Trong điều kiện hiện nay, tư tưởng của Người còn vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa, có tính thời sự; là những chỉ dẫn quan trọng, định hướng cho Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo vào thực tiễn kiểm soát quyền lực chính trị ở Việt Nam hiện nay nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
1. Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực chính trị
Thứ nhất, về sự cần thiết của việc kiểm soát quyền lực chính trị
Theo Hồ Chí Minh, tính tất yếu của việc kiểm soát quyền lực chính trị thể hiện ở những lợi ích mà công tác kiểm soát mang lại. Người chỉ rõ: “Vì ba điều mà cần phải có kiểm soát như thế: 1. Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu. 2. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan. 3. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”[1]. Hồ Chí Minh xem kiểm tra, kiểm soát là khâu quan trọng quyết định hiệu quả của công việc, nếu thực hiện không tốt sẽ tạo ra những khuyết điểm: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Người khẳng định: “chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi… Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[2].
Hồ Chí Minh chỉ rõ tính tất yếu của việc kiểm soát quyền lực chính trị thông qua cảnh báo tác hại to lớn của tha hóa quyền lực chính trị. Hậu quả lớn nhất của tha hóa quyền lực chính trị là sự sụp đổ của chế độ chính trị bắt nguồn từ sự suy thoái của đội ngũ cán bộ dẫn đến làm mất niềm tin của nhân dân. Người cho rằng: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[3].
Hồ Chí Minh phê phán tình trạng lạm quyền của một số người đứng đầu các cơ quan quyền lực: “Dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta”[4]. Người chỉ rõ những căn bệnh của những “ông quan cách mạng” là: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”[5].
Thứ hai, về tổ chức và lực lượng tham gia kiểm soát quyền lực chính trị
Hồ Chí Minh đề cập đến vai trò của các tổ chức và các lực lượng tham gia kiểm soát quyền lực chính trị: 1) Đảng “phải luôn luôn kiểm soát cán bộ”; 2) Nghị viện: “những người trong sạch thì không việc gì phải sợ sự kiểm soát của ai cả, ngay cả sự kiểm soát của nghị viện nữa”; 3) Chính phủ; 4) “Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy tới”; 5) Cán bộ: “quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo”;…); 6) Người lãnh đạo: “người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình”,v.v…
Hồ Chí Minh xác định vai trò của lực lượng tham gia kiểm soát quyền lực chính trị gồm: Nhân dân là lực lượng tham gia kiểm soát quyền lực chính trị; tất cả mọi quyền lực chính trị, đều xuất phát từ nhân dân, do nhân dân ủy quyền mà có,... Nhân dân chính là người tổ chức ra tổ chức bộ máy chính trị; cán bộ, đảng viên cũng từ nhân dân mà ra. Do vậy mà, “Nhân dân có quyền kiểm soát và bãi miễn những đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”[6]. Người thường xuyên nhắc nhở tổ chức và cán bộ việc gì cũng phải hỏi ý kiến nhân dân, dựa vào dân để xây dựng, thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng.
Đối tượng của kiểm soát quyền lực chính trị được Hồ Chí Minh xác định: Trong mối quan giữa tổ chức Đảng với đảng viên, mối quan hệ giữa Nhà nước với cán bộ, đoàn thể với cán bộ. Tổ chức đóng vai trò chủ thể và cán bộ thuộc tổ chức đó chính là đối tượng chịu sự kiểm soát. Trong mối quan hệ tổ chức với tổ chức, Hồ Chí Minh thường đề cập vừa là chủ thể vừa là đối tượng. Trung ương kiểm soát địa phương, cấp trên kiểm soát cấp dưới; song, cũng nói chiều ngược lại, cơ sở kiểm soát Trung ương, cấp dưới kiểm soát cấp trên. Hồ Chí Minh chỉ rõ “Cấp dưới cần phải báo cáo. Cấp trên cần phải kiểm soát”. Trong mối quan hệ cá nhân - cá nhân thì cấp trên phải kiểm soát cấp dưới và cấp dưới lại thực hiện kiểm soát quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trên.
|
|
Hồ Chí Minh chỉ rõ tính tất yếu của việc kiểm soát quyền lực chính trị thông qua cảnh báo tác hại to lớn của tha hóa quyền lực chính trị. Hậu quả lớn nhất của tha hóa quyền lực chính trị là sự sụp đổ của chế độ chính trị bắt nguồn từ sự suy thoái của đội ngũ cán bộ dẫn đến làm mất niềm tin của nhân dân. . Ảnh: TL |
Thứ ba, về cách thức và điều kiện để kiểm soát quyền lực chính trị
Một là, về cách thức kiểm soát quyền lực chính trị
Kiểm soát quyền lực chính trị từ "bên trong". Theo Hồ Chí Minh, là cách kiểm soát trong nội bộ các tổ chức của hệ thống chính trị. Đối với mỗi cán bộ/đảng viên/người lãnh đạo thì đó là sự kiểm soát tự thân, tự kiểm soát. Đối với tổ chức, đó là sự kiểm soát của tập thể và cá nhân trong nội bộ của tổ chức đó.
Kiểm soát bằng những quy định, quy chế, kỷ luật: Phải xây dựng và không ngừng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện Điều lệ, quy định, quy chế của tổ chức, hệ thống pháp luật của đất nước. Người yêu cầu: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền"[7] và “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”[8]. Người đã chỉ đạo và trực tiếp ký ban hành hai Hiến pháp (1946, 1959), 16 đạo luật, hơn 1300 văn bản dưới luật với 243 sắc lệnh, quy định, điều chỉnh mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội.
Kiểm soát bằng tự phê bình và phê bình; tự kiểm soát, kiểm soát lẫn nhau: Hồ Chí Minh cho rằng: “… ở trong Đảng, khi khai hội, các đảng viên nghe những người lãnh đạo báo cáo công việc, các đảng viên phê bình những khuyết điểm, cử hoặc không cử đồng chí nọ hoặc đồng chí kia vào cơ quan lãnh đạo. Đó là kiểm soát theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để”[9]. Mục đích của tự phê bình và phê bình là “xét” rõ ưu điểm, khuyết điểm của chính mình và của người khác để làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi. Tinh thần là lấy cái tốt, cái đúng để sửa đổi cái xấu, cái sai. Muốn tự phê bình và phê bình hiệu quả, phải có phương pháp và thái độ cho đúng. Tiến hành tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, phải thành khẩn, không được “giấu bệnh, sợ thuốc”; phải trung thực, không “đặt điều”, “không thêm bớt”; phải kiên quyết, “ráo riết”, không nể nang; “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, “chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”.
Kiểm soát từ trên xuống và từ dưới lên: Hồ Chí Minh đề cập: “Kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”[10]. Kiểm soát từ trên xuống, "Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình”. Kiểm soát từ dưới lên có hai cấp độ: Kiểm soát của người cán bộ cấp dưới đối với người lãnh đạo, của tổ chức cấp dưới đối với tổ chức cấp trên; Kiểm soát của quần chúng đối với người lãnh đạo. Cấp dưới thực hiện kiểm soát đối với cấp trên thông qua thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng: Hồ Chí Minh cho rằng: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Và muốn như vậy thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”[11]. Đối với công tác thanh tra, Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ”[12]. Và “Để hoàn thành nhiệm vụ thì tư tưởng và tác phong của cán bộ phải chuyển mạnh. Chúng ta phải kiên quyết chấp hành đúng đắn chính sách của Đảng và Chính phủ, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Ngành Thanh tra phải như vậy, các ngành khác cũng phải như vậy”[13].
Kiểm soát quyền lực chính trị từ "bên ngoài". Theo Hồ Chí Minh, phải dựa vào nhân dân để kiểm soát quyền lực, bởi Nhân dân là người đã “uỷ quyền” của mình cho các cơ quan nhà nước thì nhân dân phải có quyền kiểm soát các quyền lực đó. Người đã chỉ ra nhiều hình thức khác nhau, như khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các ủy ban, các hội đồng, v.v...: “Ở quần chúng, khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các uỷ ban, các hội đồng, v.v.; đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo”[14]. Người còn khẳng định: “Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”[15]. Người ví đó như là “ngọn đèn pha” vừa để giúp cho việc lãnh đạo đúng đắn, vừa ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của các cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước các cấp: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”[16]. Theo Người: “Những phần tử đầu cơ vào Đảng có sự đôn đốc kiểm tra của Đảng và nhân dân, sẽ bị lật ra và Đảng sẽ thành trong sạch, kiểu mẫu, thành tâm thành ý phụng sự nhân dân, cách mạng và tất cả các đảng viên mới thành người kiểu mẫu”[17].
Kiểm soát thông qua việc phát huy vai trò của đạo đức. Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tha hóa quyền lực chính trị là sư suy thoái đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân của cán bộ. Do vậy, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để họ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, là giải pháp quan trọng trước tiên. Bởi, “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[18].
Hai là, điều kiện để kiểm soát quyền lực chính trị
Điều kiện về thể chế là những quy định, quy chế, hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy. Người yêu cầu, quy định, quy chế, hệ thống pháp luật phải cụ thể, rõ ràng, kịp thời, sát hợp để định chế tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tổ chức bộ máy là hệ thống chính trị, trong đó ủy ban kiểm tra và thanh tra các cấp đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Về lực lượng thực hiện công tác kiểm soát quyền lực, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên có tư cách đạo đức tốt, lấy tinh thần dĩ công vi thượng mà kiểm soát tổ chức, người lãnh đạo và lẫn nhau theo quy định. Nhân dân chính là chủ thể bao trùm, có thẩm quyền kiểm soát tối cao đối với quyền lực của Đảng, Nhà nước. Bởi, Người thấy được rằng, nhân dân là điều kiện quyết định nhất đối với toàn bộ tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước, của sự nghiệp cách mạng, của việc cách mạng, trong đó có kiểm soát quyền lực chính trị. Không có dân, không thể kiểm soát quyền lực chính trị đến nơi và hiệu quả.
Theo Hồ Chí Minh: “Muốn kiểm soát có kết quả tốt phải có hai điều: Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là người rất có uy tín”. “Kiểm soát phải có hệ thống”, tức là phải được tiến hành có tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, phải có chương trình, kế hoạch, quy trình thực hiện rõ ràng, cụ thể. “Phải thường làm”, nghĩa là duy trì liên tục, tránh theo phong trào nhất thời. Uy tín của người đi kiểm soát phải rất cao, có phẩm chất đạo đức, năng lực, bản lĩnh, phong cách sống và làm việc với tinh thần phụng công thủ pháp, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
|
|
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Ảnh: Báo điện tử chính phủ |
2. Ý nghĩa đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong đó, các quan điểm về kiểm soát quyền lực chính trị là nền tảng tư tưởng, cơ sở lý luận khoa học cho đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; định hướng công tác kiểm tra, giá sát, phòng, chống tha hóa quyền lực, thực thi và kiểm soát quyền lực chính trị,... Thông qua đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực chính trị trở thành cơ sở lý luận khoa học, cung cấp định hướng lý luận cho các tổ chức và cá nhân khác trong hệ thống chính trị trong quá trình thực thi quyền lực chính trị. Bên cạnh đó, hệ thống quan điểm của Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực chính trị đã góp phần giúp quần chúng nhân dân giác ngộ, nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình đối với kiểm tra, giám sát quyền lực, thôi thúc nhân dân thực hiện kiểm soát hoạt động của Đảng, Nhà nước và cán bộ một cách tự giác, chủ động, tích cực, có tổ chức và hiệu quả. Hiện nay, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức công vụ, tha hóa quyền lực đang diễn biến phức tạp trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, gây tác hại lớn. Trong quá trình đầy cam go, khó khăn của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này, tư tưởng Hồ Chí Minh càng thể hiện rõ ý nghĩa, giá trị to lớn đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Ngay trong giai đoạn hoạt động bí mật, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cao quan điểm quyền lực thuộc về đông đảo nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong Chánh cương vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã nêu rõ: nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông. Như vậy, ngay từ đầu, Đảng ta đã xác định rõ cơ chế thực thi quyền lực là Đảng lãnh đạo, Nhà nước đại diện cho nhân dân lao động giữ quyền quản lý đất nước.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã nêu đầy đủ hơn về đường lối chính trị của Việt Nam là xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Ðảng Cộng sản lãnh đạo. Thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân. Cương lĩnh năm 1991 đã nêu lên bản chất cơ chế thực thi quyền lực quản lý xã hội ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thực thi quyền quản lý xã hội, chuyên chính với kẻ thù. Đưa ra chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tư cách công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Và, để kiểm soát quyền lực, phải đề cao yêu cầu chăm lo xây dựng Ðảng trong sạch, thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ và gắn bó chặt chẽ với nhân dân và nhấn mạnh, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tại Đại hội lần này, Đảng đã cảnh báo phải phòng, chống nguy cơ sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên.
Tiếp đó, Đại hội IX của Đảng đã cụ thể hóa hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội: lãnh đạo thông qua việc đề ra đường lối, chủ trương, các chính sách lớn định hướng cho sự phát triển và kiểm tra việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Để thực thi quyền lực có hiệu quả hơn, phù hợp hơn với kinh tế thị trường, chúng ta chủ trương: Kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng gắn với cải cách đổi mới tổ chức, bộ máy của các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu Ðảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn; tăng cường xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; tăng cường công tác tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, đấu tranh chống sự suy thoái, biến chất, tham nhũng, hư hỏng. Ðổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức của Ðảng và hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới đồng bộ công tác cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối công tác; gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng. Ðặc biệt, đề phòng nguy cơ sai lầm về đường lối và thoái hóa, quan liêu, xa rời quần chúng.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”[19]. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, quan điểm phải kiểm soát quyền lực nhà nước đã được đưa ra một cách quyết liệt hơn. Đại hội đã chuẩn bị điều kiện để Đảng có thể giám sát hoạt động quản lý của Nhà nước hữu hiệu hơn. Kết quả của những nỗ lực này là chuyển Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Chính phủ sang trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban và lập lại Ban Nội chính Trung ương để giúp Đảng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên nắm giữ quyền lực.
Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”[20]. Và, khẳng định cần “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”[21]. Như vậy, một lần nữa Đảng khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân không phải chỉ là sự khẳng định đối với một nguyên tắc mà thực sự nhấn mạnh yêu cầu phải lập ra cơ chế thực thi quyền lực kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Trước thực tế thực thi quyền lực chưa thật sự công tâm, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XII và Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII đã nhấn mạnh: phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực thi dân chủ một cách thực chất và kiểm tra, giám sát chặt chẽ; xử lý nghiêm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sai phạm; yêu cầu mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện, tự quản lý, kiểm soát chính mình trước những tham vọng quyền lực và cám dỗ lợi ích vật chất trước sự tha hóa, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa;… Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”[22]. Sự khẳng định trên đã thể hiện nhận thức và vận dụng đúng đắn của Đảng ta trong điều kiện mới về việc kiểm soát quyền lực chính trị, nhất là quyền lực Nhà nước để đảm bảo quyền, lợi ích tối cao thuộc về nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 5, tr.327.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 5, tr.636.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 15, tr.672.
[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr.51.
[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr.65.
[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 12, tr.375.
[7]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 1, tr.473.
[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 6, tr.127.
[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 5, tr.328.
[10]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 5, tr.328.
[11]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 14, tr.362.
[12]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 13, tr.35.
[13]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 13, tr.36.
[14]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 5, tr.328.
[15]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 9, tr.259.
[16]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 5, tr.636.
[17]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 8, tr.60.
[18]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 6, tr.16.
[19]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.52.
[20]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.169.
[21]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.203.
[22]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, tập I, tr.174-175.
PGS. TS Doãn Thị Chín