Sign In

Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang

00:00 20/02/2024
(Mặt trận) -  Giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc là một nhiệm vụ quan trọng, thể hiện vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, những tồn tại, bất cập để kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp, thông qua đó nâng cao vai trò của Mặt trận trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ của Ủy ban nhân dân tỉnh”, tháng 10/2023. ẢNH: HẢI YẾN  

Các điều kiện đảm bảo cho Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội

Tại tỉnh Tuyên Quang, ngay sau khi Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị có hiệu lực thi hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang kịp thời ban hành Kế hoạch số 101-KH/TU ngày 18/4/2014 về phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TW ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt để phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Quy chế, Quy định ở cấp tỉnh về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tại cấp huyện, cấp xã tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh đến cán bộ, công chức và Nhân dân.

Quý IV hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp hiệp thương lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội để đưa vào chương trình giám sát, phản biện của năm, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về nội dung giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Kết quả từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì giám sát được 1.119 cuộc (trong đó: cấp tỉnh 23 cuộc; cấp huyện 81 cuộc; cấp xã 1.015 cuộc); phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và một số ngành, cơ quan, đơn vị liên quan giám sát 997 cuộc.

Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát trên 3.700 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực như: Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, thực hiện pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tại các doanh nghiệp; công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; việc thực hiện các khoản thu chi trong nhà trường, việc công khai kết luận thanh tra; Luật Hợp tác xã; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; việc thực hiện chế độ chính sách đối với trẻ học mầm non thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trẻ em mồ côi, khuyết tật; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025...

Đối với công tác phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì tổ chức 344 hội nghị phản biện xã hội (trong đó: cấp tỉnh 15 hội nghị; cấp huyện 50 hội nghị; cấp xã 279 hội nghị). Nội dung phản biện tập trung vào một số chính sách quan trọng như: Dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức chi hỗ trợ đối với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở Khu dân cư thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Dự thảo Nghị quyết Quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Dự thảo Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt những năm gần đây, chất lượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã được tăng lên, 100% Mặt trận Tổ quốc cấp xã tổ chức được hội nghị phản biện xã hội. Ở cấp tỉnh, nhiều hội nghị phản biện có chất lượng cao và rõ nét, được Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo tiếp thu ý kiến, nổi bật như: Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổng hợp 20 ý kiến phản biện gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo và được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa 19/20 ý kiến.

Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tổng hợp gửi 11 ý kiến phản biện gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo và được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa 10/11 ý kiến. Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”, tổng hợp 46 ý kiến phản biện gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo và được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa 35/46 ý kiến.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị lấy ý kiến Nhân dân tham gia vào các Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông lớn của tỉnh trước khi triển khai như: Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 2c; dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn qua huyện Yên Sơn… qua đó hạn chế những vướng mắc, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân.

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời xử lý các vướng mắc, bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách; nhiều nội dung phản biện xã hội được các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, góp phần nâng chất lượng các văn bản, đảm bảo tính khả thi của các chương trình, kế hoạch, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội khi triển khai thực hiện.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về công tác giám sát, phản biện xã hội, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã cụ thể hoá bằng việc ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương, như: Quyết định số 259-QĐ/TU ngày 24/10/2016 ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Kết luận số 123-KL/TU ngày 6/11/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội;... các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trên là cơ sở quan trọng để Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội.

Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 Quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Thông tư số 63/2017/TT-BTC ngày 19/6/2017 Quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định nội dung, mức chi đảm bảo hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 5/9/2020 Quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh chủ động về kinh phí trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thành lập 3 Hội đồng tư vấn chuyên sâu trên các lĩnh vực: Dân chủ - Pháp luật; Dân tộc - Tôn giáo; Kinh tế, Văn hóa - Xã hội; ở cấp huyện, Mặt trận Tổ quốc đều thành lập các Ban tư vấn; cấp xã thường xuyên kiện toàn tổ chức và tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã.

Một số giải pháp trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì và thực hiện các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về quyền giám sát, phản biện xã hội của Nhân dân. Thông qua Mặt trận Nhân dân thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội nhằm mục đích tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh.

Hai là, bám sát chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp và hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm, phát huy tất cả các hình thức giám sát, phản biện xã hội. Tập trung giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, giám sát cán bộ, đảng viên ở cấp cơ sở; tránh dàn trải, ôm đồm, chồng chéo hiệu quả thấp; theo dõi chặt chẽ, đôn đốc việc giải quyết, trả lời thực hiện kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc mỗi cấp về bản lĩnh chính trị; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực nghiên cứu, phân tích, đánh giá vấn đề; năng lực tổ chức thực hiện và kỹ năng thực hành công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp. Thực hiện tốt việc bồi dưỡng, tập huấn sâu theo từng chuyên đề về công tác giám sát và phản biện xã hội với nội dung phù hợp cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Phát huy vai trò, trí tuệ của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, các trí thức, các chuyên gia, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền.

Bốn là, cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương tiếp tục quan tâm đảm bảo điều kiện về tài chính, vật chất thực thi công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích cán bộ Mặt trận.

Năm là, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu, đề xuất sớm ban hành Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân, trong đó có quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì hiện nay các văn bản của Đảng, Nhà nước phần lớn chỉ quy định chung về phạm vi, đối tượng, phương pháp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, còn thiếu các quy định cụ thể về các hình thức tổ chức thực hiện, các hình thức giám sát và phản biện dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là việc giám sát tổ chức đảng và người đứng đầu, cũng như xác định dự thảo văn bản cần phản biện xã hội và trách nhiệm của các bên trong phản biện các dự thảo văn bản.

NGUYỄN HƯNG VƯỢNG -  Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy,

Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang

Tag:

File đính kèm