Sign In

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân: Cần quy định rõ hơn về thiết bị bay không người lái

21:31 19/06/2024
Chiều 19-6, trong phiên thảo luận ở Tổ của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết được nêu trong Tờ trình số 193 của Chính phủ về Luật Phòng không nhân dân. Đồng thời, góp ý một số nội dung để hoàn thiện Dự án Luật.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân tham gia thảo luận tại Tổ 13, chiều ngày 19-6.

Đại biểu Trần Thị Vân viện dẫn, tại Điều 74 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 quy định: "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội, có chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó". Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” là một trong những trọng điểm phòng không nhân dân. Đồng thời quy định thêm điều kiện được xác định trọng điểm phòng không nhân dân của ”đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”.

Về đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (Điều 19), đại biểu Trần Thị Vân cho rằng trong những năm gần đây, ngoài sử dụng trong lĩnh vực quân sự, thiết bị bay không người lái ngày càng được sử dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác như: khí tượng, phim ảnh, nông nghiệp, giải trí…; Các loại flycam được sử dụng rộng rãi theo sở thích cá nhân để ghi lại các hình ảnh, phong cảnh đẹp của các vùng miền; việc sử dụng drone trong nông nghiệp, chủ yếu là phun thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra ruộng đồng bắt đầu phổ biến để đáp ứng xu hướng phát triển ngành nông nghiệp 4.0. Do đó, để đáp ứng nhu cầu thực tế, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định thủ tục rút gọn, thuận lợi hơn trong việc cấp phép bay đối với cá nhân có đam mê, sở thích với flycam, sử dụng drone trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tại điểm c, khoản 2, Điều 29 Dự thảo Luật quy định: “c) Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không”. Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng cụm từ “có kiến thức về hàng không” rất chung chung, dẫn đến việc xác định điều kiện để người được trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị cần quy định rõ ràng để thống nhất áp dụng khi luật ban hành.

Về tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (Điều 31), đại biểu Trần Thị Vân cho rằng việc quy định chung đối với 03 trường hợp: “tạm giữ”, “thu giữ”, “chế áp” tại khoản 1, Điều 31 Dự thảo Luật là chưa phù hợp. Do 3 trường hợp này mức độ hoàn toàn khác nhau như: “chế áp” được hiểu là các biện pháp hoặc hoạt động làm tê liệt hoặc hoặc hạn chế hiệu quả sử dụng của thiết bị; còn “tạm giữ” được hiểu là có thể trả lại và “thu giữ” được hiểu là tịch thu và không trả lại. Do đó, đề nghị có quy định riêng đối với từng trường hợp, trường hợp nào thực hiện “tạm giữ”, trường hợp nào “thu giữ” và trường hợp nào thực hiện “chế áp” để tránh việc áp dụng không thống nhất đối với các phương tiện bay vi phạm cần được xử lý. Đồng thời cũng quy định rõ thẩm quyền ra lệnh đối với từng trường hợp “tạm giữ”, “thu giữ”, “chế áp” quy định tại khoản 2 Điều này.

Vân Giang

Tag:

File đính kèm