Sign In

Tác phẩm sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên hiện nay

15:43 21/04/2024

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo công tác xây dựng Đảng, trong đó Người đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng về tính tiên phong, gương mẫu, bởi vì: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), những lời nói, việc làm của cán bộ, đảng viên là tấm gương sáng, mang theo sự kỳ vọng, tin tưởng, quý mến của mỗi người dân rằng, cuộc sống sẽ sáng tươi hơn; Người cũng từng nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”(2). Nhằm nâng cao trình độ lý luận, tình cảm cách mạng, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác… của người cán bộ, đảng viên cách mạng, tháng 10/1947, tại Việt Bắc, với bút danh là XYZ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. 


Tác phẩm thể hiện những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, trên 6 nội dung sau: I. Phê bình và sửa chữa, phần này Bác nêu tầm quan trọng của phê bình và sửa chữa khuyết điểm, từ đó chỉ rõ biện pháp để cơ quan, tổ chức sửa chữa các khuyết điểm. II. Mấy điều kinh nghiệm, nêu 6 nội dung căn bản để thực hiện tốt nhiệm vụ, đó là phải có cán bộ tốt, cách làm phù hợp, nghiên cứu tận gốc rễ của vấn đề, có quyết tâm và sáng tạo, lấy lợi ích của nhân dân làm gốc, chống bệnh hình thức, nể nang. III. Tư cách và đạo đức cách mạng, phân tích 12 điều tư cách của Đảng chân chính cách mạng, nêu 8 nội dung về phận sự, tư cách và bổn phận của đảng viên, việc rèn luyện tính Đảng của cán bộ, đảng viên, theo đó Bác chỉ rõ nội dung tính Đảng mà cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, 12 căn bệnh của cán bộ, đảng viên từ việc không thường xuyên rèn luyện tính Đảng, các biện pháp sửa chữa các căn bệnh. IV. Vấn đề cán bộ, phân tích 5 vấn đề lớn về công tác cán bộ: lựa chọn, huấn luyện, sử dụng, kiểm tra, chính sách đối với cán bộ. V. Cách lãnh đạo, chỉ rõ các cách thức để lãnh đạo hiệu quả. VI. Chống thói ba hoa, đã nêu các biểu hiện và biện pháp sửa chữa thói ba hoa của cán bộ, đảng viên. 

Từ nội dung nêu trên, có thể khái quát một số điểm cơ bản của Tác phẩm thể hiện tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên: 

- Về sáng kiến, sáng tạo. Cán bộ, đảng viên phải là người hăng hái, nhiệt huyết với các hoạt động thực tiễn, nhận thức đầy đủ, tham mưu, giải quyết những vấn đề sinh động từ thực tiễn, nhằm phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bất kỳ việc to hay việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết các vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức của quân thù, đó đều là sáng kiến”(3).

- Về thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ, đảng viên là người đi đầu, dẫn dắt sự phát triển, bởi vì: “Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”(4), nên sau khi nghiên cứu đến “đến cội rễ” của vấn đề phải quyết liệt triển khai thực hiện, phải luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, phải toàn tâm, toàn ý với công việc.

- Về giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Trong lịch sử lãnh đạo cách mạng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi to lớn, đem lại nền độc lập cho dân tộc và đưa đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, có được thành quả này do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự gương mẫu, tự giác, tuyệt đối chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở cán bộ, đảng viên của Đảng, trong “bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ phải luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức và chính trị của mình. Luôn giữ gìn kỷ luật”(5).

- Về thực hiện dân chủ. Phát huy dân chủ là bài học sống còn trong lãnh đạo cách mạng của Đảng, vì làm cách mạng “giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát”(6), một người không thể làm được nếu không tranh thủ tình cảm, trí tuệ, hành động của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thì không thể thực hiện, muốn vậy phải thực hành dân chủ và cán bộ, đảng viên phải đi đầu. Có như vậy khó khăn, trở ngại mới được tháo gỡ, nhiệm vụ mới dần được hoàn thành như lời tổng kết của Bác: “Thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”(7).

- Không chỉ hăng hái trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đề ra mà cán bộ, đảng viên còn phải chủ động, tích cực trong công tác phòng chống, sửa chữa 02 chứng bệnh, như: “Bệnh khai hội”, “bệnh nể nang” và 12 căn bệnh, như: “Ba hoa, địa phương, danh vị, thiếu kỷ luật, cẩu thả, xa quần chúng, chủ quan, hình thức, ích kỷ, hủ hóa, thiếu ngăn nắp, lười biếng”(8) mà Bác đã đề cập trong Tác phẩm. 

Tóm lại, nghiên cứu tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, có thể đúc rút một số điểm cơ bản về tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, như: Tiên phong về sáng kiến, sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hành dân chủ, sửa chữa các hạn chế, khuyết điểm. Những nội dung này là cơ sở để vận dụng vào công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu hiện nay. 

Một là, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là nội dung có giá trị thiết thực, thúc đẩy các đầu công việc tiến triển theo kế hoạch, bởi vì cán bộ là gốc của mọi công việc, có những cán bộ chủ động, sáng tạo thì mọi việc sẽ thành công. Đại hội XIII của Đảng (01/2021) cũng đã xác định: “đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phong trào cách mạng”(9).

Hai là, giữ vững, phát huy tinh thần kỷ luật, kỷ cương của người cán bộ, đảng viên. Ý thức cao về tính kỷ luật, kỹ cương giúp cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ theo tiến độ đã định. Đồng thời với giữ vững, phát huy tính kỷ luật, kỷ cương, cần phát huy vai trò kiểm tra, giám sát và kỷ luật nghiêm, Đại hội XIII của Đảng (01/2021) đã nêu “kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng”(10).

Ba là, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện dân chủ. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Đảng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đưa đất nước vượt qua bước hiểm nghèo của lịch sử, đạt được thành công này do Đảng biết coi trong thực hành dân chủ. Nên trong thời kỳ đổi mới, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải tiếp tục coi trọng, phát huy vai trò tiên phong về “phong cách làm việc dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, cầu thị, học hỏi, nói đi đôi với làm”(11), vì đó là “chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”(12).

Bốn là, nêu gương của cán bộ, đảng viên về sự mẫu mực trong quyết định và chịu trách nhiệm với các quyết định. Cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, như: Quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc, nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh, thoái thác công việc cho người khác hoặc lơ là, thiếu tích cực, làm cầm chừng cho có, cho qua mọi việc, không quan tâm đến hiệu quả; tích cực nghiên cứu, tìm ra phương cách hữu hiệu để xử lý các công việc được giao. Đại hội XIII của Đảng (01/2021) cũng đã xác định rõ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”(13).

Năm là, khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm, không dám làm. Sợ trách nhiệm, không dám làm đang hiện hữu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương, các lĩnh vực, khiến nhiều việc bị trì trệ, ách tắc, nhiều nguồn lực của đất nước không được khơi dậy và phát huy, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao nhất với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt đang được Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện. Vậy nên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp (Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng), theo đó cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ “không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác”(14) và Bộ Chính trị ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị), theo đó Đảng khẳng định: “cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”(15).

-------------------------------------------------

1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.5, tr.309.
2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.6, tr.16
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.5, tr.284.
4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.8, tr.281.
5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.5, tr.293.
6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.5, tr.292.
7. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.15, tr.325.
8. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.5, tr.307.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.184.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.189-190.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.199.
12. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.15, tr.325.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.187.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012) Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Hà Nội.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Hà Nội, tr.1.

 

TS. Nguyễn Huy Phương
Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu

Tag:

File đính kèm