
Kết hợp hỗ trợ vốn vay với tăng cường đào tạokỹ năng, khôi phục nghề truyền thống để phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững
Cơ hội thay đổi cuộc sống
Với những khoản vay ưu đãi, nhiều phụ nữ tại Quảng Nam đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình. Từ chăn nuôi, trồng trọt đến mở rộng dịch vụ nhỏ lẻ, họ từng bước xây dựng nền tảng kinh tế ổn định, cải thiện cuộc sống.
Chị Bhling Thị Ainh, một hộ gia đình tại xã Gari, huyện Tây Giang chia sẻ: “Nhờ khoản vay chính sách, tôi có vốn mua giống cây trồng, cải tạo vườn,nuôi 8 con bò, 10 con lợn nái sinh sản. Bây giờ không chỉ đủ ăn, tôi còn bán gia súc, gia cầm, rau củ sạch cho chợ địa phương, có thêm thu nhập cho con cái đi học…, thu nhập trên 70 triệu đồng/năm”.
Chị Nguyễn Thị Gái, xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn là tấm gương phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia súc kết hợp nuôi cá truyền thống: cá trắm cỏ, cá chép, cá mè, cá ba sa trên hồ nước tự nhiên. Với số vốn tích lũy và kinh nghiệm, chị vay thêm nguồn vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích mặt nước để nuôi cá và nuôi heo. Tổng thu nhập hằng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi cá và heo mọi thả đồi của gia đình chị Gái cho thu nhập ổn định từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/năm.
Chị Hồ Thị Đẻo, Dân tộc Xê đăng xã Trà Cang, huyện Nam Trà My: “Lúc đầu vợ chồng mình băn khoăn, lo lắng, không dám vay vốn của Nhà nước, mãi đến năm 2014, vợ chồng mình vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mở quầy bán tạp hóa và làm vốn mua bán Quế, cây đót làm chổi… kiếm thêm thu nhập. Sau thời gian mình tự tin hơn nên bán thêm các mặt hàng thiết yếu như: mắm, muối, gạo, cá khô… Từ năm 2017 đến nay, cứ mỗi năm mình trồng trên 10.000 gốc quế Trà My và đầu tư thêm 120 triệu đồng để trồng 400 gốc sâm ngọc linh 2 năm tuổi… Mỗi năm gia đình mình thu về 150 - 200 triệu đồng”.
Không chỉ là tiền vốn, mà còn là niềm tin
Nguồn vốn vay không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn tiếp thêm niềm tin và động lực cho phụ nữ địa phương. Họ không còn e ngại với những khó khăn trước mắt mà mạnh dạn hơn trong việc lập kế hoạch kinh doanh, cải tiến mô hình sản xuất.
Ngoài ra, sự hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương còn giúp chị em tiếp cận các khóa đào tạo kỹ năng quản lý tài chính, phát triển kinh doanh và nâng cao nhận thức về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Nhờ nguồn vốn vay chính sách, nhiều mô hình kinh tế tại Quảng Nam đã phát triển mạnh mẽ. Những vườn rau xanh mướt, những trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ nhưng hiệu quả, cùng các sản phẩm thủ công đặc trưng… đang dần thay đổi diện mạo nông thôn. Đặc biệt, phụ nữ không chỉ tự chủ về kinh tế mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế cộng đồng.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của vốn vay chính sách, thời gian đến Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở tăng cường các chương trình phối hợp, hỗ trợ đào tạo kỹ năng kinh doanh, quản lý tài chính cho phụ nữ. Đồng thời, cần đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho các mô hình kinh tế hộ gia đình.
Nguồn vốn vay chính sách đã và đang trở thành “đòn bẩy” mạnh mẽ giúp phụ nữ Quảng Nam thoát nghèo, vươn lên khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế và thay đổi diện mạo nông thôn. Đây không chỉ là câu chuyện của từng cá nhân mà còn là hành trình phát triển bền vững của cả cộng đồng.