Đ.c Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Trung ương HND Việt Nam thăm mô hình trồng rau củ xuất khẩu của hội viên Nguyễn Văn Linh tại huyện Gia Bình
Tỷ phú trên vùng đất bãi
Ông Nguyễn Văn Linh - Giám đốc HTX Mỹ Linh, xã Cao Đức đã gắn bó với vùng đất bãi ven sông hơn 12 năm. Từ một vùng đất bãi lau sậy, ông Linh đã đầu tư khai phá để biến vùng đất hoang hoá thành vùng đất bãi trù phú. Đến nay, tổng diện tích HTX canh tác là 40 ha, liên kết trồng và xuất khẩu thành công 2 loại cây củ cải đường và cà rốt theo phương pháp hữu cơ sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỗi năm HTX cho xuất khẩu khoảng 2.200 tấn củ cải và 1.500 tấn cà rốt, tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động; doanh thu đạt 9 tỷ đồng/ năm, thu lãi hơn 2 tỷ đồng.
Với những đóng góp cho phong trào sản xuất kinh doanh của Hội Nông dân, năm 2019, ông Linh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019″, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022.
Thành công nhờ ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi
Nổi tiếng đạt nhiều thành công trong nuôi gà, ông Trần Văn Tường (phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn) luôn đi đầu trong áp dụng công nghệ cao vào mô hình chăn nuôi. Năm 2021, ông mua lại 3ha đất ở thôn Thanh Lâm, xã An Thịnh, huyện Lương Tài và đầu tư xây dựng hệ thống chuồng lạnh tiền tỷ để nuôi gà.
Theo đó, ông xây dựng 4 khu chuồng lạnh, mỗi chuồng có giá trị đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Toàn bộ thiết bị chuồng nuôi ông được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khu chuồng lạnh, nhiệt độ luôn được duy trì ở mức 280C giúp đàn gà phát triển ổn định. Bên cạnh đó, trang trại đã lắp đặt bồn cám tự động 16 tấn để cấp cám cho 4 khu chuồng, giúp tiết kiệm khoảng 20 triệu tiền vỏ bao khi mua thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, gà giống do trang trại sản xuất ra được cung ứng rộng khắp cả nước. Với tổng đàn 3 vạn gà bố mẹ, cứ 4 ngày cho khoảng 100.000 trứng vào lò ấp nở, tỷ lệ ấp nở thành công là 80%. Khi gà nở ra 1 ngày tuổi, toàn bộ gà giống được tiêm vaccine để đảm bảo nông dân mua giống về chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Khu trang trại chăn nuôi và ấp nở trứng đã tạo việc làm cho 15 - 17 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng. Năm 2021, ông vinh dự được vinh danh là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Khu chuồng lạnh tại trang trại nuôi gà của ông Trần Văn Tường được đầu tư máy cho ăn tự động và uống nước tự động
Tiên phong xây dựng vùng rau an toàn chất lượng cao
Là chi Hội trưởng chi Hội Nông dân, Giám đốc HTX sản xuất rau củ quả nông sản an toàn Liên Ấp, ông Nguyễn Văn Hiệp ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, đã xây dựng mô hình HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả cao, trở thành điển hình trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Ninh.
Năm 2011, khi có nhiều hộ trong thôn trồng rau an toàn, ông Nguyễn Văn Hiệp đã tập hợp các gia đình để thành lập Tổ sản xuất rau an toàn thôn Liên Ấp do ông làm Tổ trưởng và trực tiếp điều hành từ khâu mua giống, lịch gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, kiểm tra nhật ký trồng rau trước khi xuất bán đến kết nối tiêu thụ. Bình quân mỗi năm, Tổ hợp tác bao tiêu hàng trăm tấn rau cho nông dân. Từ thành công ban đầu, năm 2018, ông Hiệp vận động các thành viên trong tổ hợp tác góp đất, vốn, hoàn thiện các thủ tục liên quan thành lập Hợp tác sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp do ông làm Giám đốc mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Theo ông Hiệp, các thành viên hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện góp đất, vốn để hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ sản xuất nông sản, HTX còn hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên trong chăn nuôi; thu hút được gần 150 hộ tham gia, sản xuất trên diện tích hơn 140ha (rau gần 40ha, lúa trên 100ha) với doanh đạt từ 6-7 tỷ đồng/năm. Hợp tác xã Liên Ấp hiện đã tạo việc làm cho hơn 300 lao động trong thôn với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Với những kết quả đã đạt được, HTX Liên Ấp và Giám đốc Nguyễn Văn Hiệp vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Giấy khen của các cấp, các ngành.
Dám nghĩ, dám làm, vươn mình ra biển lớn
Từ một trang trại nhỏ, năm 2014, chị Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân, huyện Lương Tài đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế trang trại lên Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên diện tích 5ha.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc sản xuất thực phẩm sạch, ngay từ khi thành lập công ty, chị đã hướng đến sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm của công ty dễ dàng xâm nhập vào thị trường, và vào các siêu thị lớn như Winmart, Big C...
Đến nay, công ty đã xây dựng được 1,3ha nhà màng, 0,7ha nhà lưới và mở rộng quy mô lên hơn 10ha chuyên trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao tại Bắc Ninh và Hà Giang, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động.
Để giảm công sức, ngày công lao động, công ty đã đưa thiết bị cơ giới hóa như máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, khung vòm nhà lưới vào sản xuất. Nhờ đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, công ty có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh là: Dưa chuột Baby, Dưa lưới, Riềng tươi, Măng tây xanh; trong đó, nổi bật nhất là dưa leo baby - mặt hàng này luôn trong tình trạng thiếu hàng nhờ chất lượng và mẫu mã đẹp.
Với những thành tích xuất sắc, chị Nguyễn Thị Trâm đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh…
Nông dân đam mê sáng chế máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông xã Minh Tân, huyện Lương Tài, anh Phùng Văn Nam (sinh năm 1981) đã nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp có tính ứng dụng cao.
Sản phẩm tiêu biểu do anh Nam sáng chế là máy cày phay lên luống 5 trong 1 tích hợp nhiều tính năng mới. Dàn phay lên được 5 loại luống khác nhau gồm: luống cà rốt; luống trồng rau ăn lá; luống trồng dưa hấu; luống dưa lê và luống trồng hành, tỏi. Ngoài ra anh còn chế tạo dàn đào rãnh trồng mía và đường ống tưới hoa màu; phụ kiện khoan hố đất trồng cây lâu năm, cây công nghiệp, lâm nghiệp... Các loại máy này đều đáp ứng thiết thực nhu cầu người nông dân và được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp hiện đại.
Trung bình mỗi năm, xưởng sản xuất của anh Nam cung cấp ra thị trường 200 sản phẩm, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh máy móc của anh hàng năm đạt hàng tỷ đồng, cho lợi nhuận 400 triệu đồng/năm.
Với những sản phẩm sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp nền nông nghiệp địa phương ngày càng phát triển, anh Phùng Văn Nam được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020; Anh được Trung ương Hội Nông dân vinh danh “Nhà Khoa học của nhà nông” lần thứ Ba, năm 2020. Đặc biệt, năm 2023, anh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Có thể nói, trên thực tế, còn nhiều và rất nhiều cá nhân tiêu biểu trên quê hương Bắc Ninh, từ sự chịu khó, ham học hỏi đã vươn lên làm giàu chính đáng. Thể hiện rõ vai trò là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Các hộ sản xuất giỏi cũng là nòng cốt tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng để họ trở thành hạt nhân dẫn dắt phong trào thi đua phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà./.
Chu Thị Ngọc
Hội Nông dân tỉnh