Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, trong thời gian qua Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung, nhiệm vụ cải cách tư pháp. Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trực tiếp triển khai sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, mục đích của các chủ trương, nhiệm vụ lớn, quan trọng về cải cách tư pháp. Thực hiện tuyên truyền về cải cách tư pháp lồng ghép nội dung về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp tại hội nghị quán triệt nghị quyết của Đảng; lồng ghép vào chương trình giảng dạy pháp luật ở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị trên địa bàn tỉnh; sinh hoạt các chi, đảng bộ cơ sở; tổ địa bàn dân cư, các hội đoàn thể; lồng ghép tuyên truyền trong các buổi hòa giải ở cơ sở, các cuộc họp ở tổ địa bàn dân cư.
 |
Quang cảnh Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU, ngày 30/5/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách tư pháp và tổng kết thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 12/4/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh của BTV Tỉnh ủy |
Đồng thời, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện đăng tải các văn bản của Đảng về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, đưa tin, viết bài, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, tuyên truyền kết quả thực hiện cải cách tư pháp hàng năm từ khi có chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp. Trọng tâm là tuyên truyền chủ trương, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới”; Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 17/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kết luận số 777-KL/TU, ngày 22/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU về “lãnh đạo việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án, kéo giảm tình trạng án quá hạn luật định, án bị hủy, sửa của TAND hai cấp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”; tuyên truyền đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống; các Luật, Bộ Luật mới có hiệu lực đối với đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp…Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng một xã hội chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp đôi lúc còn chưa được thực hiện thường xuyên, hình thức thiếu linh hoạt; nhận thức của cán bộ, đảng viên trong một số cơ quan, tổ chức về mục địch, yêu cầu và trách nhiệm triển khai thực hiện chiến lược cải cách tư pháp chưa thực hiện đầy đủ, nhất quán; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với công tác tuyên truyền hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp còn chưa chặt chẽ. Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền về cải cách tư pháp cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong tuyên truyền các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về công tác tư pháp, cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hai là, tăng cường tính đồng bộ, hiệu quả trong phối hợp tuyên truyền giữa các lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, báo chí, xuất bản; giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần tuyên truyền cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, phục vụ, với phương châm “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khuyến khích, khơi dậy, nêu gương đối với CBCCVC có cách làm mới, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong quá trình thực thi công vụ.
Ba là, huy động sức mạnh tổng hợp, sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ của các lực lượng, cơ quan, đơn vị, làm công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng tới việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet, mạng xã hội. Trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển nhanh chóng, việc kết hợp nhiều kênh truyền thông khác nhau sẽ giúp thông tin tiếp cận được rộng rãi và hiệu quả hơn đến người dân.
Báo chí là kênh truyền thông truyền thống nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến thông tin về cải cách tư pháp. Việc xuất bản các bài viết chuyên sâu, phỏng vấn các chuyên gia và những người có kinh nghiệm về cải cách tư pháp trên báo, đài của tỉnh sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về những thay đổi và cải tiến trong hệ thống tư pháp. Những bài viết chuyên sâu này không chỉ cung cấp thông tin chi tiết về các cải cách mà còn giải thích rõ ràng về lợi ích và tầm quan trọng của chúng đối với xã hội.
Bốn là, phát hành tài liệu như sách và sổ tay cung cấp các hướng dẫn chi tiết về quy trình cải cách tư pháp, từ việc nộp hồ sơ, thực hiện các thủ tục pháp lý đến việc giải quyết tranh chấp, giúp người dân và các đối tượng liên quan dễ dàng nắm bắt và thực hiện. Đây là một giải pháp quan trọng trong việc tăng cường phổ biến và tuyên truyền về công tác cải cách tư pháp. Việc cung cấp các tài liệu hướng dẫn chi tiết và dễ tiếp cận sẽ giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về các quy trình và luật lệ liên quan đến cải cách tư pháp. Sách và sổ tay có thể được phát hành rộng rãi tại các thư viện, trung tâm tư vấn pháp lý và các cơ quan nhà nước. Người dân có thể mang theo và tham khảo bất cứ lúc nào, giúp họ nắm vững các quy trình và luật lệ cần thiết.
Năm là, tuyên truyền thông qua tài liệu trực tuyến là một phương thức hiện đại và hiệu quả để cung cấp thông tin về cải cách tư pháp. Việc sử dụng các trang web chính thức và các nền tảng trực tuyến giúp thông tin tiếp cận được rộng rãi và nhanh chóng đến với người dân; tài liệu trực tuyến có thể được truy cập mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động và máy tính bảng. Điều này giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu thông tin mà không cần phải đến các cơ quan nhà nước.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các hoạt động tuyên truyền; kịp thời phát hiện, giới thiệu và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong việc triển khai thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về cải tư pháp là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Bằng việc áp dụng các giải pháp tăng cường phổ biến và tuyên truyền về công tác cải cách tư pháp không chỉ giúp thông tin tiếp cận được rộng rãi và nhanh chóng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác và hỗ trợ giữa người dân và các cơ quan tư pháp.
Lê Phương