Sign In

Câu chuyện “hoà nhập xanh” của những bạn trẻ khuyết tật

12:44 17/10/2023
(Dangbodanang.vn) - Cứ vào sáng chủ nhật hằng tuần, dọc bãi biển Nguyễn Tất Thành, không ai bảo bảo ai, mỗi người với những bước đi khập khiểng, đôi tay không được lành lặn vẫn cố gắng nhặt từng loại rác thải túi nilon, vỏ hộp, chai nhựa, lon bia, rác … phân loại cho vào bao rồi vận chuyển đến nơi tập kết, làm sạch khuôn viên bãi biển, giữ sạch môi trường biển trong lành.

Hoạt động của nhóm Hòa nhập xanh luôn nhận được sự hưởng ứng của các bạn trẻ.

“Tàn nhưng không phế”, phương châm ngắn gọn nhưng hết sức ý nghĩa đã gắn kết những người khuyết tật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để cho ra đời nhóm Hòa nhập xanh năm 2019, với mục tiêu hoạt động bảo vệ môi trường. Thời gian qua, hình ảnh một nhóm người khuyết tật, ngày ngày cần mẫn nhặt từng mẫu rác để làm sạch môi trường đã để lại trong lòng người dân thành phố những ấn tượng tốt đẹp. Tuy cơ thể không được lành lặn, nhưng họ nhận thức việc bảo vệ môi trường không phải là việc của riêng ai. Câu chuyện về sự tử tế của nhóm khuyết tật nhóm Hòa nhập xanh đã chạm trái tim của nhiều người, đánh động vào ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng xã hội.

Chia sẻ về tên của nhóm Hòa nhập xanh ngay ngày đầu thành lập, anh Mai Huỳnh Quốc Thống (34 tuổi) tâm sự: Nhóm Hòa nhập xanh chính là nơi để những người khuyết tật có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng, góp sức của mình vào công cuộc bảo vệ môi trường sống trong lành, sạch đẹp, và đây là mong muốn của chính những người khuyết tật như anh. Anh Thống bộc bạch: “Khi mình làm việc này thì mong muốn của mình và mọi người có ý thức làm sạch môi trường. Làm công việc này là người khuyết tật chung tay bảo vệ môi trường, có nghĩa những người khuyết tật như mình làm được thì có nghĩa là những người bình thường cũng có thể làm được”.

Ra đời vào tháng 5 năm 2019, nhóm Hòa nhập xanh có 05 thành viên là người khuyết tật. Dù mỗi người mỗi việc, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng cứ đến chủ nhật, mọi người lại cùng nhau có mặt tại những điểm nóng về rác thải. Từ bãi biển Mân Thái, biển Nguyễn Tất Thành đến cảng cá Thọ Quang,… cứ hễ ở đâu có rác thì mọi người lại đi nhặt cho bằng hết.

Với đôi nạng gỗ, chị Đặng Thị Mỹ Trinh (40 tuổi) từng bước chầm chậm kéo chiếc bao tải đi dọc vỉa hè ven biển đường Nguyễn Tất Thành, dùng kẹp sắt gắp từng chiếc ly, đĩa nhựa còn dính thức ăn mà người ta đã vứt lại trên vỉa hè trong đêm qua. Dừng tay một lúc, chị Trinh chia sẻ, ban đầu, khi nhóm đi nhặt rác một số người cảm thấy ái ngại, họ nghĩ chắc cũng chỉ được vài ba hôm. Nhưng sau này, nhờ vào sự siêng năng và tình yêu với môi trường, nhóm đã làm mọi người có cái nhìn khác. Chị Mỹ Trinh tâm sự: “Quá trình di chuyển của người khuyết tật rất là khó khăn. Nhiều lúc nói về tự ti mặc cảm trong xã hội cũng có rất nhiều, nhưng nhờ sự động viên và nỗ lực của các tình nguyện viên, thì các anh chị em người khuyết tật tự tin hơn, làm những việc mà mình mong muốn nếu như có đủ sức khỏe”.

Sau quá trình hoạt động, nhóm có thêm một số bạn tình nguyện viên là những bạn trẻ có tình yêu với môi trường. Đối với họ, niềm vui là có thể bảo vệ môi trường bằng chính sức lực của mình. Và quan trọng là từ những việc làm của mình, họ đã thay đổi được suy nghĩ của nhiều người – hãy sống tử tế với môi trường. Chị Trần Mỹ Hà, trú tại quận Sơn Trà, chia sẻ: “Thấy các anh chị khuyết tật dọn rác mình cảm thấy rất ngưỡng mộ họ. Mình phải cố gắng thay đổi để góp một phần nhỏ như dọn vệ sinh, nhặt rác để khu phố sạch đẹp hơn”.

Từng chứng kiến các thành viên nhóm Hòa nhập xanh nhặt rác tại các bãi biển, chị Nguyễn Thị Anh Thơ, trú tại quận Liên Chiểu, cảm phục: “Mình cảm thấy các anh chị rất là tuyệt vời. Đây là hoạt động rất là thiết thực, mình sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường”.

Một trong những khó khăn của nhóm Hòa nhập xanh là nhiều điểm đen rác thải tiềm ẩn nguy hiểm như kim tiêm, hay các rác thải độc hại. Chính vì thế, các thành viên trong nhóm luôn nhắc nhở nhau mang bao tay, kẹp sắt để bảo vệ bản thân trong mỗi lần thu gom, dọn rác. Rác sau khi được thu gom, dọn dẹp được nhóm đưa về nơi tập kết. Riêng những loại rác có thể tái chế như giấy, vỏ lon, chai nhựa,… sẽ được thu gom bán gây quỹ cho các hoạt động thiện nguyện khác.

Hoạt động của nhóm Hòa nhập xanh mang lại hiệu quả khá rõ, những điểm nóng về rác thải môi trường đã vơi dần, không còn bãi tập kết rác thải, góp phần làm trong sạch môi trường ven biển. Cách làm nhỏ nhưng đã lan tỏa thông điệp về câu chuyện của người khuyết tật làm sạch môi trường. Với những hoạt động ý nghĩa và đầy tính nhân văn, nhóm Hòa nhập xanh đã nhận được sự yêu mến, ủng hộ nhiệt tình từ những người dân thành phố.

Vân Khánh

 

 

 

Tag:

File đính kèm