Sign In

Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành là yêu cầu trước tiên để Luật đi vào cuộc sống

16:43 20/06/2024
Sáng nay, các ĐBQH thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh thảo luận tại Tổ 13.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 do Chính phủ trình được bố cục thành 05 Điều, sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngàỵ 01 tháng 8 năm 2024. Riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Mục đích ban hành Luật nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi như: chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Tham gia thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, các chính sách được ban hành nhằm giải quyết những vấn đề xảy ra trong xã hội nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và tính khả thi. Khi xây dựng 4 dự án Luật này, được Quốc hội thông qua đều bảo đảm các nội dung trên. Do đó, khi chính sách được ban hành thì việc càng sớm đưa chính sách vào cuộc sống càng tốt, là mong đợi của cử tri. Tuy nhiên theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các luật được ban hành phải có một khoảng thời gian để các cơ quan, tổ chức chuẩn bị, đảm bảo khi luật có có hiệu lực thì việc thực hiện trên thực tế được diễn ra. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như ý kiến của các Ủy ban khác của Quốc hội đã nhận định việc Luật được ban hành sớm là mong đợi của người dân, doanh nghiệp, tổ chức.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh còn băn khoăn bởi để đảm bảo hiệu lực của 4 Luật này, Chính phủ đề ra giải pháp là khẩn trương xây dựng để ban hành tất cả các văn bản hướng dẫn thi hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Chiểu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành theo trình tự, thủ tục rút gọn là để giải quyết những vấn đề cấp bách xảy ra trong thực tiễn. Khi xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành theo thủ tục rút gọn thì không yêu cầu lấy ý kiến của tất cả các đối tượng chịu sự tác động của văn bản, không phải báo cáo đánh giác tác động. Theo báo cáo của Chính phủ, các văn bản hiện nay đang trên bàn, chuẩn bị để Chính phủ và các bộ, ngành ký, đã triển khai lấy ý kiến các tổ chức, các đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Liên quan đến việc báo cáo đánh giá tác động, trong hồ sơ chưa thấy có báo cáo đánh giá tác động về việc sẽ ban hành sớm với những nội dung này. Các địa phương có trách nhiệm hướng dẫn 20 nội dung đối với Luật Đất đai, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở và các luật khác. Qua trao đổi, nhiều địa phương chưa kịp ban hành các văn bản này.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, việc ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành là yêu cầu trước tiên để Luật đi vào cuộc sống. Sau đó đến các yêu cầu như đầu tư các trang thiết bị, hệ thống cơ sở dữ  liệu…Trong báo cáo thẩm tra cũng như ý kiến của nhiều Ủy ban của Quốc hội đề nghị Chính phủ phải cập nhật từng ngày tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong hồ sơ, tại phụ lục 2 đã cập nhật nhưng mới chỉ ở cấp Trung ương, vẫn còn có những văn bản mới lấy ý kiến của các bộ, ngành chứ chưa tổ chức thẩm định của Bộ Tư pháp. Có những văn bản vẫn đang tiếp thu ý kiến, mà việc tiếp thu ý kiến mới là quan trọng để chọn lựa ra những nội dung hướng dẫn giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện một cách tốt nhất. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị chỉ chọn những nội dung thực sự giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực tiễn thì áp dụng theo trình tự thủ tục rút gọn sớm hơn 5 tháng, còn những nội dung khác thì phải rất cân nhắc.

Vân Giang

Tag:

File đính kèm