Sign In

Quy định cụ thể hơn về việc dự trữ khoáng sản, khai thác có hạn định, đảm bảo tính bền vững

19:59 20/06/2024
Chiều 20-6, tham gia thảo luận tại Tổ 13 về Dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) khẳng định khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn việc dự trữ tài nguyên này, khai thác có hạn định, đảm bảo tính bền vững.


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh tham gia thảo luận tại Tổ 13, chiều 20-6.

Về công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, theo Báo cáo tổng kết 13 năm Luật Khoáng sản năm 2010, đến 31/12/2023, Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ mới tổ chức đấu giá thành công 10 khu vực khoáng sản, địa phương tổ chức đấu giá thành công 827/1.310 khu vực khoáng sản mà chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường. Đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần khắc phục tình trạng này, quy định về khoanh vùng khu vực khoáng sản, đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản, hạn chế tối đa tình trạng xin-cho.

Đại biểu cho biết, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động theo các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Thực tế gần đây cho thấy, sự cố công trình, tai nạn lao động trong khai thác khoáng sản là hết sức đáng quan tâm, có thể kể đến một số ví dụ như: Sạt lở cát trong quá trình di chuyển bãi thải khai thác mỏ Titan tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận làm 4 người thiệt mạng; sự cố cháy trong lò ở Công ty than Thống Nhất làm chết 4 người và bị thương 7 người; vụ sập đổ lò chợ tại Công ty than Quang Hanh ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh làm chết 3 người và hư hỏng lớn hệ thống công trình của mỏ.

Đặc điểm của khai thác khoáng sản là tiểm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sản xuất.  Hiện nay, các Luật chuyên ngành như: Hóa chất, Điện lực, Dầu khí, Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Xây dựng… đều quy định khá đầy đủ về quản lý kỹ thuật an toàn đối với từng ngành nói riêng. Tuy nhiên, trong Luật Khoáng sản hiện hành cũng như trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản mặc dù đã có quy định về quản lý kỹ thuật an toàn trong quá trình khai thác (Điều 63) nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chưa đề cập đầy đủ các nội dung cần thiết, đặc biệt là chưa có quy định về quản lý an toàn đối với công nghệ, thiết bị, tổ chức sản xuất, nguồn nhân lực của quá trình khai thác, chế biến khoáng sản.

Đại biểu đề nghị cần quản lý về kỹ thuật an toàn như là: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn, vệ sinh lao động; Xác định những mỏ khai thác khoáng sản có tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn để áp dụng những quy định chặt chẽ hơn về quản lý kỹ thuật an toàn; Xác định nội dung then chốt cần phải thực hiện trong công tác quản lý nhà nước;) Trình độ, năng lực của nhân sự quản lý, chỉ đạo điều hành phải đảm bảo theo hướng nhân sự phụ trách về công tác kỹ thuật khai thác mỏ và nhân sự trực tiếp chỉ huy sản xuất tại hiện trường phải có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản.

Góp ý về nội dung trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, đại biểu cho biết: Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019; một số quy hoạch ngành quốc gia liên quan đến khoáng sản mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023 (Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023). Như vậy, đến nay, việc triển khai các quy hoạch ngành quốc gia này mới bắt đầu được thực hiện, chưa có thời gian kiểm chứng về những bất cập của các quy định tại Luật Quy hoạch. Tại báo cáo tổng kết 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2013 cũng không nêu những tồn tại, bất cập trong việc thực thi quy định này. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Dự thảo Luật, việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch khoáng sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, bao gồm cả trách nhiệm, thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch tại Điều 14 Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, Điều 15 của Dự thảo Luật lại quy định cụ thể về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản khác với quy định của Luật Quy hoạch là chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị việc quy hoạch khoáng sản giao cho Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, các nội dung quy hoạch về diện tích, quy mô thăm dò, khai thác, chế biến được Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu xây dựng; gắn kết hài hoà giữa việc thăm dò, khai thác với chế biến, sử dụng khoáng sản. Việc quy định này bảo đảm sự phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước; hạn chế tình trạng cục bộ, khép kín, tăng tính minh bạch, khách quan trong quản lý nhà nước; góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát huy được tối đa năng lực, tổ chức của các cơ quan quản lý nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

Vân Giang

Tag:

File đính kèm