Tham dự Lễ Bế giảng có Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, ông Thomas Gass - Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ, đại diện SECO, Học viện Tài chính Thụy Sỹ (SFI), đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại.
Quang cảnh buổi lễ
Phát biểu tại Lễ Bế giảng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chúc mừng và đánh giá cao nỗ lực của đơn vị triển khai chương trình là Học viện Tài chính Thụy Sỹ và Ban Quản lý Dự án của NHNN cũng như sự đồng hành của các NHTM Việt Nam trong quá trình triển khai Dự án giai đoạn 2022-2024.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh: Trải qua hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn 30 năm hợp tác phát triển (năm 2021), quan hệ song phương Việt Nam - Thụy Sỹ ngày càng được mở rộng và tăng cường trên tất cả các lĩnh vực, trong đó những hỗ trợ liên tục của Thụy Sỹ dành cho ngành ngân hàng Việt Nam trong nhiều năm qua đã ghi dấu ấn đậm nét trong quá trình cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong số các chương trình hỗ trợ của Thụy Sỹ cho lĩnh vực ngân hàng, các chương trình đào tạo dành cho cán bộ quản lý cấp của các NHTM được triển khai từ năm 2009 đến nay là chương trình có sức cao lan tỏa rộng lớn với sự tham gia của hơn nhiều lượt cán bộ quản lý của các NHTM, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lược cao cho thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam phát biểu
Ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam cũng cho biết: “Với mong muốn hỗ trợ một chương trình đào tạo cán bộ quản lý ngân hàng chất lượng hàng đầu cho Việt Nam, Chính phủ Thụy Sỹ đã lựa chọn Học viện Tài chính Thụy Sỹ, một đơn vị đào tạo uy tín trong lĩnh vực ngân hàng của Thụy Sỹ là đơn vị thực hiện chương trình. Thông qua việc truyền đạt các thông lệ tốt nhất về hoạt động ngân hàng, các bài học kinh nghiệm từ các chuyên gia của Thụy Sỹ, chương trình đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nòng cốt của các ngân hàng thương mại, góp phần củng cố hoạt động an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng, từ đó đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”.
Ông Markus Buergi, Giám đốc điều hành SFI, và Giáo sư Alfred Mettler, Giám đốc Chương trình SFI, nhấn mạnh mức độ quan trọng, sự quan tâm cao và sự tham gia tích cực của các học viên, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của họ đến việc tối đa hóa lợi ích từ khóa học. SFI cũng đánh giá cao sự cam kết và hợp tác tốt đẹp với NHNN Việt Nam và SECO, hai đơn vị cùng phối hợp tổ chức chương trình và mong muốn được hợp tác hơn nữa trong việc triển khai chương trình.
Toàn thể các học viên và đại biểu
Dự án Đào tạo Cán bộ quản lý Ngân hàng giai đoạn 2022-2026 do NHNN phối hợp với SECO tổ chức, là hoạt động tiếp theo của Chương trình đào tạo Giám đốc NHTM các giai đoạn 2009-2011 và 2015-2017. Nhiều học viên tốt nghiệp các Chương trình trước có sự nghiệp thành công ở vị trí quản lý cấp cao của các ngân hàng thương mại lớn. Câu lạc bộ cựu học viên là một trong các cấu phần của Dự án, được thành lập để kết nối tất cả các học viên đã tham gia Chương trình. Hoạt động của câu lạc bộ đóng vai trò là nền tảng cho các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối thường xuyên giữa các học viên. Ba khóa đào tạo của Dự án trong giai đoạn 2022-2026 sẽ giúp đào tạo hơn 240 nhà quản lý ngân hàng thương mại Việt Nam với các phương pháp quản lý ngân hàng mới nhất và hiện đại nhất.
HTQT