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng làm cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội vì nhân dân hơn, thực quyền, hiệu quả hơn.

 

Thực tiễn gần tám thập kỷ qua đã khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quốc hội là nhân tố quyết định bản chất Quốc hội, bản chất Nhà nước và nền pháp chế xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Giữa Đảng và Quốc hội có tính độc lập tương đối. Quốc hội thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, bảo đảm sát thực tiễn, phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam.

 

Quốc hội đã ban hành 05 bản Hiến pháp; đây là những văn bản chính trị - pháp lý quan trọng làm nền tảng để cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Mỗi bản Hiến pháp đánh dấu một sự chuyển mình của đất nước. Nhờ đó, đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” như ngày hôm nay. Sự thực đó không thể xuyên tạc, bóp méo!

 

Sự ra đời, phát triển của Quốc hội Việt Nam là thành quả đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi khóa Quốc hội đều khẳng định rõ được vị trí, vai trò của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp và pháp luật trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, để lại dấu ấn và tình cảm tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước. Thành quả ấy là cả quá trình Quốc hội luôn đổi mới, kiến tạo, hành động vì nhân dân, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực tế đó quá rõ ràng và là câu trả lời thích đáng, bác bỏ mọi luận điệu bịa đặt, xuyên tạc hồ đồ về Quốc hội Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động./.

 

Đại tá Nguyễn Đình Bằng, TC Quốc phòng toàn dân

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 72.

2. ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 42.

3. Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) - https://binhdinh.dcs.vn/hoat-dong-tuyen-truyen/-/view-content/67966/tai-lieu-tuyen-truyen-75-nam-ngay-tong-tuyen-cu-dau-tien-bau-quoc-hoi-viet-nam-06-01-1946-06-01-2021-

4. Diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam - https://tuyengiao.vn/thoi-su/dien-van-cua-tong-bi-thu-tai-le-ky-niem-70-nam-quoc-hoi-viet-nam-83904.

5. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2014.

6. Luật Tổ chức Quốc hội (Sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nxb CTQGST, H. 2021.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1]- Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu; trong đó: 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.

Tag:

File đính kèm