Sign In

Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06

13:39 19/03/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Sáng ngày 18/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 đã chủ trì và chỉ đạo Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tới các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cùng dự Phiên họp tại điểm cầu Hà Nội có các Phó Thủ tướng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, trường đại học, cơ quan liên quan.

Tham dự Phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diễn lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

z6418241892732_5450da2a0d7c38fc67e3e142cddfd3f0.jpg
IMG_9984.JPG
Các đại biểu tham dự Phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 được thành lập theo Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 13/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách, các giải pháp quy mô quốc gia phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Giúp việc cho Ban chỉ đạo còn có 03 Tiểu Ban, bao gồm: (1) Tiểu Ban Triển khai Đề án 06 do đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Tiểu Ban; (2) Tiểu Ban Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do đồng chí Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng Tiểu Ban; (3) Tiểu Ban Cải cách hành chính do đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Trưởng Tiểu Ban.

Theo các báo cáo tại Phiên họp, kể từ khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị được ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành các Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết bảo đảm chất lượng và thời gian theo quy định.

Hiện nay, thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06 đang tiếp tục được tập trung hoàn thiện; Quốc hội đã ban hành 04 Luật và Nghị quyết 193 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ đã ban hành 32 Nghị định; các bộ đã ban hành theo thẩm quyền 34 Thông tư. Cả nước đã đơn giản hóa 379/1.084 TTHC; 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.

Từ tháng 10/2024, Việt Nam đã chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G; tốc độ Internet xếp thứ 37, tăng 07 bậc so với năm 2023. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ với 28 tỷ USD trong năm 2024 (tăng 36%); thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp (tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 57%). Công nghiệp ICT có bước phát triển khá (doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9%). Công nghiệp bán dẫn có doanh thu 18,7 tỷ USD với 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch và 6 ngàn kỹ sư thiết kế. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh với 18 tỷ USD trong năm 2024, tăng 38,5%.

Công tác triển khai Đề án 06 được thúc đẩy mạnh mẽ, lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Việt Nam đã hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cung cấp 40 tiện ích trên ứng dụng VNeID (tăng 27 tiện ích so với năm 2023); tích hợp Sổ Sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử với trên 15,5 triệu thông tin công dân; hơn 2,7 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 79,2% người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản.

Nhìn chung, năm 2024, Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế: chỉ số phát triển Chính phủ điện tử xếp hạng 71/193, tăng 15 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng 44/133, tăng 02 bậc; chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu xếp hạng 17/194, tăng 8 bậc.

img9702-17422749996771558854057.jpg
Toàn cảnh Phiên họp tại điểm cầu chính

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận và ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh việc biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng cũng chỉ ra các nhiệm vụ bị chậm tiến độ và những tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục như: Chuyển đổi số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; vùng sâu vùng xa còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận internet; cải cách hành chính chưa được quan tâm đúng mức, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc còn chậm, hiệu quả chưa cao; nhân lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và triển khai Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng…

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã đưa ra 03 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện xuyên suốt trong thời gian tới, đó là: (1) Hoàn thiện thể chế thông thoáng, trước mắt đề xuất Quốc hội dùng một luật sửa nhiều luật; (2) Phát triển hạ tầng phải thông suốt, đẩy mạnh phát triển phủ sóng 5G, hệ thống cáp quang, vệ tinh, đặc biệt là cơ sở dữ liệu; (3) Các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau: (1) Xử lý các văn bản hành chính và nhất là thủ tục hành chính trên môi trường số; (2) Đẩy mạnh, phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt với lộ trình cụ thể; (3) Đẩy mạnh thu thuế điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nhất là với dịch vụ ăn uống và bán lẻ.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương có hệ thống hạ tầng mạng viễn thông tốt, không có điểm nghẽn, tỷ lệ phủ sóng 5G rộng; số người dân có thuê bao internet băng thông rộng, sử dụng điện thoại thông minh, có tài khoản thanh toán ngân hàng chiếm tỷ lệ cao. Tỉnh cũng là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc thuê Trung tâm Tích hợp dữ liệu điện toán đám mây; xây dựng hệ thống camera giám sát giao thông thông minh; thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh phục vụ cho công tác chỉ đạo; đẩy mạnh triển khai các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số với nhiều kết quả tích cực; từng bước nâng cao chỉ số chuyển đổi số qua từng năm.

Hiện nay, Bà Rịa – Vũng Tàu đang nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu điện toán đám mây nhằm thu hút doanh nghiệp nước ngoài đặt trung tâm dữ liệu điện toán đám mây tại tỉnh, từ đó hình thành, phát triển trung tâm dữ liệu lớn (HUB) có hạ tầng lưu trữ, tính toán đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn xanh tại tỉnh.

Song song đó, Tỉnh cũng tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển hạ tầng viễn thông, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao, mạng thông tin di động 5G, phấn đấu là tỉnh đầu tiên được phủ sóng 6G.

Về dữ liệu, Bà Rịa – Vũng Tàu đã hoàn thành số hóa dữ liệu thực hiện số hóa trên địa bàn tỉnh BR-VT; hoàn thành làm sạch dữ liệu chủ sử dụng đất (281.592 trường hợp); hoàn thành số hoá và xây dựng CSDL địa chính; tiếp tục thực hiện số hóa, làm sạch dữ liệu các đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội; hoàn thành đối soát để làm sạch dữ liệu GPLX, tích hợp trên VneID; làm sạch dữ liệu Căn cước can phạm để phục vụ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID, đến nay, tổng số hồ sơ cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID đạt tỷ lệ 68,5%;...

Thùy Dương

Tag:

Bài viết tích hợp từ : baria-vungtau.gov.vn