Ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư chiến lược
Nghị quyết 147 được ban hành với nhiều định hướng quan trọng. Trong đó, yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác mời gọi, xúc tiến đầu tư (XTĐT). Bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện thực hóa Nghị quyết này, UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.
|
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Samkwang Vina, KCN Quang Châu (Việt Yên). |
Theo đó, về phương thức XTĐT, tỉnh xây dựng các tài liệu XTĐT “online” (thay vì tài liệu giấy) với 5 ngôn ngữ: Tiếng Anh, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các tài liệu được thiết kế đơn giản, xúc tích, dễ xem và được mã hóa QR. Do vậy, các số liệu luôn được cập nhật mới nhất, dễ tiếp cận trên mọi nền tảng công nghệ. Về nội dung XTĐT, giai đoạn trước, tỉnh tập trung giới thiệu những lợi thế sẵn có như là “tỉnh miền núi”, “nhân công giá rẻ”…
Nhưng giờ đây Bắc Giang đang xây dựng hình ảnh một tỉnh công nghiệp hiện đại với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, tốp đầu cả nước; nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng và số lượng theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Về quan điểm XTĐT, tỉnh thu hút đầu tư có chọn lọc và phải phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương.
Cụ thể, tỉnh tập trung thu hút các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng tiết kiệm đất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách. Tỉnh cũng chuyển từ xúc tiến thụ động sang chủ động có mục tiêu. Chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư mục tiêu, thị trường đầu tư tiềm năng, ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư chiến lược.
Ông Đồng Anh Quân, Giám đốc Trung tâm XTĐT và Phát triển doanh nghiệp (DN) Bắc Giang cho biết, điểm nhấn nâng cao hiệu quả công tác XTĐT ở giai đoạn này là tỉnh tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo vùng lãnh thổ, lĩnh vực đầu tư. Đối với đầu tư ngoài nước: Gặp gỡ các nhà đầu tư thuộc các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Đối với đầu tư trong nước: Tập trung xúc tiến với các nhà đầu tư nằm trong tốp 500 DN lớn nhất Việt Nam. Đối với các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn: Tăng cường gặp mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn đầu tư (như giải phóng mặt bằng, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính...). Đồng thời, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, năng lực cho cán bộ làm công tác XTĐT. Hằng năm, tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình XTĐT của tỉnh, làm cơ sở triển khai các hoạt động XTĐT từng năm một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Phát triển công nghiệp là trụ cột, động lực cho phát triển
Với những nỗ lực, cách làm mới, tỉnh Bắc Giang đã gặt hái được những thành công ban đầu ấn tượng. Trong năm 2022, Bắc Giang thu hút được hơn 1,3 tỷ USD vốn đầu tư, với 518 dự án FDI (số vốn đăng ký đạt hơn 1,07 tỷ USD, đây đều là những dự án có hàm lượng công nghệ cao, liên quan lĩnh vực điện tử, năng lượng sạch…).
Chỉ tính riêng quý I, Bắc Giang đã thu hút hơn 1,1 tỷ USD, tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2022, là địa phương đầu tiên ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2023. Năm nay, Bắc Giang cũng đã có bước nhảy vọt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với chỉ số PCI năm 2022 đứng thứ 2 cả nước, tăng 29 bậc so với năm 2021.
“ Nghị quyết 147 chính là định hướng, là tiền đề để đến năm 2030, Bắc Giang sẽ trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững, góp phần đưa Bắc Giang thành một cực tăng trưởng mới ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc”. Ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh |
Ngày 4/5 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hai Nhà đầu tư: Hiuv Applied Material Technology Investment Pte.ltd và Yonz Technology Singapore Pte.Ltd để thực hiện dự án tại các khu công nghiệp (KCN): Việt Hàn (Việt Yên) và Yên Lư (Yên Dũng) với tổng vốn đăng ký 132 triệu USD. Đây là những DN có năng lực tài chính lớn, có nhu cầu đầu tư ổn định.
Đại diện Nhà đầu tư Hiuv Applied Material Technology Investment Pte.ltd chia sẻ, đơn vị mong muốn được đầu tư lâu dài tại Bắc Giang, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái sản xuất của ngành năng lượng mặt trời tại Việt Nam và đóng góp vào phát triển kinh tế cho tỉnh Bắc Giang.
Theo ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, việc phát triển công nghiệp ở mỗi địa phương hay một quốc gia là con đường tất yếu. Trong giai đoạn trước, công nghiệp của Bắc Giang đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh; thiếu những dự án lớn, hiệu quả đầu tư chưa cao, vẫn phổ biến các dự án lắp ráp, thâm dụng lao động; thu nộp ngân sách thấp...
Nghị quyết 147 ra đời có ý nghĩa quan trọng, tìm ra con đường phát triển cho công nghiệp Bắc Giang một cách nhanh và bền vững. Nghị quyết 147 yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, hài hoà với phát triển nông nghiệp, dịch vụ, đô thị; coi phát triển công nghiệp là trụ cột, là động lực chính cho sự phát triển; phát triển công nghiệp phải phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh, có sự liên kết hài hoà trong tổng thể vùng; lựa chọn các dự án đầu tư có chất lượng, hiệu quả ; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm đời sống của công nhân lao động.
Bài, ảnh: Thế Đại