Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 về việc ban hành Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trên cơ sở hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và cụ thể hóa các văn bản, biên soạn các biểu mẫu, xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, phản biện xã hội, đưa vào tiêu chí, đánh giá thi đua của các cơ sở Hội hàng năm và cả nhiệm kỳ, cụ thể: Kế hoạch số 11/KH-BTV, ngày 15/03/2018 về việc thực hiện Chương trình hành động thực hiện khâu đột phá của Hội “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ” nhiệm kỳ 2017-2022; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 13/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2027”.
Hàng năm, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề cho cán bộ Hội các cấp, quy trình thực hiện giám sát phản biện theo Quyết định số 217-QĐ/TW. Hàng năm, ngoài việc căn cứ vào định hướng của Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chú trọng đến các vấn đề mà cán bộ, hội viên phụ nữ quan tâm, thông qua báo cáo, các hội nghị giao ban hàng tháng, các buổi tiếp xúc cử tri của Hội đồng Nhân dân các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội và các Hội nghị đối thoại trực tiếp. Chú trọng xin chủ trương cấp ủy, chủ trì xây dựng kế hoạch, mời đại diện các ngành liên quan tham gia Đoàn giám sát; quyết định thành lập Đoàn giám sát... Khi tiến hành giám sát, các cấp Hội cũng chuẩn bị kỹ đề cương giám sát và gửi trước cho đối tượng được giám sát để đảm bảo việc chuẩn bị đúng trọng tâm, sát nội dung và có thời gian thảo luận về những vấn đề khó khăn, vướng mắc và đưa ra những đề xuất, kiến nghị.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội, các cấp Hội Phụ nữ đã chú trọng, mở rộng thành phần giám sát, tùy theo nội dung có thể mời thêm thành phần tham gia như: các ban của HĐND, Ủy ban MTQ, các sở, ngành liên quan. Một vấn đề khác cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng là việc in ấn, biên mục tài liệu liên quan, bao gồm các văn bản chỉ đạo của ngành dọc, đề xuất chương trình giám sát, phiếu điều tra, phương pháp giám sát. Đồng thời, việc theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát là một khâu quan trọng để qua đó đánh giá rõ nhất hiệu quả của công tác giám sát đang ở mức độ nào. Để làm được điều này, Hội LHPN tỉnh phân công cán bộ, ban chuyên môn theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị để giải quyết kịp thời.
Từ năm 2013 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã thành lập Đoàn và tổ chức 27 cuộc giám sát chuyên đề với 08 nội dung tại 19 cơ quan, đơn vị cấp huyện và 40 đơn vị cấp xã. Đồng thời tổ chức giám sát thông qua báo cáo và phiếu khảo sát đối với đối tượng được giám sát. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban, ngành liên quan giám sát 27 cuộc với 6 nội dung do về công tác bầu cử tại 46/126 cơ sở của 8/8 huyện/thị/thành phố; tham gia giám sát công tác quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các Ban Quản lý chợ Trung tâm thuộc Thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong, Lương Tài; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại huyện Lương Tài, Gia Bình; giám sát ATTP tại huyện Gia Bình, Tiên Du, TP Bắc Ninh…
Qua giám sát đã phát hiện nhiều tồn tại như: việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách còn thiếu, chậm, sai thông tin trên thẻ; phụ cấp cho Chi hội trưởng phụ nữ, kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động của Hội phụ nữ cơ sở không được chi trả kịp thời; phương tiện làm việc của Hội cơ sở chưa đảm bảo; việc tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Hội tham gia quản lý nhà nước tại một số địa phương chưa được quan tâm... Đoàn giám sát đã kịp thời có văn bản kiến nghị, đề xuất giải quyết. Nhiều kiến nghị, đề xuất của Hội sau giám sát đã được các cơ quan chức năng tiếp thu như: đảm bảo tỷ lệ nữ ứng cử cấp ủy, đại biểu HĐND các cấp ít nhất 35% trong danh sách chính thức; Nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội hàng tháng từ 270.000 đồng/tháng lên 350.000 đồng/tháng đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội (trong đó 1.230 lượt phụ nữ nghèo đơn thân nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi được thụ hưởng); Nâng mức hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết từ 45 triệu đồng/nhà lên mức 65 triệu đồng/nhà; Nghị quyết số 75/NQ-HĐND, ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh về việc thông qua chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH để cho vay hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Kết luận số 303-KL/TU, ngày 30/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng vi sinh IMO tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025...
Năm 2023, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định“Chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo và các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”với nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng của các chuyên gia và sở, ban, ngành liên quan. Bên cạnh đó, các cấp Hội thường xuyên tổ phản biện, góp ý bằng văn bản, hoặc góp ý trực tiếp tại hội nghị đối với các dự thảo về Chương trình, Nghị quyết, Kế hoạch, Quy định…của cơ quan Nhà nước các cấp. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến chuyên môn của các ban, ngành, đoàn thể và hội viên phụ nữ các văn bản như: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật BHXH; Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi), góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp, kế hoạch, chương trình, dự án, dự thảo các văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị định liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới... Ý kiến của hội viên, phụ nữ đã được các cấp Hội phụ nữ tổng hợp đầy đủ bằng văn bản và kiến nghị cơ quan chức năng các cấp sửa đổi, bổ sung. Trong 10 năm qua các cấp Hội các cấp Hội đã tiến hành phản biện bằng văn bản 691 dự thảo (trong đó cấp tỉnh tham gia phản biện 56 văn bản, cấp huyện 61 văn bản, cấp cơ sở 574 văn bản).
Công tác phối hợp giữa Hội LHPN với các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội ngày càng thường xuyên, chặt chẽ; đồng thời thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy vai trò, trách nhiệm trong hoạt động giám sát, phát hiện những thiếu sót trong thực hiện chính sách, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp sửa đổi, bổ sung điều chỉnh kịp thời trong văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, kế hoạch của địa phương đối với những vấn đề thực tiễn đặt ra với phụ nữ, trẻ em và công tác bình đẳng giới... Với những kết quả cụ thể đạt được qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã góp phần khẳng định vai trò, vị trí của các cấp Hội LHPN trong tỉnh, góp phần tích cực xây dựng Đảng, chính quyền địa phương ổn định, trong sạch, vững mạnh./.
Hội LHPN tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách trợ cấp xã hội đối với phụ nữ và trẻ em thuộc diện bảo trợ xã hội tại Thị xã Quế Võ
Đồng chí Nguyễn Phương Mai - TUV - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh kết luận tại Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định “Chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo và các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”