Sau khi nắm bắt được chủ trương của cấp trên, hệ thống chính trị của xã Vũ
Muộn (Bạch Thông) cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và
đồng thuận. Với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, cử tri đại diện hộ gia đình
thuộc các thôn sáp nhập đã thống nhất cho ý kiến về phương án và tên gọi với
tỷ lệ đồng thuận rất cao. Theo đó, xã chủ trương sáp nhập 2 thôn Khuổi
khoang và Nà Khoang, lấy tên gọi thôn mới thành lập là Bắc Sơn (86/86 cử tri
đồng ý với phương án sáp nhập và tên gọi); sáp nhập 3 thôn Đon Quản, Tân Lập
và Đâng Bun, lấy tên gọi mới là Thanh Sơn (120/120 cử tri với phương án sáp
nhập, 119/120 cử tri đồng ý với tên gọi mới); sáp nhập thôn Choóc Vẻn và Tốc
Lù thành thôn Nam Sơn (Có 95/95 cử tri đồng ý với phương án sáp nhập và tên
gọi mới); sáp nhập thôn Nà Kén và Còi Có với tên gọi mới là Trung Sơn (có
79/81 cử tri đồng ý với phương án sáp nhập, 78/81 cử tri đồng ý với tên gọi
mới). HĐND xã đã tổ chức Kỳ họp chuyên đề thông qua Đề án sắp xếp, sáp nhập
và đổi tên thôn.
Đồng chí Nguyễn Vũ Mão, Bí thư Đảng ủy xã
Vũ Muộn chia sẻ: “Sự đồng thuận của người dân là nhân tố tiên quyết bảo đảm
thành công cho việc sáp nhập thôn, tổ dân phố. Trước khi tuyên truyền, vận
động Nhân dân, chúng tôi làm bước đệm là thuyết phục đội ngũ cán bộ thôn,
đảng viên, người có uy tín và các hội, đoàn thể. Đây là những người gần gũi
Nhân dân, có uy tín trong cộng đồng nên việc tuyên truyền giúp dân hiểu, dân
đồng thuận thuận lợi hơn rất nhiều”.
Hơn 01 tháng nay, anh Hoàng Văn Thợi,
Trưởng thôn Nà Đấu, xã Trần Phú (Na Rì) phối hợp với các đoàn thể và cán bộ
xã tập trung cao độ cho nhiệm vụ sáp nhập thôn. Theo phương án được xây dựng
các thôn: Nà Đấu (32 hộ), Nà Liềng (59 hộ) và Nà Coòng (12 hộ) sáp nhập với
nhau lấy tên Nà Liềng. Quá trình lấy ý kiến của người dân trong thôn thuận
lợi, đa số bà con đồng thuận với phương án sắp xếp và tên gọi thôn sau sáp
nhập.
“Người dân trong thôn đồng thuận với việc
sáp nhập vì hiểu được đây là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Bà
con cũng mong muốn và tin tưởng sau sáp nhập sẽ tạo thêm động lực để phát
triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống”, anh Hoàng Văn Thợi bày tỏ.
Cùng với Bạch Thông, Na Rì các huyện, thành phố cũng đang khẩn trương, sốt
sắng để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này. Từ tổ chức hội nghị, ban hành văn
bản chỉ đạo, tổ chức rà soát, xây dựng phương án, đề án sáp nhập, tổ chức
tuyên truyền, họp lấy ý kiến Nhân dân, thông qua đề án.
Tính đến tháng cuối tháng 8/2024, toàn tỉnh có 1.292 thôn, tổ dân phố. Trong
đó, số thôn, tổ, tiểu khu đạt dưới 50% tiêu chuẩn theo quy định phải thực
hiện sáp nhập gồm 840 thôn và 107 tổ, tiểu khu. Tuy nhiên, qua thẩm định, rà
soát, thực tế quy mô số hộ gia đình ở một số thôn, tổ dân phố có sự thay đổi
thì số thôn, tổ dân phố thuộc diện sáp nhập là 826 thôn và 99 tổ, tiểu khu;
giảm 22 thôn, tổ so với dự kiến ban đầu. Qua tổng hợp phương án của các
huyện, thành phố, toàn tỉnh tiến hành sắp xếp, sáp nhập 807 thôn, tổ dân phố
để thành lập 385 thôn, tổ dân phố mới. Dự kiến số thôn, tổ dân phố toàn tỉnh
sau sáp nhập là 870 thôn, tổ dân phố, giảm 422 thôn, tổ dân phố.