Sign In

Đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng

10:14 29/05/2024
(Dangbodanang.vn) - Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố Đà Nẵng hiện có 98 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 43 sản phẩm đạt 4 sao, 54 sản phẩm đạt 3 sao. Kết quả này có được bên cạnh sự nỗ lực, vượt khó của chính chủ thể OCOP còn có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương đã vận động, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp triển khai phong trào khởi nghiệp, phát triển thương hiệu của mình.

 

Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Đà Nẵng tại chợ Hàn.

 

Có mặt trên thị trường từ năm 2015, sản phẩm cá nục của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hồng Phát Khang, Đà Nẵng được nhiều người dân, du khách đánh giá cao về hương vị và chất lượng. Sản phẩm với nguyên liệu chính là cá nục tươi ngon, quen thuộc với người dân địa phương, khi chế biến kết hợp với các gia vị đặc trưng như tỏi Lý Sơn, nước mắm Nam Ô,… đã làm đậm hơn hương vị truyền thống. Theo chị Lê Thị Hồng, Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hồng Phát Khang, sản phẩm cá nục đạt chuẩn OCOP 4 sao của thành phố vào đầu năm nay, hiện công ty đã nhận thêm rất nhiều đơn đặt hàng từ 2 đầu đất nước cho sản phẩm của mình, đặc biệt, có đơn hàng lên tới hàng ngàn sản phẩm. Hiện sản phẩm đã kết nối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan và có mặt trên kệ của tất cả hệ thống siêu thị WinMart trong cả nước. Để chuẩn bị cho mùa sản xuất cao điểm sắp tới, đơn vị cũng đã tăng thêm nhân công và liên kết với các chuỗi siêu thị, cửa hàng đặc trưng, để đưa sản phẩm tới gần người dân và du khách hơn.

Cũng là chủ thể của sản phẩm OCOP 4 sao của Đà Nẵng, anh Huỳnh Đức Sol, chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, cho biết: Mùa cao điểm dịch vụ và du lịch hè sắp tới, đây chính là thời điểm sản xuất chính của cơ sở, cung cấp sản phẩm đến người dân và du khách khắp nơi. Các đơn hàng trong dịp này thường tăng gấp 2 đến 3 lần về số lượng. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất từ 4.000 – 5.000 sản phẩm bánh khô mè, giá dao động từ 20.000 – 50.000 đồng/hộp.

Với việc sở hữu 98 sản phẩm OCOP đạt chất lượng tốt, Đà Nẵng hiện đang đẩy mạnh công tác quảng bá, để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Để làm điều này, mặt trận các cấp, đoàn thể, các ngành tăng cường tuyên truyền trực quan, hướng dẫn, phổ biến, cung cấp tài liệu phân biệt hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để người tiêu dùng nhận diện, tổ chức nhiều “Phiên chợ hàng Việt” các cấp để kết nối cung cầu sản phẩm. Ghi nhận tại quận Thanh Khê, tính đến đầu tháng 5-2024 đã có 9/10 phường tổ chức các phiên chợ hàng Việt, với tổng 114 gian hàng. Các phiên chợ được Mặt trận các phường tổ chức chu đáo tạo điều kiện đưa các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm OCOP, đặc trưng của địa phương đến tay người tiêu dùng. Thời gian đến, Mặt trận quận sẽ phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức các phiên chợ hàng Việt nông sản - hải sản, tổ chức ngày hội Phụ nữ - Thanh niên khởi nghiệp đưa hàng Việt về bán ưu đãi tại các khu chung cư, khu nhà tập thể công nhân lao động, các ký túc xá sinh viên. Còn theo thống kê từ Mặt trận thành phố, Mặt trận các cấp đã tổ chức 203 lượt trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hàng Việt, sản phẩm đặc trưng, truyền thống của Đà Nẵng, sản phẩm OCOP qua các phiên chợ hàng Việt”, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Thị Bích Hậu cho biết: Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố đã phát huy rất tốt hiệu quả mang lại, giúp phát triển kinh tế của nhiều hộ dân, đơn vị, doanh nghiệp. Thời gian đến, Sở sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng theo chu trình OCOP, đối với các sản phẩm đạt 3 sao hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, đổi mới công nghệ, quy trình kỹ thuật; quản lý chất lượng, bao bì, nhãn mác theo quy định, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đối với sản phẩm OCOP 4 sao, bên cạnh việc hoàn thiện, chuẩn hóa sản phẩm, nghiên cứu lựa chọn sản phẩm tiềm năng 5 sao để tập trung chuẩn hóa, nâng cấp tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp Trung ương. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn và sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Cùng với đó hướng dẫn cho các doanh nghiệp nâng tầm hơn nữa sản phẩm của mình để tạo uy tín về thương hiệu.

Sở Công Thương thành phố cho biết, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, hội, hiệp hội doanh nghiệp tổ chức thực hiện chương trình, chính sách trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Theo đó, sở hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu cho 3 cơ sở; tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói và đặt mua bao bì cho 3 cơ sở; đánh giá sản xuất sạch hơn cho 7 doanh nghiệp; ứng dụng máy móc thiết bị cho 16 đơn vị; tư vấn và hỗ trợ xây dựng 2 mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho 2 đơn vị, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, sản phẩm lưu niệm quà tặng… với tổng kinh phí hỗ trợ gần 4,5 tỷ đồng.

Đồng thời, Sở Công Thương thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của thành phố. Tiêu biểu như trong tháng 4 vừa qua, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã kết hợp với Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang và Sở Công thương Cần Thơ tổ chức 2 hội nghị kết nối cung - cầu giữa các địa phương. Đó là cơ hội để các nhà phân phối, cơ sở sản xuất kinh doanh trao đổi, chia sẻ những nhu cầu, khả năng trong hợp tác, kinh doanh, góp phần đưa hàng Việt Nam và sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của hai địa phương đến với người tiêu dùng cả nước và xuất khẩu.

 Có thể thấy, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh nhiều giải pháp hiệu quả để quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. Đặc biệt, hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang tập trung quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương trong các hoạt động du lịch trọng điểm của thành phố. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp OCOP, đòi hỏi mỗi đơn vị, phải cải thiện hơn nữa năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, để có thể nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu, góp phần đưa thương hiệu sản phẩm đặc trưng Đà Nẵng vươn xa hơn.

Nguyên Khang

 

Tag:

File đính kèm