Sign In

ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

00:00 05/06/2024

 

10ef.jpg
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn, bà Hồ Thị Kim Ngân nêu câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhóm vấn đề chất vấn lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch gồm các nội dung: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Làm thế nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội là vấn đề được Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn, bà Hồ Thị Kim Ngân đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, trong thời gian qua, du lịch di sản ở nước ta đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhiều di sản được khai thác tối đa giá trị kinh tế đã khiến điểm tham quan di tích quá tải, lộn xộn, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm, làm mất đi tính thiêng liêng của lễ hội; các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều phải trải qua quá trình “hàng hóa hóa” di sản. Quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, không theo chu kỳ hoạt động của di sản, mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách.

 

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này và giải pháp nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội, không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi di sản văn hóa và môi trường.

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và đề cao trách nhiệm bảo vệ các di tích, di sản; quan điểm của ngành là cần phải bảo tồn, phát huy và biến các di tích, di sản thành tài sản có giá trị trong phát triển kinh tế, tuy nhiên không phải làm bằng mọi giá.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, giải pháp căn cơ cho vấn đề này là sau khi các di tích, di sản văn hóa được công nhận, phải tôn trọng và thực hiện các cam kết, các phương án bảo vệ di tích, di sản của chính quyền địa phương khi xây dựng đề án đề nghị công nhận di tích, di sản. Tổ chức thực hiện nghiêm để điều này đi vào trong tiềm thức, không lợi dụng phát triển du lịch làm xấu đi hình ảnh của các di tích, di sản… Bên cạnh đó, khi các di sản văn hóa đã được công nhận, tôn vinh cũng cần biết khai thác nó một cách hợp lý, xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản có tính văn hóa và phát triển kinh tế từ đó.

 

Theo chương trình kỳ họp, sáng mai (06/6), Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn./.

Triệu Tuyên

(Theo baobackan.vn)

Tag:

File đính kèm