Sign In

Từ “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến phong trào thi đua yêu nước hiện nay

20:17 10/06/2024
Vào ngày này 76 năm về trước (11-6-1948), khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tích cực thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, để công cuộc kháng chiến, kiến quốc giành thắng lợi... Từ đó đến nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bắc Ninh hưởng ứng, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thi đua yêu nước là một phương thức lãnh đạo cách mạng, phương thức vận động quần chúng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tất cả các mặt công tác phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị qua các thời kỳ. Trong nhiều năm qua, các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Nội dung, hình thức tổ chức phát động thi đua và tổng kết khen thưởng các phong trào cũng có sự đổi mới rõ nét, mang lại hiệu quả thiết thực. Các phong trào thi đua không chỉ tác động tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, mà đã góp phần quan trọng và làm phong phú, cụ thể trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tác động tích cực góp phần nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch vững mạnh; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy lùi tệ nạn quan liêu, tham nhũng; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, tạo nhiều việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp, giảm số hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền “đi trước một bước” nên toàn tỉnh xuất hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi gắn với các lĩnh vực của đời sống xã hội như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của CNVC-LĐ, lĩnh vực giáo dục và đào tạo có phong trào: “Thi đua dạy tốt, học tốt”; lĩnh vực y tế có phong trào “Lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; lĩnh vực quốc phòng - an ninh có phong trào: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Vì an ninh Tổ quốc”…

Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng Tỉnh ATGT”, các trường học trong tỉnh có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh khi tham gia giao thông.

Đặc biệt nhất là phong trào thi đua: “Xây dựng Tỉnh ATGT”, với sự vào cuộc rất tích cực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành, địa phương và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm sâu trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương; trật tự đô thị, trật tự công cộng được bảo đảm, tình trạng ùn tắc giao thông giảm rõ rệt; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân được nâng lên, văn hóa giao thông văn minh, an toàn từng bước hình thành, Bộ quy tắc văn hóa giao thông của người Bắc Ninh phổ biến rộng rãi, được người dân tích cực thực hiện… Nhiều nội dung, cách thức, giải pháp trong thí điểm xây dựng “Tỉnh ATGT” đã được Bộ Công an, các Cục nghiệp vụ của Bộ ghi nhận, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tham mưu cho Chính phủ trong bảo đảm trật tự ATGT, hướng dẫn nhân rộng. Điểm nổi bật là các phong trào thi đua được triển khai thực hiện gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên những giá trị nhân văn sâu sắc, là động lực to lớn động viên toàn thể cán bộ, hội viên, đoàn viên và tinh thần hưởng ứng của nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cuộc sống cộng đồng, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước chưa thường xuyên, liên tục; nhiều địa phương còn mang tính hình thức do đó không phát huy được hiệu quả; nhiều nơi chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị địa phương. Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; chưa quan tâm việc bồi dưỡng và tạo điều kiện để các điển hình phát huy tác dụng. Công tác khen thưởng thực hiện chưa thật chặt chẽ, thậm chí mang tính hình thức nên chưa động viên kịp thời những cá nhân, tập thể thi đua thực chất…. Để thực hiện trọn vẹn lời Bác dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong giai đoạn mới, dự báo Bắc Ninh sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phải nỗ lực hơn nữa, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, xây dựng Bắc Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh, vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Xuân Bình

Tag:

File đính kèm