Sign In

Tiếp “lửa” cho phóng viên

22:19 20/06/2024
Nhà báo lão thành Nguyễn Uyển từng nhấn mạnh: Đội ngũ phóng viên là những người ở đầu nguồn sự kiện, gắn bó mật thiết với cuộc sống, phản ánh cuộc sống bằng thông tin sự thật mắt thấy tai nghe. Do đó, việc chăm lo cho đội ngũ nơi đầu nguồn sự kiện là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, không thể bỏ

Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh tác nghiệp trong một sự kiện về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Quan họ.

Lao động báo chí là lao động khoa học mang tính khám phá, sáng tạo, là công việc vất vả cả ngày lẫn đêm. Có một câu hỏi triết học luôn đeo đẳng những người làm báo là “cái mới”. Cái mới ấy có thể là thông tin, là vấn đề, sự kiện, cũng có khi là một góc nhìn khác, góc nhìn riêng của mình, hoặc nhiều khi là một vấn đề cũ nhưng được đào sâu hơn, nhìn ngắm sự việc đó qua nhiều góc khác nhau... Làm thế nào khám phá, phát hiện, khai thác được cái mới để phản ánh là điều mà chúng tôi luôn đau đáu trăn trở. Dường như lúc nào người làm nghề viết chúng tôi cũng canh cánh những ý tứ, những câu chữ dù nhỏ nhất với mong muốn ngoài cung cấp thông tin còn làm sao đưa đến cho người đọc sự gợi mở và những rung cảm... 16 năm phụ trách tuyên truyền lĩnh vực văn hóa, hầu hết tác phẩm báo chí của tôi tập trung vào nội dung bảo tồn, phát huy giá trị di sản, giúp bạn đọc cảm nhận những giá trị, vẻ đẹp văn hóa của vùng đất, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc. Lĩnh vực văn hóa thuận lợi hơn các mảng khác là bài viết có thể sử dụng đa dạng bút pháp, lối viết phóng khoáng hơn nên có thể tạo dựng những tác phẩm, chuyên mục hay, làm mềm thông tin cho tờ báo. Tuy vậy, đề tài ở lĩnh vực văn hóa thường ít được xã hội quan tâm so với các mảng khác như chính trị, kinh tế, xã hội... Việc lựa chọn và tìm ra đề tài hay, mới, hấp dẫn và thu hút độc giả ở lĩnh vực văn hóa luôn đòi hỏi kinh nghiệm, sự nhạy bén, năng lực chuyên môn của mỗi phóng viên. Như tất cả những người làm báo, phóng viên văn hóa cũng đối diện với nhiều áp lực, trong đó áp lực lớn nhất là thời gian. Những sự kiện văn hóa thường diễn ra vào dịp lễ tết, cuối tuần, buổi tối nên việc làm ngoài giờ chẳng có gì lạ, khi mọi người nghỉ ngơi thì chúng tôi tất bật đi làm. Bối cảnh sự kiện thường ở không gian ngoài trời, ban đêm, có những sự kiện văn hóa thu hút hàng nghìn người tham dự nên việc tiếp cận nguồn tin, thu thập hình ảnh thật sự khó khăn, vất vả. Trong khi đó, yêu cầu phải có thông tin hay, hình ảnh đặc sắc gửi về tòa soạn trong thời gian sớm nhất đã chi phối cảm xúc, tạo áp lực lớn cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Thực tiễn đời sống có không ít vấn đề, câu chuyện cần tham vấn quan điểm, ý kiến bình luận, đánh giá của chuyên gia nhưng với phóng viên báo chí địa phương, việc tiếp cận, đặt lịch phỏng vấn giới nghiên cứu, nhà khoa học gặp rất nhiều khó khăn. Bởi thế, những bài bình luận sâu sắc về các vấn đề văn hóa, câu chuyện văn hóa trên những trang báo địa phương còn hạn chế. Văn hóa lại là một lĩnh vực rộng, mang tính chất định tính nên luôn đòi hỏi phóng viên tự trau dồi kiến thức, bồi đắp kinh nghiệm, tích lũy mối quan hệ với các chuyên gia, nhà quản lý để có được những góc nhìn mới và các bài viết thu hút bạn đọc. Ngày kỉ niệm nghề là cơ hội cho chúng tôi bày tỏ sự biết ơn với bạn đọc, với nguồn tin, với nhân dân và chất liệu cuộc sống. Đây cũng là dịp mà mỗi người làm báo soi lại, kiểm chứng lao động nghề nghiệp của mình sau một năm nỗ lực để từ đó tiếp tục hành trình vượt qua chính mình. Theo năm tháng, sức trẻ, lòng nhiệt huyết trong mỗi phóng viên có thể nhợt nhạt, không còn đắm đuối như thuở ban đầu nhưng tình yêu và “lửa nghề” vẫn âm ỉ thường trực, chỉ cần được tiếp truyền động lực là “đượm cháy”!

P.V

Tag:

File đính kèm