Sign In

Phấn đấu hoàn thành, đóng điện hai trạm biến áp 220 kV trong năm 2025

18:43 25/08/2023
BẮC GIANG - Chiều 25/8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về việc phối hợp công tác đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải, phân phối và tình hình cung ứng điện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam đồng chủ trì.

Cùng dự có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Lượng điện tiêu thụ liên tục tăng

5 năm gần đây lượng điện tiêu thụ của Bắc Giang thường xuyên tăng, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm đứng tốp đầu trong cả nước. Giai đoạn 2016-2020, công suất tăng trưởng trung bình 16,57%, điện thương phẩm tăng trưởng bình quân 21,23%. Điện thương phẩm năm 2022 tăng 18,32% so với năm 2021. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, điện thương phẩm đạt 3 tỷ kWh, tăng 12,17% so với cùng kỳ.

Điều này khẳng định sự phát triển KT-XH nhanh của tỉnh song là sức ép lớn về cung cấp điện. Vì thế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức cuộc làm việc với tỉnh Bắc Giang nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc để đáp ứng nhu cầu điện của địa phương.

Đồng chí Đặng Hoàng An trao đổi tại hội nghị.

Đồng chí Đặng Hoàng An trao đổi tại hội nghị.

Một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu điện tăng cao là Bắc Giang phát triển mạnh công nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp (KCN), dự kiến đến năm 2030 có 29 KCN và 63 cụm công nghiệp (CCN).

Về tình hình cung ứng điện, đến nay, lưới điện tỉnh Bắc Giang được cấp nguồn từ 4 trạm biến áp (TBA) 220 kV với tổng công suất đặt là 1.750 MVA; 19 TBA  110 kV; 196 đường dây trung áp với tổng chiều dài là 3.934 km; 14.357 km đường dây hạ áp. 

Theo phương án phát triển mạng lưới cấp điện tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp vào Quy hoạch tỉnh: Bổ sung 2 TBA 500 kV với tổng công suất 1.800 MVA; xây dựng mới 50 km đường dây 500 kV; xây dựng mới 7 TBA 220 kV với tổng công suất 2.000 MVA; cải tạo, xây dựng mới 365 km đường dây 220 kV; xây dựng mới 49 TBA 110 kV với tổng công suất 5.457 MVA; xây dựng mới 350 km đường dây 110 kV.

Nhiều vướng mắc trong thực hiện dự án

Xác định điện có vai trò thiết yếu đối với sản xuất, đời sống, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang luôn sát sao, quyết liệt chỉ đạo UBND huyện, TP chủ động phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khi thi công dự án điện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn đối với các dự án đầu tư xây dựng các công trình điện có thu hồi đất. 

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có hướng dẫn chi tiết về việc triển khai các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và chi phí cho việc lập, thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư thống nhất chung các địa phương trên cả nước; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có quy định đặc thù cho dự án lưới điện trung, hạ áp theo hướng không phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án này. Trước mắt, đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc hướng dẫn triển khai thực hiện trong năm 2023.

Với việc xác định phát triển công nghiệp trọng tâm trong những năm tới, tỉnh đề xuất đầu tư đường dây và TBA 220 kV Yên Dũng và Lạng Giang, đóng điện trong năm 2025. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án 110 kV đã giao danh mục đầu tư như: Đường dây 110 kV Lục Ngạn - Sơn Động; đường dây 110 kV Bắc Giang - Lạng Sơn; đường dây 110 kV Bắc Giang - Đình Trám - Quang Châu...; cải tạo đường dây 110 kV Bắc Giang - Phả Lại; sớm giao danh mục đầu tư các dự án TBA 110 kV Quang Châu 3, Vân Trung 3. Ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn để nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng.

Tăng cường phối hợp hoàn thiện hạ tầng điện

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Hoàng An cho rằng, việc xây dựng TBA 220 kV tại Yên Dũng, Lạng Giang là việc làm cấp thiết, cần thực hiện sớm. Theo đó, yêu cầu đơn vị chuyên môn của Tập đoàn thực hiện các giải pháp, đưa công trình vào vận hành trong năm 2025. Cùng đó, các công trình liên quan đến bổ sung nguồn điện cho Bắc Giang cần khởi công kịp thời. 

Đồng chí cũng đề nghị, trong điều chỉnh quy hoạch tỉnh tới đây, Bắc Giang cần xác định rõ vị trí quy hoạch điện. Ngành Điện sẵn sàng cùng tỉnh lập bản đồ kết cấu, mạng lưới điện cho Bắc Giang bảo đảm phù hợp, sát thực. 

Đồng chí Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương nêu thực trạng cung ứng điện tại tỉnh Bắc Giang.

Đồng chí Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương nêu thực trạng cung ứng điện tại tỉnh Bắc Giang.

Hiện nay, hệ thống điện của Bắc Giang vẫn chủ yếu bám vào đường đường dây cũ do đó, có vị trí không đấu nối được. Đề nghị tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các sở, ngành tích cực phối hợp để thiết kế hệ thống điện bài bản, tốt nhất đáp ứng nhu cầu phát triển. Với các kiến nghị của Bắc Giang, đồng chí yêu cầu đơn vị chuyên môn bám sát, giải quyết từng việc cụ thể.

Qua nghe ý kiến của các đại biểu, đồng chí Lê Ánh Dương thông tin, Bắc Giang  đang trong giai đoạn phát triển vàng. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì quy mô kinh tế của tỉnh không ngừng tăng. Bắc Giang xác định, đầu tầu phát triển trong thời gian tới là công nghiệp, phấn đấu 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Sau đó từ tỉnh công nghiệp sẽ sang tỉnh đô thị dịch vụ, chuyển trọng tâm tăng trưởng về chất. 

Để có kết quả phát triển kinh tế như hiện nay có sự đóng góp lớn của ngành Điện. Bắc Giang đánh giá cao sự quan tâm, giúp đỡ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong giải quyết các vấn đề liên quan đến điện lực. Hiện nay, điện bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt trong địa bàn tỉnh song ngày càng có nhiều nhà máy mở rộng quy mô, tốc độ đô thị nhanh thì yêu cầu sử dụng điện ngày càng cao. Vì vậy, Bắc Giang mong tiếp tục được bổ sung nguồn, hoàn thiện hệ thống điện.

Sau hội nghị này, đồng chí yêu cầu Sở Công Thương tổng hợp vướng mắc liên quan đến chấp thuận đầu tư, đánh giá tác động môi trường triển khai dự án điện để bàn hướng giải quyết; xây dựng cơ chế phối hợp với thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Chủ tịch UBND các huyện, TP quan tâm GPMB, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, tránh vướng mắc một trường hợp nhỏ, ảnh hưởng cả dự án lớn; vận hành lưới điện an toàn. 

Tin, ảnh: Trường Sơn

 

Tag:

File đính kèm