|
Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc (bên phải) tham gia “Ngày nông thôn mới” với người dân xã miền núi Hòa Bắc. Ảnh: NVCC |
Theo chia sẻ của nhiều học viên, với từng người ở từng chức vụ, vị trí công tác khác nhau, điểm chung giữa họ là niềm tự hào, may mắn, hạnh phúc và lòng biết ơn khi được tham gia Đề án 89. Đề án cho họ những cái được, từ kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, thuyết trình trước đám đông… Từ nền tảng ở trường học, sự vận dụng kiến thức vào điều kiện công tác thực tiễn đã giúp họ trưởng thành, nâng cao bản lĩnh chính trị. Với học viên, quá trình trui rèn, lăn lộn từ cơ sở là thời gian quý giá, cho họ những bài học về công tác lãnh đạo, điều hành, xử lý tình huống, thử thách năng lực, bản lĩnh bản thân.
Hành trang ý nghĩa
Là học viên khóa đầu Đề án 89, trải qua nhiều ví trí công tác từ cán bộ chủ chốt phường đến quận, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Quận ủy Hải Châu Trương Thu cho rằng, sau 14 năm tham gia đề án, có khoảng 85% học viên đã vào vị trí cán bộ chủ chốt hoặc phó chủ tịch phường, xã trở lên. Có học viên hiện nay đang công tác tại một vụ Trung ương đóng tại Đà Nẵng, có người làm việc ở ban, ngành thành phố và rất nhiều ở các quận, huyện. Trong đó, có thể kể đến anh Lê Tấn Dũng, Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy; chị Phan Thị Nữ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quận ủy Sơn Trà; anh Nguyễn Hữu Trung, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ninh, nay công tác tại Vụ Địa phương II, Ban Tổ chức Trung ương.... Điều này chứng tỏ sự thành công của Đề án 89 rất đáng kể, nếu không nói là một đề án đào tạo nguồn thành công nhất của cán bộ phường, xã từ trước đến nay.
Dễ nhận thấy, đề án được xây dựng trên tinh thần đột phá quyết liệt, được theo dõi, chăm sóc đến tận hôm nay của lãnh đạo thành phố. Lần đầu tiên một đề án quyết định chi hỗ trợ kinh phí học cho cả đối tượng không phải là cán bộ, công chức. Quá trình học tập, có đánh giá, khen thưởng và định hướng đích đến rõ ràng cho học viên khi còn đang ngồi trên giảng đường. Mặt khác, để phát huy hiệu quả của đề án, Thành ủy đã ban hành nhiều chủ trương tạo tính ràng buộc để các cơ sở phải sử dụng nguồn từ đề án, qua đó cấp cho thành phố một lực lượng cán bộ phường, xã rất lớn, đến nay cơ bản đã vào vị trí cán bộ chủ chốt hoặc phó chủ tịch phường, xã trở lên.
Nhìn nhận ở góc độ tiếp nối, kế thừa từ Đề án 89 đến đề án mới vừa ban hành của Thành ủy về tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố, anh Trương Thu cho rằng, lực lượng cán bộ, công chức trẻ hiện nay năng động, tiếp cận chủ trương, chính sách mới nhanh chóng, dễ bặt kịp sự cải cách trong tình hình mới để hực hiện tốt nhiệm vụ.
Lê Thị Thu Hà, học viên Đề án 89, hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Bắc, đại biểu HĐND huyện Hòa Vang. Sau 1 năm theo học đề án, Hà trở về địa phương, công tác tại UBND xã Hòa Khương một thời gian, rồi được điều động về công tác tại xã miền núi Hòa Bắc, giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã khi vừa mới 25 tuổi. Công tác tại một xã miền núi nghèo, với Hà lúc đó là một hành trình dài đầy gian nan và thử thách...
Trải qua nhiều vị trí công tác, gắn bó mật thiết với người dân trong từng phong trào, từng chủ trương, chính sách giúp chị Hà trưởng thành, rồi xem Hòa Bắc như ngôi nhà thứ hai của mình. 14 năm công tác tại đây, chị thấy mình được nhiều hơn là mất, mà được nhất là bà con yêu thương, tin tưởng, quý mến. Khi được hỏi, nhiều người cho rằng, sự đổi thay của Hòa Bắc, từ một xã miền núi, đời sống người dân nhiều khó khăn, thu nhập thấp, đường sá đi lại khó khăn, đến nay đã trở mình, thành điểm du lịch cộng đồng nổi bật có tiếng vang không chỉ ở trong nước, mà cả du khách nước ngoài rất quan tâm. Sự đổi thay rõ nét nhất là trong đời sống của người dân Hòa Bắc hôm nay. Thành tựu đó là sự nỗ lực, phấn đấu của cả đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Bắc, song không thể phủ nhận dấu ấn rõ nét của nữ Bí thư Đảng ủy trẻ tuổi, nhiệt huyết, đầy khát vọng.
Mở ra môi trường mới để trưởng thành
Với Đặng Minh Trí, Chánh văn phòng Quận ủy Liên Chiểu, quãng thời gian học tại Đề án 89 được trang bị nhiều kiến thức bổ ích cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Sau khi tốt nghiệp đại học Kinh tế Đà Nẵng, Trí tham gia đề án, bắt đầu tiếp cận một lĩnh vực hoàn toàn khác so với chuyên ngành được đào tạo ở trường đại học. Với Trí, đây là trải nghiệm rất thú vị, mới mẻ, mới cả về môi trường, bạn bè, thầy cô và kiến thức lĩnh hội. Phương pháp giảng dạy, học tập cũng hoàn toàn khác. Tham gia giảng dạy lớp học phần lớn là thầy cô đã và đang công tác, đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý từ thành phố, quận, huyện đến cơ sở.
Sau gần 15 năm công tác, Trí trưởng thành qua nhiều chức vụ, từ Phó Bí thư Đảng ủy phường Hòa Minh, Bí thư Quận đoàn và Chánh văn phòng Quận ủy Liên Chiểu như hiện nay. Sự trưởng thành đó, bắt đầu từ những kiến thức, bài học trong quãng thời gian học tại Đề án 89. “Nếu được quay lại tham gia đào tạo các lớp tương tự như Đề án 89, bản thân mong muốn trong kết cấu của chương trình giảng dạy sẽ có nhiều hơn nữa những tiết học đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng hội họp, kỹ năng thuyết trình… và tham gia các chương trình thực tế tại các cơ quan, đơn vị nhiều hơn, giúp cho học viên hoàn thiện về lý luận và thực tiễn, hỗ trợ tốt hơn cho quá trình công tác sau này”, anh Trí chia sẻ.
Trưởng phòng Kinh tế quận Liên Chiểu Dương Thị Thanh Thủy cũng là học viên Đề án 89. Sau khi hoàn thành đào tạo được bố trí về làm chuyên viên văn phòng UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), Thủy phải khởi đầu mới với tất cả, từ công việc chuyên môn, tìm hiểu và nắm địa bàn, văn hóa, phong tục, tập quán, tính cách con người của vùng đất mới mà trước nay chưa hề hình dung gì về nó, mới kể cả nơi ở của mình.
“Thật sự rất nhiều bỡ ngỡ ở giai đoạn này. Nếu không có 1 năm đào tạo theo Đề án 89, có lẽ mình khó vượt qua được giai đoạn này. Khi tham gia đề án, học viên ngoài học kiến thức chuyên môn nghiêng về lý luận chuyên sâu, thì còn được truyền đạt một số kỹ năng thuyết trình, diễn thuyết hội nghị, xử lý tình huống ở vị trí công tác cụ thể. Dù vậy, với những sinh viên mới ra trường, khi bắt đầu công tác, hầu như chưa có kinh nghiệm, vốn sống, kỹ năng xử lý tình huống”, chị Thủy cho biết.
Trong suốt 15 năm công tác, chị Thủy trải qua nhiều vị trí chức vụ khác nhau, từ cơ sở đến cấp quận, từ chuyên viên văn phòng đến công tác quản lý, lãnh đạo đều cho bản thân những trải nghiệm thú vị, sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và nỗ lực hoàn thiện bản thân để trưởng thành hơn sau mỗi lẫn “dời bến”, với mỗi vị trí công tác là một trải nghiệm và thử thách mới. Đó là nhờ bước khởi đà từ những bài học, kiến thức sách vở, kinh nghiệm thầy cô, bạn bè khi còn tham gia đề án và sự vận dụng, sáng tạo của bản thân trong quá trình công tác.
Cũng là học viên Đề án 89, Nguyễn Thị Lệ Huyền hiện nay là Chủ tịch UBND phường Phước Ninh (quận Hải Châu). Chị Huyền cho biết, được chọn tham gia đề án là một may mắn đối với bản thân. Tham gia đề án giúp chị được cung cấp nhiều kiến thức trên nhiều lĩnh vực liên quan tới công tác quản lý Nhà nước ở cấp phường, xã. Đây là điều kiện tiên quyết hỗ trợ đáng kể cho Huyền trong quá trình công tác sau này. Giảng viên của lớp học là những người có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực công tác, nên học viên đề án vừa được cung cấp cả lý luận và kinh nghiệm thực tế. Tính ưu việt của đề án, đó là chính sách tặng học bổng hàng tháng cho 5 học viên xuất sắc nhất của lớp. Đây là cách làm rất hay vì động viên được tinh thần và tạo động lực cho học viên phấn đấu, nỗ lực. Các học viên đạt thành tích cao trong cả khóa học cũng được chủ động chọn nhiệm sở để công tác sau khi ra trường.
Theo Trọng Huy (Báo Đà Nẵng)